Dị ứng trứng (gà, vịt…) hay gặp ở trẻ – Cần cảnh giác!
Nội dung bài viết
Dị ứng trứng là hiện tượng xảy ra khi cơ thể quá mẫn cảm với protein của trứng dẫn đến các dấu hiệu bị dị ứng. Tình trạng này thường xảy ra ở trẻ em, có thể để lại những biến chứng nguy hiểm nếu không được can thiệp kịp thời. Vậy tình trạng này là gì? Cách chẩn đoán và điều trị như thế nào?
Dị ứng trứng là gì? Có nguy hiểm không?
Dị ứng trứng là một dạng dị ứng thực phẩm phổ biến ở trẻ em. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể quá mẫn cảm với protein có trong trứng gà, trứng vịt, trứng ngỗng.
Hiện tượng dị ứng diễn ra khoảng vài phút hoặc vài giờ sau khi ăn với các biểu hiện như nổi mề đay, phát ban, nôn mửa.
Tình trạng này hầu hết xảy ra ở trẻ em, chỉ một số ít trường hợp đến tuổi trưởng thành vẫn còn có thể gặp hiện tượng này.
Vậy dị ứng trứng có nguy hiểm không? – Dị ứng với trứng là BỆNH NGUY HIỂM, có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các hiện tượng dị ứng khác như sau:
- Dị ứng với các thực phẩm khác như dị ứng sữa, đậu nành, đậu phộng.
- Dị ứng lông động vật (chó, mèo), phấn hoa.
- Tăng nguy cơ viêm da dị ứng.
- Tăng nguy cơ hen suyễn.
Đáng chú ý, biến chứng nguy hiểm nhất khi bị dị ứng là có thể xảy ra sốc phản vệ. Đây là biến chứng đặc biệt nghiêm trọng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, cần được điều trị khẩn cấp.
Triệu chứng nhận biết dị ứng
Dị ứng trứng thường xảy ra vài phút hoặc vài giờ sau khi ăn trứng hoặc các thực phẩm có chứa protein trứng. Tùy cơ địa mỗi người sẽ có những phản ứng khác nhau. Dưới đây là các triệu chứng dị ứng thường gặp:
- Viêm da, phát ban, nổi mề đay.
- Viêm mũi dị ứng, chảy nước mũi, ngạt mũi, hắt hơi.
- Đau bụng, buồn nôn hoặc nôn, bị chuột rút.
- Đau thắt ngực, ho, khó thở, có dấu hiệu hen suyễn.
Ngoài ra, tình trạng dị ứng có thể dẫn tới sốc phản vệ – một biến chứng cực kỳ nguy hiểm, có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ em. Triệu chứng của sốc phản vệ là:
- Co thắt đường thở, sưng họng hoặc nổi u cục ở họng dẫn đến khó thở.
- Đau bụng và chuột rút dữ dội.
- Mạch đập nhanh, huyết áp giảm bất thường.
- Hoa mắt, chóng mặt, lơ mơ và mất ý thức.
Tùy vào cơ địa mỗi người sẽ có những phản ứng khi bị dị ứng khác nhau. Thậm chí, mỗi một lần dị ứng lại cho những phản ứng khác nhau. Vì vậy, cần phát hiện các biểu hiện bất thường để từ đó có phương pháp can thiệp phù hợp.
Nguyên nhân gây dị ứng trứng
Nguyên nhân dị ứng trứng là do hệ thống miễn dịch của cơ thể. Khi cơ thể nạp protein trứng, hệ thống miễn dịch có thể nhận nhầm đây là protein có hại nên xảy ra các phản ứng để kháng lại. Trong quá trình phản ứng đó sẽ giải phóng histamin và một số hóa chất khác gây ra tình trạng dị ứng.
Cả lòng trắng và lòng đỏ trứng đều chứa protein có thể gây dị ứng. Tuy nhiên dị ứng lòng trắng trứng phổ biến hơn. Trẻ sơ sinh cũng có thể dị ứng với trứng qua sữa mẹ.
Bên cạnh đó, một số mũi vắc-xin cũng có thể chứa protein gây ra dị ứng là: Vắc-xin sởi, quai bị, rubella (MMR); Vắc-xin cúm; Vắc-xin sốt vàng. Vì thế, khi tiêm vắc-xin nên báo với bác sĩ về tiền sử dị ứng của bản thân hoặc của trẻ nhỏ để có biện pháp can thiệp.
Ngoài ra, có một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng gặp phải tình trạng này đó là:
- Dị ứng trứng gà, trứng vịt có khả năng xảy ra ở người có tiền sử viêm da dị ứng nhiều hơn người không có các vấn đề về da vì người có cơ địa mẫn cảm, dễ bị dị ứng có hệ miễn dịch nhạy cảm hơn.
- Yếu tố di truyền cũng làm tăng nguy cơ dị ứng. Nếu trong gia đình có ông bà hoặc bố mẹ, anh chị em bị dị ứng với trứng thì có thể có nguy cơ dị ứng cao hơn những người khác.
- Dị ứng thường xảy ra ở trẻ em nhiều hơn, chỉ một số ít người trưởng thành bị dị ứng với trứng.
Quy trình điều trị dị ứng trứng phổ biến
Khi có các dấu hiệu bệnh, cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức để điều trị. Từ đây, bác sĩ sẽ dùng các phương pháp chẩn đoán dị ứng để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Phương pháp chẩn đoán
Khi có các dấu hiệu dị ứng, bác sĩ sẽ chẩn đoán qua 3 bước:
- Kiểm tra lịch sử y tế, tiền sử dị ứng: Bác sĩ sẽ đặt câu hỏi về lịch sử đã bị dị ứng lần nào chưa, dấu hiệu bệnh, các thực phẩm vừa sử dụng.
- Khám thực thể: Kiểm tra dấu hiệu dị ứng thực phẩm và các vấn đề về sức khỏe khác.
Sau đó, các bác sĩ có thể yêu cầu các bài kiểm tra sau:
- Chích thử nghiệm da: Chích da để thử phản ứng với protein trứng. Nếu bị dị ứng, vết chích sẽ sưng tấy.
- Xét nghiệm máu: Để đo lượng kháng thể trong máu, đo phản ứng của hệ thống miễn dịch.
- Thử thách thực phẩm: Có thể được yêu cầu ăn một lượng trứng nhất định để thử phản ứng dị ứng.
Phương pháp điều trị dị ứng trứng
Khi bị dị ứng, sẽ không có phương pháp điều trị triệt để hoặc ngăn chặn. Cách tốt nhất để không bị dị ứng là tránh ăn trứng và các thực phẩm có chứa protein trứng.
Tuy nhiên điều này khó thực hiện bởi trứng là thực phẩm cực kỳ phổ biến, vì thế nên cẩn trọng khi ăn. Một số phương pháp điều trị bằng thuốc có thể can thiệp điều trị các triệu chứng như sau:
- Sử dụng thuốc kháng histamin
Thuốc kháng histamin có thể làm giảm các triệu chứng dị ứng nhẹ. Có thể sử dụng ngay sau khi cơ thể tiếp xúc với protein trứng. Thuốc này không có hiệu quả khi dị ứng nghiêm trọng và không có tác dụng ngăn ngừa phản ứng dị ứng.
- Tiêm epinephrine
Biện pháp này được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp khi cơ thể có dấu hiệu dị ứng nặng, có thể dẫn tới sốc phản vệ. Sử dụng epinephrine tiêm ngay lập tức nếu cơ thể bị sốc phản vệ và đưa bệnh nhân đến phòng cấp cứu theo dõi và điều trị ngăn chặn các triệu chứng nghiêm trọng quay trở lại.
Cách phòng tránh dị ứng protein trứng
Rất khó để có thể ngăn ngừa dị ứng thực phẩm nhất là trứng, thậm chí có những người có thể ăn trứng một thời gian sau đó mới bị phản ứng dị ứng. Vì thế, cần lưu ý đến một số cách phòng tránh dị ứng dưới đây:
- Thận trọng khi ăn uống, nhớ những thực phẩm mình đã ăn để nếu có xảy ra dị ứng có thể khai báo với bác sĩ giúp thuận lợi cho việc điều trị.
- Biết những gì đang ăn uống. Không phải chỉ ăn trứng gà, trứng vịt mới có thể dẫn tới dị ứng trứng mà còn có nhiều thực phẩm khác có chứa protein trứng. Một số thuật ngữ chỉ trứng trong các thực phẩm chế biến sẵn cần lưu ý như sau: Albumin, chất lecithin, Globulin, Livetin, Noãn hoàng tố, Lysozyme, một số từ bắt đầu bằng “ova” hoặc “ovo”
- Một số loại thực phẩm không có thành phần là trứng nhưng có thể chứa protein trứng cần lưu ý là: Kẹo dẻo, mayonnaise, bánh ngọt làm bằng lòng trắng trứng và đường, các batters và nước sốt, frostings, bánh pudding…
- Luôn xác định không ăn món ăn chứa trứng, có thể mang theo epinephrine đề phòng trường hợp khẩn cấp.
- Thông báo với những người thân về tình trạng của mình, có thể đeo vòng thông tin về dị ứng trứng để những người xung quanh biết nếu tình trạng trở nặng và không thể thông báo với mọi người.
- Phụ nữ cho con bú cần cẩn trọng với trứng nếu con bị dị ứng.
- Tiêm phòng một số vắc-xin như Rubella, cúm, sốt vàng nên thông báo với bác sĩ về tình trạng dị ứng để có biện pháp can thiệp.
Trên đây là những thông tin về dị ứng trứng mà mọi người cần biết. Đây là loại dị ứng rất phổ biến và có thể gây nguy hiểm, vì thế hãy luôn lắng nghe cơ thể mình để có những sự điều chỉnh phù hợp và tham vấn ý kiến của bác sĩ để tránh biến chứng nặng gây nguy hiểm tới tính mạng.
Đừng bỏ qua:
Tin bài nên đọc
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!