Tắc tia sữa bao lâu thì bị áp xe? Thông tin cần biết
Nội dung bài viết
Tắc tia sữa kéo dài có thể dẫn đến bệnh áp xe vú. Thế nên nhiều phụ nữ đang trong giai đoạn cho con bú đều thắc mắc tắc tia sữa bao lâu thì bị áp xe. Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để trả lời chi tiết câu hỏi trên.
Tắc tia sữa bao lâu thì bị áp xe?
Thông thường, các nang sữa ở bầu ngực sẽ tạo ra sữa rồi đi theo các ống dẫn về xoang chứa sữa phía sau quầng vú. Khi bé mút hoặc có tác động hút từ bên ngoài, sữa sẽ chảy ra ngoài.
Trong một số trường hợp do sự chèn ép bên trong hoặc tác động bên ngoài, sữa sẽ không thể thoát ra ngoài được thì được gọi là hiện tượng tắc sữa. Bệnh tắc tuyến sữa nếu không được điều trị kịp thời thì có thể gây ra tình trạng áp xe vú. Vậy tắc tia sữa bao lâu thì bị áp xe?
Tắc tia sữa được chia thành nhiều cấp độ với những biểu hiện và triệu chứng khác biệt:
- Tắc tia sữa đơn thuần: Xảy ra khi mẹ bị tắc tia sữa từ 1 đến 2 ngày, bầu ngực từ từ căng cứng, sưng và sữa không ra được.
- Tắc sữa nặng: Xảy ra khi mẹ bị tắc tia sữa từ 3 đến 4 ngày. Lúc này, bầu ngực sẽ sưng, rắn và xuất hiện cục sữa đông trong bầu ngực, kèm theo triệu chứng sốt, mệt mỏi.
- Viêm tắc sữa: Xảy ra khi mẹ bị tắc sữa từ 5 đến 6 ngày. Triệu chứng của giai đoạn này là vú bị sưng viêm to, hạch ở nách, phù nề cổ. Người mẹ bị đau nhức tận sâu trong tuyến vú, cử động cánh tay nhẹ cũng cảm thấy đau, kèm theo đó là triệu chứng sốt, suy nhược cơ thể.
- Tắc tia sữa bị áp xe: Xảy ra khi mẹ bị tắc tia sữa từ 1 tuần trở lên sau giai đoạn viêm tắc sữa. Lúc này, vú đã hình thành các túi mủ nhỏ và có các mô bị hoại tử. Ở một bên của bầu ngực sẽ có một hoặc nhiều chỗ áp xe nằm rải rác hoặc tập trung tại một thùy của tuyến vú. Các triệu chứng như đau đầu, sốt, rùng mình, nhức mỏi toàn cơ thể sẽ trở nên trầm trọng hơn.
Tóm lại, tắc sữa bị áp xe sẽ bắt đầu sau 1 tuần mẹ bị tắc sữa. Tuy nhiên, tùy thuộc vào cơ địa của người mẹ và các yếu tố tác động bên ngoài mà bị áp xe tắc tia sữa sẽ xảy ra sớm hoặc muộn hơn.
Tắc tia sữa có thể khiến mẹ cảm thấy đau đớn, khó chịu và ảnh hưởng đến lượng sữa của con khiến con không được bú no. Bên cạnh đó, áp xe vú còn gây ra nhiều biến chứng nặng nề cho nữ giới.
Nếu không được điều trị kịp thời thì tắc tuyến sữa áp xe vú có thể bị nhiễm trùng, lan sang các mạch máu và đi vào bên trong cơ thể. Lúc này, bệnh sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng của nữ giới.
Các biện pháp tắc tia sữa phổ biến hiện nay
Người bệnh có thể điều trị bệnh tắc tia sữa bằng thuốc Tây y, Đông y hay các mẹo dân gian tại nhà.
Thuốc Tây y chữa tắc tia sữa
Triệu chứng điển hình của phụ nữ bị tắc tia sữa là đau tức vùng ngực và sốt. Do đó, các loại thuốc Tây y thường được sử dụng để điều trị tắc tia sữa là thuốc giảm đau, giảm sốt, chống viêm không steroid.
Bên cạnh đó, các loại thuốc điều trị nhiễm khuẩn và cân bằng hormone cũng được bác sĩ kê toa cho người bệnh sử dụng.
- Thuốc giảm đau, giảm sốt: Paracetamol và Ibuprofen là hai loại thuốc giảm triệu chứng đau, sốt thường được sử dụng cho phụ nữ đang cho con bú. Tuy nhiên, các loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ như suy giảm chức năng gan thận, gây phát ban trên da của bé.
- Thuốc điều trị nhiễm khuẩn: Một số loại thuốc kháng sinh điều trị tắc tia sữa hiệu quả như Flucloxacillin, Dicloxacillin, Clindamycin, Vancomycin… Các loại thuốc này có tác dụng chống lại các vi khuẩn gây ra tình trạng viêm tắc sữa ở phụ nữ.
- Thuốc kiểm soát hormone: Nhiều trường hợp tắc tuyến sữa do lượng sữa tiết ra quá nhiều mà không hút vắt sữa đúng cách. Bác sĩ sẽ sử dụng một số loại thuốc kiểm soát hormone nhằm cân bằng lại quá trình tiết sữa của mẹ.
Các loại thuốc Tây y thường gây ra nhiều tác dụng phụ cho người mẹ và cả trẻ nhỏ. Do vậy, mẹ nên tham khảo bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc Tây y chữa tắc sữa bị áp xe.
Đông y chữa tắc tuyến sữa
Theo y học cổ truyền, viêm tắc tuyến sữa bị áp xe thuộc chứng nhũ ung. Bệnh do khí uất hoặc do phong tà xâm nhập gây nên tình trạng vú sưng và tắc sữa. Bên cạnh đó, bệnh còn gây ra bởi khí trong huyết âm không thông nên sữa không thoát ra được.
- Bài thuốc số 1: Qua lâu 40g, xuyên sơn giáp 10g, hương phụ 4g, mộc dược 8g, sinh cam thảo, đương quy mỗi vị 20g, đẳng sâm, hoàng kỳ mỗi vị 12g. Bạn sắc thuốc bỏ bã và uống mỗi ngày 3 lần.
- Bài thuốc số 2: Nhân sâm, đương quy, sinh hoàng kỳ, bạch truật, xuyên khung, cát cánh mỗi vị 8g, tạo giác thích, bạch chỉ mỗi vị 4g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang và uống cách xa bữa ăn.
Người bệnh không được tự ý mua thuốc về uống mà cần đến bác sĩ Đông y để biết tình trạng viêm tắc tuyến sữa ở mức độ nào. Bên cạnh đó, bạn phải tuân thủ theo liều lượng và cách uống mà bác sĩ đã chỉ định.
Mẹo dân gian chữa bệnh tại nhà
Chữa tắc tuyến sữa bị áp xe được nhiều bà mẹ áp dụng bởi các loại thảo dược thiên nhiên thường an toàn, lành tính và không gây ra các tác dụng phụ. Mẹ có thể tham khảo một số loại thuốc có thể điều trị bệnh như sau:
- Lá bồ công anh
Lá bồ công anh có tác dụng rất tốt trong quá trình điều trị các triệu chứng tắc tuyến sữa. Mẹ có thể sắc nước uống hoặc đắp trực tiếp lá lên ngực để chữa trị bệnh.
Với lá bồ công anh khô, bạn rửa sạch sau đó đun với nước hoặc hãm như hãm nước trà rồi uống. Với lá bồ công anh tươi, bạn rửa sạch, ngâm nước muối pha loãng, giã nát hoặc dùng máy xay để xay nhuyễn. Bạn lấy nước cốt để uống, phần bã thì đắp trực tiếp lên ngực.
Mỗi ngày chỉ nên dùng 10g lá bồ công anh khô hoặc 50g lá bồ công anh tươi. Bạn chỉ nên uống khoảng 500ml hàng ngày cho đến khi nào tia sữa được thông lại.
- Lá đinh lăng
Đinh lăng được xem là một trong những “thần dược” cho phụ nữ sau khi sinh con. Bổ sung nước sắc đinh lăng mỗi ngày không chỉ giúp cơ thể người mẹ khỏe mạnh, nhẹ nhõm mà còn chữa được tình trạng tắc tuyến sữa.
Bạn dùng 40g rễ đinh lăng, 3 lát gừng tươi và 500ml nước rồi đun sôi. Đun nước đến khi cạn còn phân nửa rồi lấy uống. Bạn nên uống lúc thuốc còn nóng là tốt nhất. Ngoài ra, bạn có thể lấy lá đinh lăng hãm như nước trà và uống hàng ngày thay thế nước lọc.
- Bắp cải
Nhiều nghiên cứu cho rằng bắp cải có chứa một hàm lượng lớn phytoestrogen. Chất này có tác dụng giảm sưng viêm, ngăn ngừa nhiễm trùng. Bên cạnh đó, bắp cải còn có tác dụng giảm đau nhức khi mẹ bị tắc sữa.
Bạn dùng cọng cứng của lá bắp cải hơ thật nóng. Sau đó, bạn lót một miếng vải lên ngực rồi đặt cọng bắp cải lên. Bạn dùng tay day mạnh vào để làm tan cục sữa đông.
Các bài thuốc dân gian có tác dụng rất tốt để điều trị tình trạng tắc tuyến sữa. Tuy nhiên, mẹo dân gian không thể chữa bệnh tận gốc và thay thế các phương pháp chữa bệnh chuyên khoa khác.
Một số phương pháp điều trị phổ biến khác
Ngoài những cách điều trị bằng thuốc trên, mẹ có thể áp dụng một số phương pháp chữa tắc tuyến sữa bị áp xe như sau:
Xoa bóp, bấm huyệt
Thực hiện xoa bóp, bấm huyệt tại một số huyệt đạo như kiên tỉnh, ốc ế, nhũ căn sẽ giúp hành khí, hoạt huyết, tránh ứ đọng và giúp tia sữa được lưu thông. Bạn thực hiện bấm huyệt này như sau:
- Huyệt ốc ế: Huyệt nằm ở bờ xương sườn thứ 3, từ đầu ti thẳng lên trên và cách đường chính giữa khoảng 7cm. Bạn sử dụng đầu ngón tay day ấn mạnh vào huyệt này.
- Huyệt nhũ căn: Huyệt này nằm ở đầu ngực đếm xuống ở bờ xương sườn thứ 6, cách đường chính giữa khoảng 7cm. Khi ấn huyệt, bạn cần nâng bầu ngực lên.
- Huyệt dịch môn: Huyệt nằm ở kẽ tay giữa nóng út và áp út. Bạn xoa bóp huyệt bằng ngón tay cái và tạo cảm giác đau nhẹ là được.
Chữa tắc tia sữa bằng máy hút sữa
Đây là một trong những phương pháp đơn giản, dễ thực hiện và mang lại hiệu quả cao. Bạn thực hiện chữa tắc sữa theo từng bước như sau:
- Bước 1: Massage nhẹ nhàng và chườm ngực bằng nước ấm.
- Bước 2: Dùng máy vắt sữa vắt trong 5 phút. Sau đó, bạn dùng khăn mềm lau nhẹ trên đầu ti để loại bỏ phần sữa cặn.
- Bước 3: Tiếp tục massage bằng tay và dùng máy hút sữa hút trong 20 phút. Bạn không nên hút sữa quá 20 phút vì sẽ khiến đầu ti bị đau rát, tổn thương.
Đèn hồng ngoại trị tắc tia sữa
Bác sĩ sẽ dùng đèn hồng ngoại chiếu vào bầu ngực. Các tia hồng ngoại sẽ có tác dụng làm nóng từ bên trong, giãn nở mạch máu, lưu thông các ống dẫn sữa và mở cho đường sữa chảy ra.
Một lần điều trị bằng đèn hồng ngoại trung bình 30 – 45 phút. Ngày sau lần đầu tiên điều trị, bệnh nhân sẽ cảm thấy giảm cương tức đầu ngực, tuyến vú mềm ra và sữa tiết ra dễ dàng khi trẻ bú.
Biện pháp ngăn ngừa tình trạng tắc tia sữa bị áp xe
Để phòng ngừa tình trạng tắc tia sữa sau sinh, chị em phải có biện pháp phòng ngừa nứt đầu vú:
- Trong thời kỳ mang thai, nếu núm vú thụt vào bên trong hoặc bằng phẳng thì chị em cần vê kéo núm vú ra bên ngoài hàng ngày, đặc biệt khi mang thai từ tháng thứ 5.
- Sau khi sinh con, bạn phải cho con bú đúng giờ, mỗi lần bú không quá dài khoảng 10 – 15 phút là tốt nhất.
- Không cho trẻ ngậm đầu ti khi đi ngủ.
- Ngoài ra, mỗi lần cho bú, mẹ hãy cho trẻ bú sạch hết bên này rồi mới đổi sang bên kia, nếu bú không hết thì phải vắt sữa ra ngoài.
- Mẹ phải giữ sạch đầu vú, nhất là ở các kẽ của đầu vú trong thời gian cho con bú.
- Trước khi bú, bạn phải lau sạch và vắt một vài giọt sữa đầu tiên bỏ đi, khi bú xong phải lau sạch lại.
- Nếu khi vắt sữa thấy sữa bị tắc hoặc sữa không chảy thành tia thì phải xoa vú cho mềm. Hoặc là mẹ sử dụng các máy vắt sữa thường xuyên tránh tắc tuyến sữa, lâu dần hình thành áp xe.
- Mẹ nên uống nhiều nước, bổ sung nhiều rau, trái cây, chất xơ trong suốt quá trình cho con bú.
Vậy là bài viết trên đã giúp bạn giải đáp tắc tia sữa bao lâu thì bị áp xe. Từ đó, chị em phụ nữ sẽ có những biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh. Tránh để bệnh tắc tia sữa xảy ra trong một thời gian dài rồi hình thành áp xe.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!