Bị đau thượng vị uống thuốc gì và các lưu ý khi dùng?
Nội dung bài viết
Thuốc kháng axit, thuốc bảo vệ niêm mạc, thuốc ức chế bơm proton, thuốc kháng histamine H2,… là các loại thuốc được sử dụng để giảm cơn đau thượng vị. Trên thực tế, loại thuốc được chỉ định phụ thuộc vào bệnh lý nguyên nhân, độ tuổi và mức độ đáp ứng của từng trường hợp.
Khi nào sử dụng thuốc đau thượng vị?
Đau thượng vị là cơn đau khởi phát ở vùng bụng nằm trên rốn. Triệu chứng này là dấu hiệu của nhiều vấn đề tiêu hóa như khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, ăn quá no,… Tuy nhiên trong một số trường hợp, đau thượng vị có thể là biểu hiện của trào ngược thực quản (GERD), viêm loét dạ dày tá tràng, hội chứng Zollinger-Ellison, viêm loét thực quản,…
Thông thường, đau thượng vị do chứng khó tiêu, ăn uống không điều độ và rối loạn tiêu hóa có thể tự thuyên giảm sau khi nghỉ ngơi và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng. Tuy nhiên nếu xảy ra do nguyên nhân bệnh lý, triệu chứng này có xu hướng tiến triển mãn tính, dai dẳng và nghiêm trọng dần theo thời gian.
Thuốc trị đau thượng vị chỉ được sử dụng khi triệu chứng này khởi phát do một số vấn đề sức khỏe như chứng khó tiêu chức năng, viêm loét dạ dày – tá tràng, viêm loét thực quản và trào ngược dạ dày. Trong trường hợp khởi phát do các nguyên nhân khác, bác sĩ thường không chỉ định sử dụng thuốc.
Các loại thuốc được sử dụng để điều trị đau thượng vị phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Vì vậy trước khi sử dụng thuốc, bạn cần tiến hành thăm khám nhằm xác định bệnh lý tiềm ẩn. Tuyệt đối không tự ý khi sử dụng thuốc trong trường hợp đau thượng vị không rõ nguyên nhân.
Bị đau thượng vị nên uống thuốc gì?
Như đã đề cập, thuốc được sử dụng để điều trị đau thượng vị phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Ngoài ra, bác sĩ sẽ xem xét tuổi tác, khả năng đáp ứng và mức độ phát triển của bệnh tình để chỉ định loại thuốc phù hợp nhất.
Dưới đây là một số loại thuốc được sử dụng phổ biến để điều trị cơn đau vùng thượng vị, bao gồm:
1. Thuốc kháng acid trị đau thượng vị
Thuốc kháng acid là một trong những nhóm thuốc thường được sử dụng để điều trị các vấn đề tiêu hóa. Nhóm thuốc này có khả năng trung hòa HCl của dịch tiêu hóa, từ đó làm tăng độ pH trong dịch vị và hạn chế hiện tượng xâm lấn mô của axit dạ dày.
Ngoài khả năng giảm đau thượng vị, thuốc kháng acid còn giúp làm giảm cảm giác nóng rát, ợ hơi, ợ nóng, đầy bụng, khó tiêu,… do trào ngược thực quản, viêm thực quản và viêm loét dạ dày tá tràng. Thuốc được sử dụng sau khi ăn 1 – 3 giờ và trước khi đi ngủ nhằm hạn chế nguy cơ trào ngược vào ban đêm.
Do thuốc kháng acid làm tăng độ pH của dịch vị dạ dày nên có thể làm giảm khả năng hấp thu của các loại thuốc khác. Vì vậy cần sử dụng thuốc kháng acid cách các loại thuốc khác ít nhất 2 giờ đồng hồ.
Thuốc kháng acid thường chứa muối magie, nhôm hydroxyd hoặc kết hợp giữa 2 hoạt chất này. Lạm dụng thuốc trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ loãng xương, sa sút trí tuệ, thiếu máu hồng cầu nhỏ, bệnh não, giảm phosphate máu, viêm ruột thừa,… Ngoài ra, thuốc cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ khi sử dụng ngắn hạn như cứng bụng, tiêu chảy, miệng đắng chát, nôn mửa, buồn nôn, phân trắng, táo bón,…
2. Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày
Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày có khả năng bảo vệ mô và hạn chế quá trình xâm lấn của dịch vị với cơ chế kích thích bài tiết chất nhầy, tăng tưới máu và thúc đẩy sự phát triển của các tế bào biểu mô trên bề mặt niêm mạc dạ dày.
Các loại thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày (Misoprostol, Sucralfate, Rebamipide) được sử dụng trước khi ăn 1 giờ, dùng 4 lần/ ngày (trước 3 bữa ăn và trước khi đi ngủ). Loại thuốc này được sử dụng trong điều trị đau thượng vị do chứng khó tiêu chức năng, viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản và phòng ngừa đau thượng vị khi sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày là nhóm thuốc tương đối lành tính nhưng có thể làm tăng co bóp tử cung nên không được sử dụng cho phụ nữ mang thai. Hơn nữa, thuốc có thể gây chuột rút, tiêu chảy, đau bụng,… trong thời gian sử dụng.
3. Thuốc kháng histamine H2 giảm đau thượng vị
Thuốc kháng histamine H2 (Famotidin, Nizatidon, Ranitidin, Cimetidin,…) có tác dụng giảm bài tiết axit dạ dày bằng cách đối kháng chọn lọc với histamine ở thụ thể H2 của tế bào thành. Nhóm thuốc này có khả năng ức chế khoảng 70% hoạt động bài tiết dịch vị trong suốt 24 giờ.
Thuốc kháng histamine H2 có hiệu quả ức chế tiết axit mạnh vào ban đêm nhưng tác dụng hạn chế đối với ức chế bài tiết axit sau bữa ăn. Nhóm thuốc này chuyển hóa qua gan và bài tiết qua thận nên cần thông báo với bác sĩ nếu có vấn đề về 2 cơ quan này để được cân nhắc về việc sử dụng thuốc.
Thuốc kháng histamine H2 được sử dụng để điều trị đau thượng vị, cải thiện một số triệu chứng cơ năng đi kèm và hỗ trợ phục hồi ổ loét ở niêm mạc. Thuốc được chỉ định cho người bị loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản và phòng ngừa xuất huyết tiêu hóa do stress.
Nhóm thuốc này có khả năng dung nạp tốt, trừ Cimetidine. Trong thời gian sử dụng, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ như chóng mặt, đau đầu, tiêu chảy, táo bón, tiết sữa không do sinh đẻ và chứng vú to ở nam giới.
4. Giảm đau thượng vị với thuốc ức chế bơm proton
Thuốc ức chế bơm proton (PPI) có khả năng ức chế bài tiết axit dạ dày mạnh nhất (khoảng 80 – 95%). Thuốc hoạt hóa thành dạng sulfenamide tetracyclic có hoạt tính, sau đó gắn với nhóm sulfhydryl nhằm ức chế không thuận nghịch các bơm proton và làm giảm khả năng bài tiết dịch vị dạ dày.
PPI được sử dụng sau bữa ăn khoảng 30 phút nhằm hạn chế các triệu chứng do tăng tiết dịch vị như đau thượng vị, nóng rát dạ dày, đầy hơi, ợ chua, ợ nóng, trớ thức ăn,… Thuốc được sử dụng trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày tá tràng, hội chứng Zollinger-Ellison và loét dạ dày do nhiễm vi khuẩn Hp.
Thuốc ức chế bơm proton có thể gây tăng men gan, chứng vú to ở nam giới, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy và giảm khả năng hấp thu vitamin B12 trong thời gian sử dụng. Đối với phụ nữ sau khi sinh và người cao tuổi, bác sĩ có thể yêu cầu dùng viên uống bổ sung canxi trong thời gian sử dụng thuốc nhằm dự phòng nguy cơ loãng xương. Các PPI được sử dụng phổ biến, bao gồm Rabeprazole, Esomeprazole, Omeprazole,…
5. Thuốc kháng dopamin trị đau vùng thượng vị
Thuốc kháng dopamine (thuốc kháng thụ thể D2) như Domperidon, Butyrophenol, Metoclopramid, Promethazin,… có tác dụng giảm đầy bụng, đau thượng vị, khó tiêu và buồn nôn sau khi ăn. Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách đối kháng với dopamine nhằm tăng trương lực cơ thắt tâm vị, kích thích nhu động ruột và tăng tốc độ tiêu hóa thức ăn của dạ dày.
Thuốc kháng thụ thể D2 thường được sử dụng để điều trị đau thượng vị do trào ngược dạ dày thực quản. Với khả năng rút ngắn thời gian làm rỗng dạ dày, loại thuốc này có thể làm giảm áp lực lên cơ vòng thực quản dưới, hạn chế tình trạng trào ngược và nôn trớ thức ăn.
Thuốc kháng dopamine ít gây ra tác dụng phụ trong thời gian sử dụng. Tuy nhiên nếu sử dụng dài ngày với liều cao, thuốc có gây rối loạn kinh nguyệt, mất kinh, chảy sữa, vú to, tăng prolactin huyết thanh (hormone tăng bài tiết sữa mẹ). Vì vậy hiện nay, nhóm thuốc này chủ yếu được dùng với liều thấp trong điều trị ngắn ngày.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc trị đau thượng vị
Đau thượng vị là triệu chứng tương đối phổ biến. Tuy nhiên chỉ khi triệu chứng này khởi phát do bệnh lý, bác sĩ mới yêu cầu sử dụng thuốc. Nếu xảy ra do các nguyên nhân thông thường, bạn nên cải thiện triệu chứng một số mẹo tại nhà kết hợp với thay đổi lối sống.
Thuốc điều trị đau thượng vị có thể gây ra nhiều rủi ro và tác dụng ngoại ý. Do đó khi sử dụng nhóm thuốc này, bạn cần lưu ý một số vấn đề quan trọng sau:
- Chỉ sử dụng thuốc điều trị đau thượng vị khi đã tham vấn y khoa. Tùy tiện sử dụng thuốc có thể gây ra nhiều rủi ro và biến chứng nguy hiểm.
- Chủ động thông báo với bác sĩ tiền sử dị ứng và tình trạng sức khỏe để được chỉ định loại thuốc và cân chỉnh liều lượng phù hợp.
- Trong thời gian sử dụng, cần chú ý biểu hiện của cơ thể và thông báo với nhân viên y tế nếu phát sinh các triệu chứng bất thường.
- Đối với trường hợp đau thượng vị khởi phát do hội chứng Zollinger-Ellison, sử dụng thuốc chỉ giúp làm giảm triệu chứng và điều trị biến chứng loét dạ dày. Vì vậy sau khi ổ loét ở niêm mạc dạ dày được kiểm soát, bác sĩ sẽ yêu cầu phẫu thuật nhằm cắt bỏ khối u gastrin.
- Bên cạnh sử dụng thuốc, bạn cần xây dựng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt điều độ để làm giảm các triệu chứng ở đường tiêu hóa, hỗ trợ phục hồi ổ loét và rút ngắn thời gian điều trị.
- Kiểm soát một số yếu tố khiến bệnh tiến triển nặng hơn như hút thuốc lá, thức khuya, căng thẳng quá mức, thừa cân – béo phì, dùng rượu bia và lạm dụng thuốc chống viêm, giảm đau.
- Dùng thuốc chỉ đem lại hiệu quả đối với trường hợp bệnh có mức độ nhẹ đến trung bình. Nếu đã phát sinh biến chứng hoặc thất bại khi điều trị nội khoa, nên cân nhắc phẫu thuật khi cần thiết.
Bài viết đã giải đáp thắc mắc “Bị đau thượng vị nên uống thuốc gì?” và đề cập đến một số vấn đề cần lưu ý khi sử dụng. Tuy nhiên để được tư vấn rõ hơn về loại thuốc và liều dùng, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh đó, cần kết hợp với lối sống lành mạnh và khoa học để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu.
Tham khảo thêm: 10 cách chữa đau thượng vị – Giảm đau nhanh nhất tại nhà
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!