Mẹo trị lang ben ở mặt nhanh – Đều màu cho da
Nội dung bài viết
Cần cẩn trọng với việc điều trị bệnh lang ben ở mặt bởi đây là vùng da rất nhạy cảm. Việc chủ quan có thể khiến da bị kích ứng làm tổn thương trở nên nghiêm trọng. Dùng thuốc kết hợp tận dụng thảo dược tự nhiên và chăm sóc tốt là cách điều trị hiệu quả nhất giúp da nhanh chóng đều màu.
Tìm hiểu bệnh lang ben ở mặt
Lang ben là bệnh da liễu đặc trưng bởi tổn thương da nông do vi nấm Malassezia furfur gây ra. Vi nấm Malassezia furfur phát triển ngoài tầm kiểm soát có thể làm thay đổi sắc tố da. Từ đó khiến cho trên bề mặt da xuất hiện các mảng da sáng tốt bất thường và gây ngứa ngáy,
Da mặt được cho là vùng “ưa thích” của bệnh lang ben. Bởi đây là vùng da có xu hướng đổ nhiều dầu thừa và dễ bám bụi bẩn. Chính điều này tạo môi trường rất thuận lợi cho vi nấm hoạt động và sinh sôi.
Thống kê ghi nhận rằng, bệnh lang ben ở mặt thường ảnh hưởng nhiều đến những người từ 20 – 35 tuổi. Rất hiếm gặp ở trẻ em hay những người trên 50 tuổi.
Lang ben trên mặt không phải là bệnh lý nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu không sớm can thiệp điều trị thì tổn thương trên da sẽ nhanh chóng lan rộng. Da mặt lại rất nhạy cảm và ảnh hưởng nhiều đến giá trị thẩm mỹ. Từ đó gây tâm lý tự ti cho người mắc bệnh.
Hơn nữa đây còn là bệnh lý dễ phát và có khả năng lây nhiễm cho người khác. Cả việc tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp qua vật dụng cá nhân đều khiến cho bào tử nấm lây lan.
1. Nguyên nhân gây bệnh
Như đã đề cập, sự phát triển quá mức của nấm men là nguyên nhân chính gây bệnh lang ben nói chung và lang ben ở mặt nói riêng. Các chủng nấm có nguy cơ cao thường gặp là Malassezia furfur, M. sympodialis, M. globosa… Tuy nhiên tổn thương da sẽ chỉ xuất hiện khi tế bào nấm chuyển sang dạng nấm sợi.
Sự bùng phát của bệnh lang ben ở mặt còn liên quan đến các yếu tố tạo điều kiện cho nấm men phát triển. Bao gồm:
- Tăng tiết mồ hôi:
So với các vùng da khác thì da mặt có phần dễ đổ mồ hôi hơn. Đây chính là yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho vi nấm hấp thu lipid và sinh sôi mạnh. Từ đó chúng nhanh chóng chuyển từ dạng tế bào sang dạng sợi. Lúc này việc tấn công và gây tổn thương lớp thượng bì da là khó tránh khỏi.
- Sử dụng sản phẩm chăm sóc da dạng mỡ/ dầu:
Da mặt là vùng da được chú ý chăm sóc nhiều hơn. Tuy nhiên việc dùng các sản phẩm có kết cấu dạng mỡ hay dầu đều khiến cho da tiết nhiều dầu thừa hơn. Từ đó tạo môi trường thuận lợi cho nấm men hoạt động mạnh.
- Vệ sinh da mặt kém:
Đây cũng là một trong những yếu tố nguy cơ thường gặp. Vấn đề vệ sinh kém sẽ khiến cho dầu thừa và bụi bẩn ứ đọng sâu trong lỗ chân lông. Từ đó kích thích nấm men phát triển. Yếu tố này còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về da khác như dị ứng da mặt, nổi mụn trứng cá, viêm da…
- Thời tiết nóng ẩm:
Vào những ngày thời tiết nóng ẩm rất khó tránh khỏi tình trạng da đổ nhiều mồ hôi và dầu thừa hơn. Đây cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý da liễu do nấm.
Số liệu thống kê chỉ ra rằng, bệnh lang ben ở mặt thường xuất hiện ở các nhóm đối tượng sau:
- Người sở hữu làn da dầu
- Người bị thừa cân béo phì
- Trang điểm thường xuyên
- Người có vấn đề bất thường về tuyến giáp
- Người bị rối loạn nội tiết tố
- Thường xuyên tiêu thụ thức ăn giàu chất béo và nhiều gia vị
2. Dấu hiệu nhận biết
Giống như bệnh lang ben nói chung, dấu hiệu điển hình của lang ben ở mặt là sự xuất hiện của các mảng da bị đổi màu. Sau đây là một số triệu chứng cần chú ý:
- Trên bề mặt da xuất hiện các đốm dát màu trắng, hồng hay nâu.
- Đốm da bất thường thường có hình tròn, hình oval hay dạng hình cung.
- Các đốm này có xu hướng lan tỏa rộng, đôi khi chúng liên kết lại và tạp thành những mảng tổn thương lớn.
- Kích thước của tổn thương da có thể chỉ nhỏ khoảng vải mm nhưng cũng có khi lớn đến vài cm.
- Tổn thương da hầu hết không gây đau nhưng có thể gây ngứa ngáy nhẹ. Nhất là khi bị đổ nhiều mồ hôi.
- Trên bề mặt tổn thương thường có vảy da mịn và dễ bong khi cạo.
- Khi thời tiết mát mẻ thì vùng da tổn thương có thể bị mờ đi hay tạm thời biến mất.
3. Các vấn đề ảnh hưởng
Lang ben ở mặt không phải là bệnh lý nghiêm trọng. Tuy nhiên do da mặt là vùng da nhạy cảm nên tổn thương có nguy cơ lan rộng nhanh.
Nếu tổn thương da lan tỏa trên diện rộng thì nhất định sẽ ảnh hưởng đến giá trị thẩm mỹ của làn da. Những người bị lang ben trên mặt lâu ngày luôn cảm thấy tự ti và mặc cảm. Điều này có thể gây áp lực tâm lý lớn và dẫn đến trầm cảm nếu bệnh không được kiểm soát sớm.
Nhiều trường hợp, nếu đổ quá nhiều mồ hôi thì bệnh có thể gây ngứa dữ dội. Từ đó làm phát sinh phản ứng cào gãi. Điều này rất dễ gây ra các tổn thương thứ phát khiến cho da mặt dễ bị sẹo sau khi được điều trị.
Hơn nữa, bệnh lang ben ở mặt còn có nguy cơ lây lan cho người khác cả khi tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp. Chính điều này có thể khiến cho người bệnh bị nhiều người xung quanh xa lánh.
Mẹo trị lang ben ở mặt nhanh – Đều màu cho da
Da mặt là vùng da nhạy cảm nên khi bệnh lang ben kích hoạt ở đây thì bạn cần cẩn trọng trong việc chọn giải pháp điều trị. Tốt nhất vẫn nên thăm khám đề bác sĩ chỉ định dùng thuốc. Cùng với đó có thể kết hợp việc tận dụng thảo dược tự nhiên và chăm sóc tại nhà để giúp da nhanh đều màu và sáng khỏe trở lại.
1. Điều trị lang ben ở mặt bằng thuốc
Hầu hết các trường hợp bị lang ben ở mặt đều có khả năng đáp ứng tốt với việc điều trị bằng thuốc. Dùng thuốc chính là cách nhanh nhất để ức chế hoạt động của nấm men. Đồng thời giúp làm giảm tổn thương trên da cũng như ngăn ngừa bệnh lan tỏa trên phạm vi rộng.
Dưới đây có thể là một số loại thuốc được bác sĩ chỉ định trong điều trị bệnh lang ben ở mặt:
- Thuốc chống nấm dạng bôi:
Tùy vào mức độ đáp ứng của mỗi cá nhân mà bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc trong vòng từ 7 – 28 ngày. Các loại thuốc chứa hoạt chất kháng nấm Ketoconazole hay Terbinafine là được dùng phổ biến nhất. Có thể dùng Zinc pyrithioine hay Selenium sulfide để thay thế trong trường hợp nấm men kháng hoạt chất azole.
- Thuốc bôi có chứa Benzoyl Peroxide:
Benzoyl Peroxide là hoạt chất có khả năng làm bong lớp sừng trên bề mặt da. Từ đó giúp làm sạch tổn thương, đồng thời loại bỏ nấm men sinh sôi ở lớp thượng bì. Hơn nữa, hoạt chất này còn giúp làm sạch dầu thừa và bụi bẩn từ sâu trong lỗ chân lông để da luôn được thông thoáng.
- Thuốc bôi có chứa Acid Salicylic:
Acid Salicylic là một loại acid có thể tan trong dầu. Nó giúp làm sạch bụi bẩn và bã nhờn hiệu quả. Đồng thời có tác dụng sát trùng nhẹ và loại bỏ tế bào sừng trên bề mặt da. Dùng thuốc bôi chứa Acid Salicylic sẽ làm giảm lớp màng lipid trên da. Nhờ đó mà kìm hãm rất tốt hoạt động của các bào từ nấm và giúp tổn thương da chóng lành hơn.
- Thuốc chống nấm đường uống:
Trong trường hợp tổn thương da mặt do lang ben lan rộng hay đáp ứng kém với thuốc bôi tại chỗ thì bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định thuốc chống nấm đường uống. Cần dùng đúng chỉ định để tránh gặp phải các phản ứng rủi ro ngoại ý.
2. Tận dụng thảo dược tự nhiên trị lang ben ở mặt
Việc dùng thuốc sẽ giúp ức chế nhanh hoạt động của vi nấm và kiểm soát tốt tổn thương da. Tuy nhiên để làn da nhanh chóng đều màu và sáng khỏe trở lại thì bạn nên kết hợp việc tận dụng thảo dược tự nhiên.
Đây là giải pháp lành tính, tương đối an toàn và rất dễ thực hiện. Áp dụng đúng cách sẽ hỗ trợ chống nấm, làm dịu da và thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương cũng như làm đều màu da nhanh chóng.
Dưới đây là một số cách mà bạn có thể tham khảo:
– Sử dụng tinh dầu tràm trà kết hợp dầu dừa:
Tinh dầu tràm trà rất quen thuộc trong đời sống hằng ngày. Tuy nhiên ít ai ngờ rằng nó lại có khả năng hoạt động như một chất chống nấm tự nhiên. Nhờ đó mà có khả năng ức chế hoạt động của vi nấm Malassezia furfur gây bệnh lang ben.
Còn dầu dừa lại có tác dụng làm mềm và dịu da. Hơn nữa còn loại bỏ được các tế bào sừng giúp da thông thoáng. Ngoài ra còn kích thích sản sinh các tế bào da mới để thúc đẩy chữa lành tổn thương da do lang ben.
- Chuẩn bị 1 thìa cà phê dầu dừa với 7 giọt tinh dầu tràm trà, đem trộn đều với nhau.
- Làm sạch mặt và dùng khăn mềm lau khô vùng da bị lang ben.
- Thoa đều hỗn hợp vừa chuẩn bị lên bề mặt da rồi nhẹ nhàng massage vài phút.
- Để khô tự nhiên khoảng 25 phút nữa rồi dùng nước mát rửa lại cho sạch.
– Dùng nghệ trị lang ben ở mặt:
Nghệ là nguyên liệu đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trong đó, nhờ chứa hàm lượng hoạt chất curcumin dồi dào mà nghệ được tận dụng để chữa bệnh lang ben. Curcumin từ nghệ được nhiều nghiên cứu đánh giá là có khả năng làm chậm sự sinh sôi của các bào tử nấm.
Hơn nữa, nghệ còn chứa nhiều thành phần chống oxy hóa hữu hiệu giúp thúc đẩy sản sinh các tế bào da mới. Từ đó giúp tổn thương da chóng lành và đều màu nhanh chóng so với các vùng da khỏe mạnh. Đặc biệt, nghệ còn được đánh giá cao bởi sự an toàn và có thể áp dụng cho cả vùng da nhạy cảm như da mặt.
- Chuẩn bị 2 thìa tinh bột nghệ đem trộn đều với lượng nước lọc vừa đủ để thu được hỗn hợp có dạng sệt.
- Rửa mặt sạch sẽ sau đó dùng khăn mềm lau khô và thoa nghệ lên.
- Giữ nghệ trên vùng da cần điều trị khoảng 20 – 30 phút.
- Với cách này nên dùng nước ấm rửa lại để tránh bị vàng da.
– Trị lang ben ở mặt bằng tỏi:
Đây cũng là một giải pháp tự nhiên đơn giản nhưng rất hiệu nghiệm. Tỏi là nguyên liệu rất quen thuộc có chứa hàm lượng hoạt chất allicin dồi dào.
Hoạt chất này có khả năng hoạt động tương tự như một loại kháng sinh tự nhiên. Nó có tác dụng sát khuẩn, đồng thời ức chế hoạt động của nấm men một cách hiệu quả.
Hơn nữa, nhiều phân tích còn tìm thấy các thành phần chống oxy hóa rất dồi dào trong dịch ép tỏi. Dùng tỏi đúng cách sẽ giúp làm giảm ngứa, thúc đẩy chữa lành tổn thương da và ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Chuẩn bị khoảng 3 – 5 tép tỏi tươi đem lột sạch vỏ rồi giã nát và ép lấy nước cốt.
- Vệ sinh mặt sạch sẽ, lau khô rồi thoa đều dịch ép tỏi lên vùng da bệnh.
- Để khô tự nhiên khoảng 20 – 30 phút rồi rửa sạch bằng nước mát.
– Dùng củ riềng trị lang ben ở mặt:
Củ riềng là nguyên liệu lành tính có thể sử dụng cho vùng da mặt khi bị lang ben. Tinh dầu từ củ riềng có chứa nhiều hoạt chất quý như flavonoid, metylxinnamat và diarylheptanoid. Chúng có khả năng kháng nấm, chống oxy hóa và làm sạch bề mặt da rất tốt.
- Chuẩn bị 1 củ riềng tươi đem rửa sạch rồi thái nhỏ.
- Cho vào cối giã càng nát càng tốt.
- Vệ sinh da mặt, dùng khăn mềm lau khô và đắp riềng giã lên vùng da tổn thương.
- Nằm thư giãn khoảng 30 phút rồi rửa lại với nước mát.
3. Các giải pháp chăm sóc khác
Bệnh lang ben ở mặt có thể đáp ứng tốt với các giải pháp điều trị và thuyên giảm chỉ sau 7 – 14 ngày. Tuy nhiên để da nhanh chóng đều màu và ngăn ngừa nguy cơ tái phát của bệnh thì cần chú ý kết hợp với các giải pháp chăm sóc và dự phòng.
Dưới đây là một số khuyến nghị cần thực hiện:
- Vệ sinh da mặt sạch sẽ 2 lần/ ngày với các sản phẩm sữa rửa mặt lành tính và dịu nhẹ. Trong thời gian trị lang ben nên dùng sữa rửa mặt có chứa các thành phần như Acid salicylic, Glycolic acid, Zinc. Chúng sẽ giúp ức chế bào tử nấm và các vi khuẩn gây hại tốt hơn.
- Với những người có làn da dầu thì nên dùng giấy thấm dầu thường xuyên để loại bỏ dầu thừa. Tránh tạo môi trường thuận lợi cho nấm men sinh sôi.
- Ưu tiên sử dụng các sản phẩm kem dưỡng có kết cấu mềm, lỏng và thấm nhanh. Hạn chế dùng các sản phẩm chứa Mineral oil, Glycerin… Bởi chứng rất dễ gây bít tắc lỗ chân lông.
- Thường xuyên giặt khăn mặt bằng xà phòng diệt khuẩn và phơi ở nơi có nắng nhiều để tiêu diệt nấm men.
- Nên sử dụng thảo dược tự nhiên như sả, vỏ chanh, gừng… để xông hơi cho mặt khoảng 1 – 2 lần/ tuần. Cách này sẽ giúp da được làm sạch sâu, loại bỏ dầu thừa và bụi bẩn tích tụ trong lỗ chân lông.
- Không nên trang điểm nhiều khi đang điều trị lang ben. Lớp trang điểm thường gây bít tắc lỗ chân lông. Từ đó khiến da đổ nhiều dầu, kích thích vi nấm sinh sôi.
- Nếu bệnh lang ben ở mặt tái phát thường xuyên hãy tìm gặp bác sĩ. Bạn có thể sẽ được chỉ định điều trị dự phòng trong thời điểm bệnh dễ bùng phát.
Bệnh lang ben ở mặt thường có phạm vi ảnh hưởng nhỏ và có khả năng đáp ứng tốt với điều trị. Khi trị lang ben ở mặt cần chú ý kết hợp dùng thuốc với các giải pháp chăm sóc và tận dụng thảo dược tự nhiên để có thể rút ngắn thời gian điều trị. Đồng thời giúp da mặt nhanh chóng đều màu trở lại.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!