Đau khớp gối sau khi sinh – Nguyên nhân, cách khắc phục

Đau khớp gối sau khi sinh thường xảy ra do thiếu hụt canxi, vitamin D, ảnh hưởng của hormone relaxin hoặc cũng có thể là biểu hiện của các bệnh xương khớp. Để cải thiện tình trạng này, sản phụ nên xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, thay đổi lối sống và tìm gặp bác sĩ khi cần thiết.

đau nhức đầu gối sau khi sinh
Đau nhức đầu gối sau khi sinh do đâu? Làm sao để khắc phục?

Nhận biết đau khớp gối sau khi sinh

Đau khớp gối là tình trạng mô sụn, xương, dây chằng và các mô bao quanh bị tổn thương dẫn đến hiện tượng viêm và đau nhức. Tình trạng này thường gặp ở người cao tuổi, người mắc bệnh tiểu đường, thừa cân – béo phì và lao động nặng trong thời gian dài.

Ngoài ra, đau mỏi khớp gối còn có thể xảy ra ở phụ nữ sau khi sinh. Theo các bác sĩ, đây là hiện tượng phổ biến và gặp ở 80% sản phụ. Đau nhức đầu gối sau sinh thường có mức độ nhẹ và hầu hết có thể thuyên giảm sau khi chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên ở một số ít trường hợp, thương tổn ở khớp gối có thể chuyển biến theo chiều hướng xấu và dẫn đến vấn đề mãn tính.

Các dấu hiệu nhận biết đau khớp gối sau khi sinh:

Ngược xuôi tìm cách chữa mà bệnh chỉ thấy tình trạng viêm đau, thoái hóa khớp của vợ nặng thêm. Thế nhưng may mắn đã ghé thăm khi vợ chồng tôi được giới thiệu đến nhà thuốc Đỗ Minh Đường.
  • Vùng khớp gối nhức mỏi, tê bì
  • Xuất hiện cơn đau nhức khi cử động, đi lại – đặc biệt là vào buổi sáng và ban đêm
  • Cơn đau thường có mức độ nhẹ, âm ỉ nhưng kéo dài
  • Khớp gối có thể xuất hiện âm thanh khi vận động

Mức độ đau khớp gối và các triệu chứng đi kèm còn phụ thuộc vào nguyên nhân và thể trạng của sản phụ. Đối với sản phụ có sức khỏe yếu hoặc sinh mổ, cơn đau thường có mức độ nghiêm trọng và tiến triển dai dẳng hơn.

Nguyên nhân gây đau khớp gối sau khi sinh

Có khá nhiều nguyên nhân gây đau nhức khớp gối ở phụ nữ sau sinh. Trong đó nguyên nhân sinh lý chiếm hơn 90% và chỉ có khoảng 10% xảy ra do nguyên nhân bệnh lý. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp gây đau nhức khớp gối ở phụ nữ sau sinh:

1. Do tăng cân đột ngột trong quá trình mang thai

Mẹ bầu có xu hướng tăng cân nhanh từ tháng thứ 4 thai kỳ. Tình trạng tăng cân đột ngột có thể gây áp lực lên đốt sống thắt lưng, xương chậu và khớp gối dẫn đến hiện tượng đau nhức, ê mỏi và sưng viêm. Hiện tượng đau khớp gối thường kéo dài từ giai đoạn mang thai đến giai đoạn sau khi sinh.

Ngoài ra, tình trạng sản phụ khi nhức mỏi đầu gối cũng có thể là hệ quả do quá trình sinh nở. Quá trình này đòi hỏi phụ nữ phải dùng sức nhiều khiến các khớp xương ở thắt lưng và chi dưới chịu áp lực lớn, bị tổn thương và đau nhức.

2. Thiếu hụt canxi và vitamin D

Vitamin D và canxi là các thành phần cần thiết đối với hệ thống xương khớp. Tuy nhiên trong thời gian mang thai, lượng khoáng chất được cơ thể mẹ hấp thu chỉ đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của thai nhi. Vì vậy sau khi sinh, phụ nữ thường gặp phải tình trạng thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng.

Đau khớp gối sau khi sinh
Đau khớp gối sau khi sinh có thể xảy ra do thiếu hụt canxi, vitamin D và một số vi chất dinh dưỡng khác

Vitamin D giữ vai trò quan trọng trong quá trình hình thành mô xương. Thành phần này giúp tăng tái hấp thu canxi ở thận, ruột và vận chuyển các chất vô cơ (canxi, phosphate). Ngoài ra, vitamin D còn thúc đẩy quá trình tổng hợp osteocalci, phosphate kiềm và collagen.

Thiếu hụt canxi và vitamin D khiến sản phụ có nguy cơ loãng xương, xương khớp suy yếu, kém vững chắc và dễ phát sinh cơn đau – đặc biệt là những khớp chịu áp lực lớn từ cơ thể như khớp gối và khớp háng.

3. Tiền sử chấn thương khớp

Thống kê cho thấy, sản phụ có tiền sử chấn thương ở khớp gối có nguy cơ bị đau nhức và tê cứng khớp trong suốt thời gian mang thai và sau khi sinh. Sự thay đổi đột ngột của hormone, tâm lý và cân nặng chính là yếu tố khởi phát cơn đau ở vị trí khớp bị chấn thương.

4. Do hormone relaxin (hormone thai kỳ)

Hormone relaxin được sản sinh mạnh vào 3 tháng cuối thai kỳ nhằm thư giãn dây chằng và ổ khớp. Nhiệm vụ của hormone này là giúp xương chậu giãn rộng, tạo đủ không giãn cho thai nhi phát triển và hỗ trợ quá trình sinh nở.

Tuy nhiên tình trạng giãn dây chằng có thể khiến ổ khớp lỏng lẻo, dễ đau nhức và tê mỏi. Thực tế cho thấy, phụ nữ gần sinh và sau khi sinh dễ bị viêm khớp háng và đau khớp gối.

5. Biểu hiện của các bệnh xương khớp

Ngoài những nguyên nhân thông thường, đau khớp gối sau khi sinh còn có thể là dấu hiệu của các bệnh xương khớp như:

Đau khớp gối sau khi sinh
Khớp đau nhức âm ỉ là một trong những biểu hiện của chứng loãng xương
  • Loãng xương: Loãng xương là bệnh xương khớp thường gặp nhất ở phụ nữ sau khi sinh và người cao tuổi, điển hình bởi tình trạng giảm mật độ xương, xương giòn và dễ tổn thương. Bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng đau nhức xương (chủ yếu xảy ra ở khớp gối, khớp háng và thắt lưng), cơn đau âm ỉ và kéo dài trong nhiều ngày.
  • Thoái hóa khớp gối: Thoái hóa khớp gối hiếm khi xảy ra ở người trẻ tuổi. Tuy nhiên nếu thường xuyên lao động nặng, chế độ ăn ít canxi và phosphate, sản phụ có thể bị thoái hóa khớp gối nhẹ. Bệnh lý này hình thành khi các mô sụn bọc ở đầu xương bị bào mòn, xơ hóa và gây ra hiện tượng đau nhức, sưng viêm, cứng khớp và tê bì.
  • Viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp là một dạng tổn thương khớp có cơ chế tự miễn. Khi có các tác động như stress, mang thai, rối loạn nội tiết,… các triệu chứng của bệnh có thể bùng phát mạnh. Bệnh lý này điển hình bởi tình trạng đau nhức khớp gối, bề mặt khớp sưng nóng, viêm đỏ và gặp khó khăn khi vận động.

So với những nguyên nhân thông thường, đau khớp gối khởi phát do các bệnh lý xương khớp có mức độ nghiêm trọng và tiến triển dai dẳng hơn.

Đau khớp gối sau sinh có tự hết không?

Đau mỏi khớp gối sau khi sinh thường xảy ra do các nguyên nhân sinh lý. Vì vậy tình trạng này có thể thuyên giảm sau vài tháng khi cơ thể sản phụ hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên thời gian phục hồi còn phụ thuộc vào thể trạng và chế độ chăm sóc của từng trường hợp.

Trong trường hợp xây dựng chế độ ăn uống điều độ, thường xuyên luyện tập và nghỉ ngơi hợp lý, hiện tượng đau nhức khớp có thể thuyên giảm chỉ sau vài tuần đến vài tháng. Ngược lại nếu không bổ sung đủ lượng canxi, vitamin D bị thiếu hụt và sinh hoạt thiếu điều độ, tổn thương ở ổ khớp có thể tiến triển nặng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Đối với sản phụ bị đau khớp gối do các bệnh xương khớp mãn tính, cần tiến hành thăm khám và điều trị sớm. Khác với nguyên nhân sinh lý, nguyên nhân bệnh lý không thể tự thuyên giảm và có xu hướng nghiêm trọng dần theo thời gian.

Cách khắc phục đau khớp gối sau khi sinh

Như đã đề cập, khoảng 90% trường hợp phụ nữ sau khi sinh bị đau khớp gối do nguyên nhân sinh lý. Đối với nguyên nhân này, sản phụ có thể cải thiện bằng cách thay đổi lối sống và áp dụng một số mẹo chữa tại nhà.

1. Giảm đau với các mẹo tại nhà

Đau khớp gối sau sinh ít khi đe dọa đến sức khỏe và nguồn sữa mẹ. Tuy nhiên cơn đau khởi phát thường xuyên và kéo dài dai dẳng có thể khiến sản phụ mệt mỏi, suy nhược và gây ra nhiều phiền toái trong đời sống sinh hoạt.

Phụ nữ mang thai và sau khi sinh là những đối tượng đặc biệt. Do đó, sử dụng thuốc cho những đối tượng này có thể gây ra nhiều tình huống rủi ro và tác động xấu đến sự phát triển của thai nhi, trẻ nhỏ.

Bị đau khớp gối sau sinh mổ
Có thể xoa bóp khớp gối để giảm đau nhức, tê bì và cải thiện khả năng vận động

Vì vậy lựa chọn ưu tiên để giảm đau khớp gối sau khi sinh là áp dụng các mẹo chữa tại nhà sau:

  • Tắm nước ấm: Sản phụ nên tắm nước ấm từ 10 – 20 phút/ ngày để làm sạch cơ thể, thúc đẩy hoạt động tuần hoàn máu và giảm đau nhức ổ khớp. Ngoài ra nhiệt độ ấm từ nước tắm còn giúp giải tỏa căng thẳng, kích thích khớp tiết dịch nhờn và hạn chế tình trạng khô khớp.
  • Xoa bóp: Ngoài ra, có thể sử dụng dầu khuynh diệp xoa bóp đầu gối để giảm đau. Biện pháp này có khả năng tăng tuần hoàn máu, cải thiện hiện tượng viêm đỏ, đau nhức và cứng khớp.
  • Nghỉ ngơi: Đi lại nhiều và vận động quá mức trong giai đoạn sau sinh có thể khiến khớp gối bị kích thích và tổn thương nghiêm trọng. Vì vậy, sản phụ nên dành thời gian nghỉ ngơi để phục hồi thể trạng, ổn định ổ khớp và hạn chế cơn đau phát sinh.

Các biện pháp này có thể giảm mức độ của cơn đau, đồng thời hạn chế áp lực lên khớp gối và một số khớp khác trên cơ thể.

2. Thay đổi chế độ ăn uống

Thiếu hụt canxi, vitamin D và thể trạng suy nhược là những nguyên nhân thường gặp gây đau mỏi khớp gối, mệt mỏi và suy nhược ở phụ nữ sau khi sinh. Chính vì vậy, cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học để phục hồi các mô xương hư tổn và cải thiện sức khỏe. Hơn nữa, ăn uống lành mạnh còn giúp mẹ có nguồn sữa dồi dào và giàu dinh dưỡng để nuôi dưỡng bé.

cách trị đau khớp gối sau sinh
Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học giúp phục hồi thể trạng và giảm đau khớp gối sau sinh

Chế độ dinh dưỡng giúp cải thiện tình trạng đau khớp gối sau khi sinh:

  • Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin D và canxi như các loại cá, dầu gan cá, súp lơ xanh, bơ, ngũ cốc, sò, trứng cá, đậu nành, sữa, nấm,…
  • Bên cạnh đó, có thể sử dụng một số nhóm thực phẩm lành mạnh khác như các loại rau xanh, trái cây, sữa chua, hải sản, thịt để cung cấp năng lượng và dinh dưỡng cho cơ thể.
  • Tránh sử dụng rượu bia, cà phê, trà đặc, nước ngọt có gas, thức ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều muối và chất béo bão hòa. Các loại thực phẩm và đồ uống này có thể kích thích phản ứng viêm ở ổ khớp khiến đầu gối đau nhức dữ dội và kéo dài.
  • Không nên ăn uống quá mức trong giai đoạn mang thai và sau khi sinh. Thói quen này có thể gây tăng cân đột ngột dẫn đến tăng áp lực lên khớp gối và gây đau nhức kéo dài.
  • Phụ nữ sau khi sinh nên ăn uống vừa phải, tập trung vào các nhóm thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng không chứa quá nhiều năng lượng để tránh tình trạng tăng cân.

Tham khảo thêm: Đau khớp gối kiêng ăn gì và nên ăn gì tốt cho khớp gối?

3. Xây dựng lối sống lành mạnh

Bên cạnh việc bổ sung vitamin D, canxi và các chất dinh dưỡng cần thiết, sản phụ nên xây dựng lối sống lành mạnh nhằm phục hồi thể trạng, cải thiện hệ thống xương khớp, kiểm soát đau khớp gối và ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe thường gặp ở giai đoạn sau sinh.

cách trị đau khớp gối sau sinh
Tập thể dục là cách trị đau khớp gối sau sinh an toàn và hiệu quả nhất

Lối sống lành mạnh giúp kiểm soát đau đầu gối sau sinh:

  • Sau khi sinh khoảng 1 tuần, sản phụ nên đi lại và vận động nhẹ nhàng để tránh tê cứng và đau nhức khớp.
  • Thực hiện các bộ môn luyện tập có cường độ nhẹ như yoga và bơi lội nhằm cải thiện vùng xương chậu, khớp gối và khớp bả vai. Hoạt động thể chất đều đặn có thể giúp sản phụ giảm đau nhức khớp gối, ngừa loãng xương và kiểm soát cân nặng hiệu quả.
  • Phụ nữ mang thai nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và thư giãn, tránh căng thẳng và lo âu quá mức. Thực tế cho thấy, sản phụ bị căng thẳng kéo dài thường có thể trạng suy nhược, đau nhức khớp dai dẳng và dễ gặp phải chứng trầm cảm sau sinh.
  • Thay đổi các thói quen làm tăng áp lực lên khớp gối như mang giày cao gót, lười vận động, mang vác nặng, làm việc quá 8 giờ/ ngày,…

Kết hợp giữa thay đổi lối sống, xây dựng chế độ ăn uống khoa học với các mẹo chữa tại nhà có thể kiểm soát đau nhức khớp gối chỉ trong một thời gian ngắn. Hơn nữa các biện pháp này còn giúp sản phụ giảm nguy cơ loãng xương và rút ngắn thời gian phục hồi thể trạng.

Đau khớp gối sau khi sinh – Có cần gặp bác sĩ?

Ở một số ít trường hợp, đau khớp gối sau khi sinh có thể là biểu hiện của chứng loãng xương, viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp gối. Đối với những trường hợp này, cơn đau thường tiến triển dai dẳng và mức độ đau tăng dần lên theo thời gian.

cách trị đau khớp gối sau sinh
Nếu cơn đau kéo dài, sản phụ nên tìm gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều trị kịp thời

Vì vậy sản phụ nên tìm gặp bác sĩ nếu nhận thấy các triệu chứng sau:

  • Đau khớp gối không thuyên giảm khi thực hiện các biện pháp tại nhà, thay đổi lối sống và thói quen ăn uống
  • Khớp gối sưng viêm, nóng rát và đau nhức dữ dội
  • Có hiện tượng cứng khớp vào sáng sớm
  • Ổ khớp lỏng lẻo và phát ra âm thanh khi vận động
  • Xuất hiện kèm theo các triệu chứng toàn thân như sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn

Trước khi can thiệp điều trị, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng, chụp X-Quang, MRI, CT và chọc hút dịch khớp để chẩn đoán bệnh lý.

Đau khớp gối sau khi sinh là tình trạng khá phổ biến. Nếu chăm sóc tốt, tình trạng này có thể thuyên giảm hoàn toàn sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên sản phụ nên chủ động tìm gặp bác sĩ khi cơn đau kéo dài, có mức độ nghiêm trọng hoặc đi kèm với các biểu hiện bất thường.

Tham khảo thêm: 10 món ăn bài thuốc chữa đau khớp hiệu quả, dễ làm

5/5 - (5 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *