Áp xe vú có mủ và giải pháp điều trị khẩn cấp
Nội dung bài viết
Áp xe vú có mủ là một bệnh lý nguy hiểm đã tiến triển trong một thời gian dài. Nếu không được điều trị khẩn cấp thì bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng trầm trọng. Vậy bệnh áp xe vú có mủ là gì? Cùng tìm hiểu chi tiết về bệnh trong bài viết bên dưới đây.
Áp xe vú có mủ là như thế nào? Có nguy hiểm không?
Áp xe vú có mủ là một bọc mủ hình thành trong các mô của tuyến vú. Đó là một tổ chức viêm nhiễm, khu trú thành khối mềm, bên trong chứa đầy mủ cấu tạo từ vi khuẩn, xác bạch cầu và các mảnh vụn.
Áp xe vú có nguy hiểm không? Áp xe vú có mủ là một bệnh lý nguy hiểm. Trong giai đoạn đầu của bệnh, áp xe vú sẽ khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, suy nhược, đau nhức. Khi chuyển sang giai đoạn nặng hơn, người bệnh sẽ cảm thấy đau rát, sưng đỏ, phù tím ở vùng bị áp xe kèm theo đó là triệu chứng sốt cao, rét run, có biểu hiện viêm hạch bạch huyết.
Nếu không điều trị kịp thời thì áp xe sẽ bị hoại tử hoặc tự vỡ. Các nhiễm trùng ở ổ áp xe sẽ lan sang các mạch máu đi vào cơ thể và dẫn đến những biến chứng như suy gan, suy thận, hoại tử các chi…
Nguyên nhân và triệu chứng gây bệnh
Nguyên nhân thường gặp của bệnh áp xe vú có mủ là do các vi khuẩn xâm nhập. Staphylococcus aureus và Streptococcus là hai loại vi khuẩn gây ra bệnh này. Bên cạnh đó, vi khuẩn kỵ khí, trực khuẩn thương hàn và tắc nghẽn ống dẫn ở núm vú cũng gây ra áp xe vú.
Dưới đây là một số những dấu hiệu điển hình của tình trạng áp xe có mủ:
- Đau nhức sâu bên trong tuyến vú: Trong vú có chứa các nang có dịch mủ và các mô bị viêm. Do đó, khi mắc bệnh, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức sâu bên trong tuyến vú. Cơn đau sẽ tăng lên khi cử động vai, tay và ấn vào áp xe.
- Vú sưng, căng to: Tình trạng vú sưng căng to sẽ nghiêm trọng hơn.
- Có khối cứng bên trong vú: Khi dùng tay sờ, bạn sẽ cảm thấy một hoặc nhiều cục cứng bên trong vú. Tại những vị trí có cục u sẽ cảm thấy đau nhức và sưng đỏ.
- Đau buốt khi cho con bú: Khi mắc tình trạng áp xe vú có mủ chị em sẽ cảm thấy đau buốt khi cho trẻ bú. Tuy nhiên, khi bị áp xe, sữa đã bị nhiễm trùng nên tốt nhất là mẹ không nên cho con bú.
- Ngực nóng và sưng đỏ: Da ngực bên ngoài sẽ có tình trạng nóng và sưng đỏ, có khi bị hoại tử.
- Sốt, ớn lạnh: Người bệnh sẽ bị sốt khoảng 39 độ C, kèm theo đó là triệu chứng ớn lạnh.
Điều trị áp xe vú có mủ khẩn cấp
Áp xe vú phải làm sao? Để điều trị áp xe vú có mủ khẩn cấp người ra thường áp dụng phương pháp chích rạch áp xe.
Khi đã hình thành áp xe có mủ, người bệnh bắt buộc phải tiến hành mổ áp xe vú (tháo mủ, chích rạch áp xe). Việc mổ áp xe vú lấy mủ sẽ được thực hiện như sau:
- Khi bị áp xe có mủ ở vùng quầng vú nông dưới da, bác sĩ sẽ áp dụng cách điều trị giống như chích nhọt.
- Khi bị áp xe thể tuyến, bệnh nhân sẽ được gây mê hoặc gây tê tại chỗ, sau đó được chích áp xe theo đường nan hoa ở chỗ thấp nhất trên áp xe.
- Khi bị áp xe sau tuyến, bạn sẽ được rạch tháo mủ theo đường vòng cung ở bờ dưới ngoài tuyến vú.
Các bước tiến hành chích áp xe như sau:
- Bước 1: Bác sĩ sẽ sát khuẩn vùng áp xe từ bên trong ra ngoài và dùng khăn để bao quanh vùng bị áp xe.
- Bước 2: Sau đó tiến hành định hình khối áp xe và tìm chỗ vùng da mềm nhất.
- Bước 3: Bác sĩ sẽ tiến hành rạch đường chéo hoa nan với tâm là núm vú trên khối áp xe.
- Bước 4: Sau khi rạch qua da và các tổ chức dưới da, bác sĩ sẽ đi thẳng vào khối áp xe và tránh tác động đến các vùng xung quanh gây ra chảy máu. Sử dụng đầu ngón tay hoặc kẹp nhỏ đưa vào trong để phá vách của khối áp xe cho mủ chảy ra.
- Bước 5: Da sẽ được để hở và có đặt một gạc con để lưu dẫn mủ ra ngoài, rút ra sau 12 giờ.
- Bước 6: Người bệnh sẽ được bác sĩ theo dõi các biến chứng sau khi chích rạch áp xe như bị chảy máu, mủ không thoát ra…
Lưu ý khi điều trị và một số biện pháp phòng bệnh áp xe vú có mủ
Dưới đây là một số lưu ý khi thực hiện mổ áp xe có mủ:
- Người bệnh sẽ được điều trị ban đầu bằng kháng sinh toàn thân để nâng cao sức khỏe đến khi các ổ áp xe khu trú thành ổ mủ.
- Các khối áp xe nông dưới da có thể tự vỡ ra và chảy mủ ra ngoài.
- Ổ áp xe chỗ sâu khi không tự vỡ thoát mủ ra ngoài thì vi trùng sẽ lan vào mạch máu và sẽ gây ra những biến chứng như nhiễm trùng máu, suy gan thận… Những trường hợp này nếu không được điều trị kịp thời thì sẽ có nguy cơ tử vong cao. Do đó, người bệnh nên điều trị khẩn cấp bằng chích rạch mủ áp xe.
- Người bệnh không nên áp dụng các mẹo dân gian khi áp xe có mủ vì có nguy cơ làm nhiễm trùng gia tăng.
- Người bệnh chỉ nên chọc ổ áp xe đã hóa mủ hoàn toàn. Áp xe đã hóa mủ hoàn toàn thì có thể chọc hút và có da chuyển màu tái nhợt, khu vực xung quanh có màu tím nhạt.
- Người bệnh nên siêu âm trước 1 – 2 ngày để xem khối áp xe đã hóa mủ hoàn toàn chưa.
Để phòng bệnh áp xe vú, người bệnh nên tuân thủ một số biện pháp dưới đây:
- Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ vú, tránh để vú bị trầy xước gây nhiễm trùng.
- Nhận biết được những triệu chứng của bệnh viêm tuyến vú, tắc tia sữa từ sớm để kịp thời điều trị, tránh để bệnh tiến triển thành áp xe vú có mủ.
- Khi trẻ bú sữa chưa hết, bạn cần vắt hết sữa, tránh để sữa ứ đọng lại bên trong.
Áp xe vú có mủ là một bệnh lý khiến nhiều người lo lắng. Vì thế, khi phát hiện triệu chứng bệnh, người bệnh nên chủ động đến bác sĩ thăm khám và có những can thiệp y tế khẩn cấp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!