Đau Xương Sườn (Trái, Phải): Nguyên Nhân, Dấu Hiệu & Điều Trị
Nội dung bài viết
Đau xương sườn là một tình trạng phổ biến có thể liên quan đến nhiều yếu tố như chấn thương xương sườn hoặc ung thư phổi. Trong nhiều trường hợp cơn đau không nghiêm trọng và có thể tự cải thiện hoặc chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, đôi khi cơn đau có thể liên quan đến các trường hợp y tế khẩn cấp và cần điều trị y tế ngay lập tức.
Nguyên nhân gây đau xương sườn trái – phải
Cơn đau xương sườn có thể là đau âm ỉ, đau nhói hoặc đau kéo dài ở bên dưới ngực và khu vực trên rốn. Tình trạng này có thể xuất hiện sau chấn thương hoặc liên quan đến một số bệnh lý tiềm ẩn khác.
Có nhiều nguyên nhân cũng như bệnh lý khác nhau có thể gây đau xương sườn. Các nguyên nhân phổ biến có thể bao gồm:
1. Chấn thương
Chấn thương có thể liên quan đến té ngã, va chạm giao thông và các tiếp xúc thể thao. Cụ thể các chấn thương phổ biến có thể gây đau khu vực lồng ngực, xương sườn bao gồm:
- Gãy xương sườn: Gãy xương sườn là bệnh lý phổ biến hình thành sau các chấn thương tác động lên ngực (bao gồm té ngã, tai nạn xe hơi hoặc tai nạn lao động) và có thể gây đau đớn nghiêm trọng. Gãy xương sườn có thể dẫn đến các cơn đau khu trú dọc theo xương sườn và có thể gây biến dạng ngực hoặc khó thở.
- Gãy xương đòn hoặc xương ức: Xương đòn hoặc xương ức (xương trung tâm ở ngực) có thể bị gãy sau các chấn thương và tác động lực. Tình trạng này có thể dẫn đến các cơn đau ở ngực tương tự như cơn đau xương sườn.
- Chấn thương mô phổi: Các lực tác động lên ngực có thể dẫn đến bầm tím mô phổi hoặc nhiễm trùng phổi. Điều này có thể dẫn đến các cơn đau nghiêm trọng ở thành ngực và cơn đau có thể tương tự như đau xương sườn. Bên cạnh đó, cơn đau có thể là do sự kết hợp giữa chấn thương mô phổi và gãy xương sườn sau khi chấn thương liên quan đến ngực.
- Chấn thương thành ngực: Các chấn thương hoặc tác động lực bất kỳ nào lên thành ngực đều có thể gây ảnh hưởng đến các xương sườn và gây đau. Chấn thương thành ngực là tình trạng khẩn cấp và cần điều trị y tế kịp thời để tránh các rủi ro không mong muốn.
2. Viêm xương khớp ngực
Viêm xương khớp ngực có thể xảy ra trong quá trình thoái hóa khớp tự nhiên. Tình trạng này xuất hiện khi các sụn bảo vệ đầu xương bị phá vỡ, khiến các xương gia tăng ma sát, gây hình thành các gai xương và dẫn đến các cơn đau dữ dội.
Viêm xương khớp ở cột sống ngực có thể tác động đến các cơ liên sườn (giữa các xương sườn) và tăng nguy cơ viêm các dây thần kinh gây đau hoặc ngứa ran dọc theo xương sườn, ngực và bụng.
Các triệu chứng viêm xương khớp có thể bao gồm gây đau lồng ngực và xương sườn từ nhẹ đến nghiêm trọng. Con đau có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh chạm vào khu vực lồng ngực. Trong các trường hợp nghiêm trọng, cơn đau có thể lan đến tay, chân và cản trở một số hoạt động hàng ngày.
Viêm xương khớp cột sống ngực thường ít gặp hơn so với viêm khớp cột sống cổ và cột sống thắt lưng. Các trường hợp không nghiêm trọng, người bệnh có thể cải thiện các triệu chứng tại nhà. Trong khi các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể cần điều trị y tế đề ngăn ngừa các rủi ro không mong muốn.
3. Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm cột sống ngực có thể dẫn đến đau xương sườn, mặc dù tình trạng này tương đối hiếm gặp. Bệnh xảy ra khi một đĩa đệm ở cột sống ngực thoái hóa, dẫn đến các protein rò rỉ ra bên ngoài gây viêm các dây thần kinh dọc cột sống ngữ và dẫn đến các cơn đau dọc theo dây thần kinh.
Các triệu chứng phổ biến bao gồm đau, ngứa ran và tê có thể xuất hiện và lan tỏa từ bất cứ vị trí nào ở lưng, dọc theo xương sườn, ngực và cả bụng. Cơn đau có thể xuất hiện và được cải thiện ngay sau đó. Tuy nhiên một số hoạt động, bao gồm tập thể dục hoặc uốn cong cơ thể có thể khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Thoát vị đĩa đệm cột sống ngực có thể liên quan đến các chấn thương hoặc là một phần của quá trình thoái hóa tự nhiên. Trong một số trường hợp, thoát vị đĩa đệm và thoái hóa khớp có thể xuất hiện cùng nhau và dẫn đến các cơn đau đớn nghiêm trọng.
4. Viêm màng phổi
Màng phổi là các mô mỏng phân bố dọc theo thành ngực và phổi. Viêm màng phổi là tình trạng viêm gây ảnh hưởng đến lớp lót của phổi và ngực. Trong tình trạng khỏe mạnh, màng phổi có thể di chuyển một cách nhẹ nhàng và linh hoạt. Tuy nhiên, viêm màng phổi khiến các màng phổi ma sát vào nhau, gây đau đớn nghiêm trọng ở khu vực phổi, xương sườn.
Ngày nay, viêm màng phổi thường ít phổ biến do được kiểm soát và phòng ngừa bằng thuốc kháng sinh. Bên cạnh đó, ngay cả khi xuất hiện, viêm màng phổi được xem là một tình trạng nhẹ và có thể tự cải thiện. Thời gian hồi phục của tình trạng viêm màng phổi kéo dài từ vài ngày đến khoảng 2 tuần.
Ngoài ra, một số tình trạng khác như viêm phế quản cũng có thể tác động đến màng phổi và gây đau xương sườn hoặc lồng ngực.
5. Thuyên tắc phổi
Thuyên tắc phổi là tình trạng xuất hiện khi một động mạch đi sâu vào phổi và dẫn đến tắc nghẽn phổi. Sự tắc nghẽn này thường liên quan đến việc hình thành một cục máu đông lưu thống ở các mạch máu.
Thuyên tắc phổi có thể dẫn đến đau lồng ngực và khu vực xương sườn. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Hụt hơi
- Thở nhanh
- Ho, thậm chí là ho ra máu
- Thường xuyên lo lắng, căng thẳng
- Chóng mặt
- Đổ nhiều mồ hôi
- Nhịp tim không đều
Thuyên tắc phổi là tình trạng nghiêm trọng và theo ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong nếu không được điều trị phù hợp. Do đó, người có dấu hiệu thuyên tắc phổi nên đến bệnh viện để tiến hành xét nghiệm chẩn đoán và điều trị phù hợp.
6. Đau cơ xơ hóa
Đau cơ xơ hóa là một bệnh lý mãn tính dẫn đến đau nhức khắp cơ thể. Theo một số ước tính tình trạng này ảnh hưởng khoảng 2 – 4% dân số thế giới và có đến 90% các trường hợp là nữ giới.
Các cơn đau liên quan đến đau cơ xơ hóa có thể bao gồm gây nóng rát, đau nhói hoặc đau âm ỉ suốt ngày. Các cơn đau thường được cảm nhận ở lồng xương sườn, mặc dù cơn đau có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trong cơ thể.
Một số chuyên gia y tế khuyến cáo, người bị đau xương sườn thường xuyên mà không rõ nguyên nhân nên đến bệnh viện để kiểm tra tình trạng đau cơ xơ hóa và có biện pháp điều trị phù hợp.
7. Ung thư phổi
Ung thư phổi là một loại ung thư phổ biến và có tỷ lệ tử vong cao. Một trong những dấu hiệu ung thư phổi phổ biến là gây đau xương sườn hoặc đau lồng ngực, đặc biệt là khi hít thở sâu, ho và cười. Các triệu chứng khác thường bao gồm ho ra máu, ho có đờm đặc, khó thở và thở khò khè.
Ung thư phổi là tình trạng nguy hiểm và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư ở cả nam lẫn nữ. Điều trị phù hợp ở giai đoạn đầu thường có tiên lượng tốt và có cơ hội khỏi bệnh cao hơn. Do đó, người bệnh cần tiến hành xét nghiệm, tầm soát ung thư để có biện pháp xử lý phù hợp.
Ngoài ra, ung thư phổi di căn hoặc ung thư di căn gây ảnh hưởng đến khu vực phổi cũng có thể gây đau xương sườn và lồng ngực. Đây là một tình trạng đe dọa đến tính mạng và cần điều trị y tế ngay lập tức.
Dấu hiệu và các triệu chứng đau lồng ngực
Phụ thuộc vào các nguyên nhân cơ bản, bên cạnh các cơn đau ở xương sườn, người bệnh có thể gặp các triệu chứng khác như:
- Đau đột ngột ở lồng xương sườn bên trái hoặc phải hoặc ở cả hai bên.
- Nếu gãy xương, cơn đau có thể trở nên tồi tệ khi người bệnh uốn cong hoặc xoay vặn người.
- Cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng khi người bệnh di chuyển hoặc thay đổi vị trí đột ngột.
- Sưng và căng ở lồng ngực. Đây có thể là dấu hiệu xuất hiện khối u ở lồng ngực hoặc phổi.
- Thay đổi một số thói quen, phản ứng chậm. Trong một số trường hợp người bệnh có thể giảm cân ngoài ý muốn, mệt mỏi thường xuyên.
- Giảm khả năng vận động hoặc phạm vi chuyển động ở vai, cánh tay. Điều này có thể liên quan đến việc hình thành các khối u ở gần các khớp, gây khó khăn cho việc chuyển động.
Chẩn đoán tình trạng đau xương sườn trái – phải
Đau xương sườn có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân và điều kiện y tế. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện, tham khảo ý kiến của bác sĩ trong mọi trường hợp để tránh các rủi ro không mong muốn.
Khi trao đổi với bác sĩ, người bệnh nên mô tả các cơn đau và cử động khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng. Điều này có thể giúp bác sĩ xác định vùng đau và chỉ định các xét nghiệm chẩn đoán phù hợp.
Nếu cơn đau xuất hiện sau các chấn thương, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm hình ảnh như chụp X – quang ngực. Xét nghiệm này có thể xác định tình trạng gãy xương hoặc các bất thường ở xương.
Nếu nghi ngờ các tăng trưởng bất thường sau khi chụp phim X – quang, bác sĩ có thể đề nghị kiểm tra thể chất hoặc quét hình ảnh mô mềm thông qua MRI. Hình ảnh MRI có thể cung cấp cho bác sĩ chi tiết về lồng ngực, xương sườn, các cơ bắp xung quanh, mô và các cơ quan lân cận.
Nếu người bệnh đau xương sườn mãn tính, bác sĩ có thể yêu cầu quét xương để xác định tình trạng ung thư xương. Trong xét nghiệm này, bác sĩ có thể tiêm một lượng thuốc phóng xạ hoặc thuốc phản quang để xác định vị trí tổn thương.
Biện pháp điều trị đau xương sườn trái – phải
Các biện pháp điều trị đau xương sườn phụ thuộc vào các nguyên nhân gây đau. Do đó, điều quan trọng là người bệnh cần đến bệnh viện xác định các nguyên nhân và điều trị theo phác độ của bác sĩ.
1. Chăm sóc đau xương sườn tại nhà
Một số nguyên nhân gây đau xương sườn không nghiêm trọng như căng cơ hoặc viêm xương khớp. Tình trạng này thường được chỉ định điều trị tại nhà.
Các biện pháp điều trị phổ biến thường bao gồm:
- Nghỉ ngơi: Người bệnh cần dành thời gian nghỉ ngơi phù hợp để cải thiện các cơn đau và hạn chế tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tránh một số hoạt động thể chất trong 1 – 2 tuần để hỗ trợ cải thiện tình trạng căng cơ hoặc viêm khớp.
- Chườm lạnh có thể hỗ trợ chống viêm và giúp người bệnh cải thiện cảm giác đau đớn. Không đặt đá lạnh trực tiếp lên ngực, điều này có thể gây kích ứng và bỏng lạnh. Người bệnh nên bọc viên đá trong khăn sạch và chườm lên khu khu xương sườn để cải thiện các cơn đau.
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hoặc acetaminophen để cải thiện các cơn đau. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc dược sĩ kê đơn để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
2. Điều trị y tế
Nếu các cơn đau kéo dài, người bệnh nên đến bệnh viện và điều trị y tế phù hợp. Phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị một số loại thuốc hoặc biện pháp điều trị bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen và naproxen có thể cải thiện tình trạng đau và viêm xương sườn. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ như xuất huyết tiêu hóa và viêm loét dạ dày.
- Acetaminophen có tác dụng ngăn tín hiệu đau đến não và hạn chế các cơn đau. Đôi khi Acetaminophen được sử dụng kết hợp với các loại thuốc giảm đau khác để tăng hiệu quả kiểm soát các cơn đau.
- Thuốc giãn cơ như cyclobenzaprine có thể cải thiện các cơn đau xương sườn do căng cơ ngực. Thuốc thường được kê để điều trị các cơn đau ngắn hạn, trong khoảng 2 – 3 tuần.
- Thuốc giảm đau Opioids như hydrocodone, tramadol và oxycodone là thuốc giảm đau mạnh, theo toa được chỉ định cho các trường hợp đau đớn nghiêm trọng.
- Steroid đường uống như methylprednisolone và prednisone có thể được kê để giảm đau cấp tính. Tuy nhiên, sử dụng thuốc trong thời gian ngắn và theo liều lượng quy định để tránh các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Trước khi sử dụng thuốc điều trị các cơn đau xương sườn, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ chuyên môn về các rủi ro và tác dụng phụ không mong muốn. Thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang sử dụng để hỗ trợ bác sĩ kê thuốc phù hợp với tình trạng của từng bệnh nhân.
Trong trường hợp các loại thuốc không mang lại hiệu quả giảm đau liên quan đến chấn thương ngực, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh tiến hành băng hoặc nén khu vực quanh ngực để cải thiện các triệu chứng. Mặc dù băng ngực có thể giảm đau do các chấn thương lớn nhưng thường không được được khuyến khích. Các tác dụng phụ thường bao gồm gây khó thở và tăng nguy cơ viêm phổi.
Trong trường hợp ung thư, bác sĩ có thể đề nghị xác định nguồn gốc ung thư và tiến hành phẫu thuật hoặc sinh thiết để loại bỏ các tăng trưởng bất thường. Đôi khi, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ các tế bào ung thư. Ngoài ra, hóa trị và xạ trị cũng được chỉ định để điều trị các trường hợp ung thư không đủ điều kiện phẫu thuật.
Đau xương sườn trái – phải có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân và bệnh lý nghiêm trọng. Do đó người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Trao đổi với bác sĩ nếu cơn đau trở nên nghiêm trọng, gây khó thở hoặc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!