Viêm Cổ Tử Cung Là Gì? Dấu Hiệu Và Cách Điều Trị
Nội dung bài viết
Viêm cổ tử cung là bệnh phụ khoa thường gặp, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản nói riêng và sức khỏe của phụ nữ nói chung. Vậy viêm cổ tử cung là bệnh gì, dấu hiệu và cách điều trị ra sao?
Viêm cổ tử cung là gì?
Viêm cổ tử cung là bệnh lý phụ khoa thường gặp ở phụ nữ, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bệnh lý này là tình trạng viêm và sưng, thậm chí lở loét cổ tử cung do nhiễm vi khuẩn, nấm, virus và ký sinh trùng.
Cổ tử cung là bộ phận nằm giữa âm đạo và tử cung, có độ dài khoảng 5cm. Viêm nhiễm ở cổ tử cung nếu không điều trị kịp thời sẽ khiến vùng viêm lan rộng và có nguy cơ chuyển biến thành viêm vùng chậu.
Độ tuổi có tỉ lệ mắc căn bệnh này nhiều nhất là phụ nữ khoảng 20 đến 35 tuổi đã quan hệ tình dục hoặc đã sinh con. Bệnh viêm cổ tử cung có hai dạng: viêm cấp tính và viêm mãn tính. Cách phân loại này dựa trên nguyên nhân phát bệnh và thời gian tiến triển của bệnh.
Viêm cổ tử cung cấp tính là tình trạng viêm cấp tính xảy ra đột ngột, bệnh diễn tiến trong thời gian ngắn và có thể thuyên giảm nhanh.
Tình trạng này có thể xuất hiện khi người phụ nữ bị sảy thai hoặc sau thời kỳ sinh nở. Lúc này niêm mạc tử cung trở nên nhạy cảm, có thể lộn ngược vào âm đạo và xuất hiện tình trạng viêm nhiễm.
Viêm mãn tính là tình trạng cổ tử cung viêm kéo dài, các biểu hiện bệnh không thể hiện cấp tập, người bệnh thậm chí có thể không cảm thấy đau đớn và khó chịu nhưng nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Triệu chứng của viêm cổ tử cung
Các triệu chứng của viêm nhiễm ở cổ tử cung có thể không rõ ràng, đôi khi có thể nhầm lẫn các triệu chứng với tình trạng viêm âm đạo, người bệnh cần chú ý tới những dấu hiệu sau để có thể xác định viêm cổ tử cung sớm nhất.
- Khí hư tiết ra từ âm đạo nhiều bất thường, có màu sắc lạ như trắng đục hoặc màu vàng kèm theo mùi hôi rất khó chịu. Khí hư có thể đặc hơn bình thường hoặc quá loãng.
- Người bệnh có cảm giác ngứa rát âm hộ. Vùng kín sưng đau, có thể tiết nhiều dịch khiến bộ phận này luôn ẩm ướt và có mùi khó chịu.
- Người bệnh có cảm giác đau rát trong và sau khi quan hệ tình dục. Đôi khi xuất hiện tình trạng chảy máu khi quan hệ mặc dù không phải trong thời kỳ kinh nguyệt.
- Âm đạo có hiện tượng xuất huyết bất thường, xuất huyết không phải trong kỳ kinh nguyệt.
- Người bệnh gặp phải tình trạng đi tiểu buốt, tiểu nhiều lần do viêm nhiễm ảnh hưởng đến bàng quang.
- Tình trạng đau bụng dưới và đau thắt lưng thường xuyên xuất hiện kể cả không phải trong thời kỳ kinh nguyệt.
- Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ có thể bị ảnh hưởng, chu kỳ không đều và lượng máu thay đổi.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp người bệnh không có bất cứ biểu hiện lâm sàng nào. Tình trạng bệnh chỉ được phát hiện khi theo dõi và khám sức khỏe định kỳ.
Nguyên nhân gây bệnh thường gặp
Viêm cổ tử cung có thể xảy ra do tình trạng nhiễm trùng, nhiễm vi khuẩn, virus hoặc nấm. Việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp các bác sĩ rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh và có phương pháp điều trị hiệu quả.
Bệnh viêm cổ tử cung có thể do các nguyên nhân sau:
- Nhiễm trùng: Nguyên nhân phổ biến nhất của căn bệnh này là do vi khuẩn và nấm gây bệnh lây qua đường tình dục. Các vi khuẩn lậu, Chlamydia, vi khuẩn Mycoplasma hoặc Trichomonas và Herpes simplex là những vi khuẩn có thể tấn công và gây ra tình trạng viêm nhiễm.
- Do dị ứng: Một số phụ nữ có thể gặp phải tình trạng dị ứng với bao cao su, tampon, màng chắn tránh thai hoặc vòng tránh thai gây ra tình trạng viêm và sưng ở cổ tử cung. Ngoài ra, việc sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ không phù hợp cũng có thể gây ra kích ứng vùng kín dẫn tới tình trạng viêm nhiễm.
- Do rối loạn hormone: Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn tới viêm nhiễm cổ tử cung. Tình trạng mất cân bằng trong âm đạo do rối loạn hormone có thể dẫn tới tình trạng tăng sinh quá mức hại khuẩn dẫn tới tình trạng viêm nhiễm.
Điều này giải thích vì sao tình trạng này thường gặp ở phụ nữ sau sinh, bị sảy thai hoặc đang trong thời kỳ mang thai.
Ngoài ra, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như sau:
- Quan hệ tình dục quá sớm khi cổ tử cung chưa hoàn thiện dễ dẫn đến các tổn thương.
- Quan hệ tình dục quá nhiều hoặc quan hệ không an toàn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục.
- Việc vệ sinh không đúng cách và không giữ vệ sinh vùng kín cũng làm tăng nguy cơ viêm cổ tử cung.
- Phụ nữ đã từng nạo phá thai hoặc có hệ miễn dịch yếu hoặc có tiền sử bị cổ tử cung bị viêm có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người phụ nữ khỏe mạnh.
Viêm cổ tử cung có nguy hiểm không?
Cổ tử cung có vai trò ngăn ngừa vi khuẩn, virus tấn công vào buồng tử cung. Do đó nếu bộ phận này bị viêm nhiễm có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm cho cơ thể.
- Viêm vùng chậu: Đây là biến chứng rất nguy hiểm và phổ biến ở những người bị viêm cổ tử cung. Vùng chậu là toàn bộ buồng tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng. Nếu tình trạng viêm nhiễm xảy ra có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
- Ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản: Viêm cổ tử cung có mang thai được không là thắc mắc của nhiều phụ nữ mắc căn bệnh này. Tình trạng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thụ thai tự nhiên của phụ nữ dẫn tới vô sinh thứ phát.
- Gây nguy hiểm cho thai nhi: Cổ tử cung bị viêm xảy ra ở phụ nữ có thai có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của thai nhi. Các vi khuẩn gây hại trong cổ tử cung có thể làm tăng nguy cơ sinh non, trẻ nhẹ cân và có nguy cơ dị tật bẩm sinh.
- Tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung và các bệnh phụ khoa khác: Tình trạng viêm nhiễm nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn tới nhiều biến chứng, tạo cơ hội cho các bệnh phụ khoa khác hình thành và phát triển.
- Ung thư cổ tử cung: Đặc biệt, bệnh lý này nếu không điều trị có thể dẫn tới biến chứng ung thư cổ tử cung – bệnh phụ khoa nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của phụ nữ.
Cách chẩn đoán viêm cổ tử cung
Việc điều trị viêm cổ tử cung cần được thực hiện càng sớm càng tốt để tránh các nguy cơ biến chứng. Phụ nữ có thể được chẩn đoán căn bệnh này khi đi khám sức khỏe sinh sản định kỳ hoặc thăm khám khi có các triệu chứng bệnh bất thường.
Để chẩn đoán tình trạng viêm nhiễm, các bác sĩ có thể thăm khám lâm sàng hoặc thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng.
Thăm khám lâm sàng: Khi thăm khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ xem xét cổ tử cung, buồng tử cung bằng mỏ vịt để tìm các triệu chứng ứ đọng huyết trắng và phù nề niêm mạc.
Xét nghiệm cận lâm sàng: Các xét nghiệm cận lâm sàng có thể thực hiện để chẩn đoán viêm cổ tử cung là:
- Xét nghiệm huyết trắng trong cổ tử cung để tìm tế bào bạch cầu.
- Soi tươi kết hợp nhuộm gram âm trong dịch âm đạo tìm nguyên nhân vi khuẩn gây bệnh.
- Thực hiện các xét nghiệm máu để xác định kháng thể trong máu, vi khuẩn và virus gây bệnh.
Điều trị viêm cổ tử cung đúng cách như thế nào?
Khi được chẩn đoán cổ tử cung bị viêm, tùy theo nguyên nhân gây bệnh và tình trạng bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp điều trị viêm cổ tử cung phổ biến hiện nay:
Chữa viêm cổ tử cung bằng Tây y (dùng thuốc + thủ thuật)
Các loại thuốc điều trị viêm nhiễm ở cổ tử cung là kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn, virus và nấm. Bên cạnh đó có thể kết hợp với các thuốc làm giảm triệu chứng viêm do nhiễm trùng.
- Các nhóm thuốc sử dụng trong điều trị bệnh do vi khuẩn lậu là: Cefixim, Ofloxacin, Ciprofloxacin và Levofloxacin.
- Các nhóm thuốc điều trị bệnh do Chlamydia: Azithromycin, Doxycycline, Erythromycin, Tetracycline.
- Nhóm thuốc hỗ trợ điều trị các triệu chứng sưng, viêm, giảm đau và hạ sốt là: Paracetamol, Ibuprofen, Naproxen, Diclofenac.
Nếu tình trạng bệnh kéo dài và người bệnh không đáp ứng với thuốc chỉ định, các bác sĩ có thể chỉ định một số thủ thuật sau để điều trị:
- Nhiệt trị liệu: Sử dụng nhiệt để phá hủy các mô niêm mạc bị viêm trong cổ tử cung. Sau khoảng 2 đến 3 tuần, các mô niêm mạc này sẽ được đào thải ra ngoài.
- Liệu pháp Laser: Sử dụng tia laser cường độ cao phá hủy mô niêm mạc. Các mô này cũng được đào thải ra ngoài cơ thể sau 2 đến 3 tuần.
- Phương pháp áp lạnh: Là phương pháp sử dụng nitơ hóa lỏng hóa đông các mô niêm mạc bị viêm. Phương pháp này được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định. Sau đó từ 2 đến 3 tuần, các mô tử cung sẽ được đào thải ra ngoài thông qua dịch tiết âm đạo.
Các bài thuốc Đông y
Một số người bệnh không sử dụng được thuốc kháng sinh và không áp dụng các thủ thuật can thiệp có thể điều trị bệnh bằng một số bài thuốc Đông y cũng có thể đem lại hiệu quả.
Phương pháp điều trị bằng Đông y có thể giúp điều trị nguyên nhân gây bệnh và điều trị các triệu chứng bệnh mà vẫn đảm bảo an toàn cho sức khỏe sinh sản của phụ nữ.
Chữa viêm cổ tử cung bằng trinh nữ hoàng cung
Các bài thuốc sử dụng trinh nữ hoàng cung có khả năng điều trị viêm nhiễm phụ khoa rất tốt do tính kháng sinh trong cây thuốc này và làm tăng sức đề kháng cho cơ thể. Các bài thuốc sử dụng trinh nữ hoàng cung như sau:
- Bài thuốc 1
Nguyên liệu chuẩn bị: 3 lá trinh nữ hoàng cung tươi, cắt khúc.
Cách thực hiện: Sắc lá đã chuẩn bị với khoảng 3 bát nước cho đến khi cô lại còn 1 bát. Mỗi ngày uống hết 1 thang thuốc và sử dụng liên tục trong khoảng 1 tuần sau đó nghỉ uống thuốc 1 ngày rồi lặp lại chu kỳ uống thuốc.
- Bài thuốc 2
Nguyên liệu chuẩn bị: 20g trinh nữ hoàng cung, 6g hoa đinh hương, 12g xa tiền tử.
Cách thực hiện: Sắc thuốc uống trong ngày, chia làm 3 lần uống mỗi ngày.
Chữa viêm cổ tử cung bằng Ích Mẫu
Ích mẫu là vị thuốc quý trong Đông y có tác dụng điều hòa kinh nguyệt và điều trị viêm nhiễm phụ khoa. Các bài thuốc điều trị viêm bằng ích mẫu có bài thuốc rửa và bài thuốc uống.
- Bài thuốc rửa
Nguyên liệu: 50g ích mẫu, 30g lá nhội, 10g bồ kết khô.
Cách thực hiện: Nấu các nguyên liệu trên với nước, để nguội bớt và dùng nước rửa ngoài vùng kín.
- Bài thuốc uống
Chuẩn bị 10g ích mẫu khô sau đó sắc với 500ml nước cho đến khi cô lại còn 200ml. Chia lượng thuốc uống làm 2 lần uống mỗi ngày.
Cách chữa bằng các mẹo dân gian
Các mẹo dân gian có thể giúp hỗ trợ viêm nhiễm phụ khoa khá hiệu quả. Một số phương pháp có thể giúp làm sạch vùng kín và hỗ trợ điều trị bệnh tốt hơn.
- Dùng lá trầu không: Dùng lá trầu không nấu với nước để xông hơi vùng kín. Sau đó có thể lấy nước nguội để rửa vùng kín hàng ngày.
- Dùng lá bàng: Chọn khoảng 10 lá bàng và một ít muối biển. Nấu lá bàng với muối và dùng để xông hơi vùng kín. Sử dụng nước đã nguội để rửa vùng kín hàng ngày.
- Lá trà xanh: Thực hiện mẹo chữa bằng lá trà xanh tương tự hai phương pháp trên.
Ngoài ra, một số nguyên liệu tự nhiên khác cũng có thể hỗ trợ điều trị bệnh là tỏi, gừng, lá lốt. Nên bổ sung các thực phẩm này vào bữa ăn hàng ngày để hỗ trợ điều trị bệnh.
Cách phòng ngừa viêm cổ tử cung
Bệnh lý này có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của phụ nữ và bệnh có thể dễ dàng tái phát. Do đó, phụ nữ cần chăm sóc bản thân và có cách phòng ngừa hiệu quả:
- Nên thăm khám phụ khoa định kỳ, ít nhất là 2 lần/năm, đặc biệt là phụ nữ đã quan hệ tình dục. Điều này giúp phát hiện được bệnh ngay cả khi không có dấu hiệu khởi phát.
- Phải giữ vệ sinh sạch sẽ vùng kín hàng ngày, sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi quan hệ tình dục.
- Vệ sinh đúng cách, không thụt rửa sâu vào trong âm đạo.
- Sử dụng quần lót sạch làm từ chất liệu cotton. Nên thay quần lót thường xuyên.
- Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su khi quan hệ và chỉ nên quan hệ với 1 bạn tình.
- Khi điều trị viêm cổ tử cung, cần tránh tuyệt đối quan hệ tình dục và chỉ quan hệ trở lại khi có sự cho phép của bác sĩ.
- Nên thận trọng khi chọn dung dịch vệ sinh phụ nữ và sữa tắm.
- Phụ nữ cần ăn uống điều độ và hạn chế căng thẳng. Cần tăng cường bổ sung trái cây, rau xanh và sữa chua tốt cho dịch tiết âm đạo và uống nhiều nước.
Viêm cổ tử cung là bệnh lý phụ khoa phổ biến và có thể gây nguy hiểm cho chị em phụ nữ. Vì thế khi có bất cứ dấu hiệu nào của bệnh, phụ nữ cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mình.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!