Bệnh Vảy Nến Trong Đông Y Và Phương Pháp Điều Trị
Nội dung bài viết
Ngoài sử dụng thuốc Tây, chữa bệnh vảy nến bằng Đông y cũng là phương pháp được khá nhiều người lựa chọn. Điều trị bằng Đông y có độ an toàn tương đối cao, phù hợp với nhiều đối tượng và không gây hại lên gan thận. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ đem lại hiệu quả lâm sàng đối với các thể vảy nến nhẹ.
Bệnh vảy nến theo quan niệm Đông y
Trong Đông y, vảy nến (vẩy nến) còn được gọi là Tùng bì tiễn, Ngân tiêu bệnh hoặc Bạch xác sang. Bệnh bùng phát mạnh vào mùa đông, thường xuất hiện thương tổn ở mặt ngoài tứ chi, da đầu hoặc có thể lan tỏa toàn thân.
Theo Tây y, vảy nến là một bệnh da mãn tính do hoạt động rối loạn chuyển hóa và bất thường ở nhiễm sắc thể số 6. Khi có tác nhân thúc đẩy, các yếu tố này bị kích hoạt, sau đó hoạt hóa tế bào lympho T, gây bất thường trong quá trình tăng trưởng tế bào thượng bì, dẫn đến hiện tượng tăng sinh tế bào sừng và gây thương tổn ngoài da.
Khác với Tây y, Đông y cho rằng vảy nến là hệ quả do huyết nhiệt kết hợp với phong hàn, gây uất kết trong cơ thể lâu ngày dẫn đến huyết táo. Tình trạng này khiến da không được nuôi dưỡng và gây ra tổn thương dạng viêm đỏ, bong vảy trắng,…
Hiện nay, chưa có biện pháp tối ưu trong điều trị bệnh vảy nến. Các loại thuốc Tây và Đông y chỉ hỗ trợ cải thiện tổn thương lâm sàng, giảm tiến triển của bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên hầu hết các loại thuốc Tây đều có thể gây ra nhiều tác dụng phụ và rủi ro khi sử dụng. Vì vậy, một số bệnh nhân lựa chọn Đông y để giảm độc tính lên gan, thận và các cơ quan nội tạng.
Mặc dù không thể điều trị bệnh hoàn toàn nhưng thuốc Đông y có thể giảm từ 70 – 85% tổn thương da ở các thể vảy nến nhẹ. Hơn nữa nếu kết hợp sử dụng thuốc với chăm sóc đúng cách, bạn có thể kéo thời thời gian tái phát và giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh.
Hướng dẫn chữa vảy nến bằng thuốc Đông y
Dựa vào tổn thương lâm sàng, tính chất và yếu tố khởi phát, Đông y chia vảy nến thành nhiều thể riêng biệt. Mỗi thể bệnh sẽ được điều trị bằng các bài thuốc tương ứng nhằm tác động trực tiếp đến vùng da thương tổn, cải thiện sức khỏe tổng thể và bồi bổ khí huyết.
1. Thuốc Đông y chữa vảy nến thể phong nhiệt
Vảy nến thể phong nhiệt thường khởi phát triệu chứng đột ngột, số lượng tổn thương nhiều và nổi liên tục. Tổn thương do vảy nến là các nốt chấm nhỏ, sau đó lớn dần theo thời gian, bề mặt có màu trắng đục và gây ngứa nhiều. Thường xuất hiện biểu hiện lâm sàng ở vùng mặt, râu, đầu và tay chân, kèm hoại tử da và chấm xuất huyết.
Bên cạnh triệu chứng ngoài da, thể phong nhiệt còn gây sốt, ngứa, khát, cổ họng khô, rêu lưỡi hơi vàng, lưỡi đỏ sậm và mạch phù sác.
Với thể phong nhiệt, Đông y sử dụng bài Hòe hoa thang gia giảm để lương huyết và thanh nhiệt.
- Chuẩn bị: Ké đầu ngựa 20g, thạch cao, thổ phục linh, hòe hoa sống, sinh địa mỗi thứ 40g, thăng ma, tử thảo và địa phu tử mỗi thứ 12g, chích cam thảo 4g.
- Thực hiện: Sắc uống, mỗi ngày dùng 1 thang.
Ngoài ra, có thể dùng bài Tiêu phong tán gia giảm để khu phong, trừ thấp và bồi bổ khí huyết.
- Chuẩn bị: Lăng tiêu hoa và hồng hoa mỗi thứ 4.5g, đan bì, kinh giới, tri mẫu, sinh địa, phòng phong, thuyền thoái và khổ sâm mỗi thứ 6g, hoàng cầm và ngưu bàng mỗi thứ 10g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
2. Bài thuốc Đông y chữa vảy nến thể phong huyết táo
Vảy nến thể phong huyết táo là thể bệnh đã khởi phát trong nhiều năm. Tổn thương da mọc ít hơn so với thể phong nhiệt, đám tổn thương có màu hơi đỏ và ngứa ngáy nhẹ. Ngoài ra, thể bệnh này còn gây khô da mặt, lưỡi ít tân dịch, mạch tế sác và rêu lưỡi hơi vàng, khô.
Với bệnh vảy nến thể phong huyết táo, cần áp dụng cả bài thuốc uống và bài thuốc ngâm rửa để giảm nhẹ tổn thương da và điều hòa chức năng chuyển hóa của cơ thể.
- Bài thuốc uống 1: Dùng kim ngân hoa, sinh địa, huyền sâm, hà thủ ô, ké đầu ngựa và vừng đen mỗi thứ 12g. Đem rửa sạch dược liệu, sắc mỗi ngày 1 thang và chia thành 3 lần uống.
- Bài thuốc uống 2: Dùng ké đầu ngựa, sinh địa và khương hoạt mỗi thứ 16g, uy linh tiên và huyền sâm mỗi thứ 12g, thổ phục linh 40g, đương quy và hà thủ ô mỗi thứ 20g. Đem sắc mỗi ngày 1 thang, chia nước sắc thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày.
- Bài thuốc 3: Chuẩn bị bạch tiễn bì, tật lê và thảo hà xa mỗi thứ 15g, thục địa, đan bì, bắc đậu căn, quy đầu và đan sâm mỗi thứ 12g, sinh địa, xích thược và hà thủ ô mỗi thứ 10g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
- Bài thuốc ngâm rửa: Chuẩn bị khô phàn, phác tiêu, hỏa tiêu và dã cúc hoa mỗi thứ 15g. Đem rửa sạch, sau đó nấu lấy nước ngâm rửa/ tắm 1 lần/ ngày.
3. Chữa vảy nến thể phong hàn bằng thuốc Đông y
Vảy nến thể phong hàn là thể bệnh khởi phát do nhiễm lạnh và bùng phát mạnh vào mùa thu – đông. Biểu hiện lâm sàng là xuất hiện các vết chấm tròn như đồng tiền hoặc các mảng da màu hồng, bề mặt nổi nhiều mụn dễ vỡ và hay rỉ dịch. Ngoài ra, thể bệnh này còn biểu hiện qua triệu chứng lưỡi hồng nhạt, rêu lưỡi màu trắng và mạch phù khẩn.
Với thể phong hàn, cần dùng bài thuốc có tác dụng tán hàn, khu phong, điều doanh và hoạt huyết.
- Bài thuốc 1: Dùng sinh địa, quy đầu, sa sâm và bạch thược mỗi thứ 12g, quế chi và ma hoàng mỗi thứ 15. Đem các vị rửa sạch và sắc lấy nước uống.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị cam thảo đất, hy thiêm, ké đầu ngực và thổ phục linh mỗi thứ 16g, sinh địa, thạch cao và hoa hòe mỗi thứ 20g, cây cứt lợn 12g. Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang và chia thành 3 lần uống.
4. Bài thuốc Đông y chữa vảy nến thể thấp nhiệt
Vảy nến thể thấp nhiệt thường xuất hiện đốm tổn thương có vết chấm ở vùng hội âm, bầu ngực, hố mắt, khuỷu tay và vùng sinh dục. Tổn thương da có màu hồng xám và có xu hướng liên kết lại thành các mảng lớn. Da chảy dịch có màu trắng đục, hơi ngứa nhẹ, cơ thể sốt, mệt mỏi, rêu lưỡi vàng và lưỡi có màu đỏ sậm.
Đối với thể thấp nhiệt, Đông y dùng bài Tiêu ngân nhị hiệu thang gia giảm để hoạt huyết, giải độc, lợi thấp và thanh nhiệt.
- Chuẩn bị: Thổ phục linh và thảo hà sa mỗi thứ 15g, tỳ giải, bắc đậu căn và trạch tả mỗi thứ 10g, hoàng cầm, khổ sâm, phục linh, long đởm thảo và xương truật mỗi thứ 6g, đan bì 12.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
5. Thuốc Đông y điều trị vảy nến thể huyết nhiệt
Vảy nến thể huyết nhiệt là thể bệnh mới phát hoặc tái phát không lâu. Tổn thương điển hình là các vết sần có dạng đồng tiền, kích thước không đều, màu hồng tươi, bề mặt có màu trắng đục, khô, ngứa và cạo thì có hiện tượng rướm máu. Thể bệnh này thường gây tổn thương ở vùng đầu, mặt và tứ chi.
Bệnh đi kèm với một số triệu chứng toàn thân như tiểu ít, nước tiểu vàng, táo bón, miệng khô khát, tâm phiền, rêu lưỡi hơi vàng và lưỡi đỏ sẫm.
Bài thuốc Ngân hoa hổ trượng thang gia giảm thường được dùng để chữa vảy nến thể huyết nhiệt. Bài thuốc này giúp thoái ban, hoạt huyết, lương huyết và giải độc.
- Chuẩn bị: Dùng quy vĩ, sinh địa và xích thược mỗi thứ 12g, đại thanh diệp, tử thảo, bắc đậu căn và đan bì mỗi thứ 10g, hổ trượng và ngân hoa mỗi thứ 15g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
6. Chữa vảy nến thể huyết ứ bằng thuốc Đông y
Vảy nến thể huyết ứ đặc trưng bởi các vết ban có kích thước không đều, màu tím hoặc đỏ sẫm, bề mặt khô, trắng đục nhưng không bong da và hơi lõm so với các vùng da xung quanh. Tổn thương da có thể không ngứa hoặc gây ngứa ngáy nhẹ.
Thường đi kèm với các triệu chứng toàn thân như miệng khô nhưng không muốn uống nước, lưỡi đỏ tối, rêu lưỡi trắng nhạt hoặc hơi vàng. Với thể huyết ứ, sử dụng bài thuốc Hoàng kỳ đan sâm thang gia giảm để thông lạc tán kết, hóa ứ và hoạt huyết.
- Chuẩn bị: Dùng nga truật, ô xà, xích thược, tam lăng, lăng tiêu hoa và thỏ ty tử mỗi thứ 6g, thanh bì, hoàng kỳ, trần bì và hương phụ mỗi thứ 10g, tây thảo, đan sâm, hoạt huyết đằng và trạch lan mỗi thứ 15g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
7. Bài thuốc Đông y chữa trị vảy nến thể huyết hư
Thể huyết hư xảy ra do cơ thể suy yếu, có bệnh nặng lâu ngày dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng và làm phát sinh tổn thương ngoài da. Ở thể bệnh này, da thường có màu trắng bệch, tổn thương có dạng mảng hoặc phát toàn thân, màu hồng nhạt, bề mặt ẩm ướt, bong vảy và ngứa ngáy.
Tổn thương da đi kèm với triệu chứng chóng mặt, ăn uống kém, ngủ ít, rêu lưỡi ít, lưỡi màu hồng nhạt, ít tân dịch và mạch trầm tế. Với thể huyết hư, dùng bài Dưỡng huyết khứ phong thang gia giảm để hòa doanh, ích khí khứ phong và dưỡng huyết.
- Chuẩn bị: Bạch chỉ và tật lê mỗi thứ 6g, thục địa, bạch thược, quy đầu, đảng sâm, mạch môn, kê huyết đằng, huyền sâm, hoàng kỳ mỗi thứ 12g và ma nhân 10g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
8. Thuốc Đông y trị vảy nến thể nhiệt độc thương doanh
Thể bệnh này có tính chất khởi phát nhanh, đột ngột và gây tổn thương toàn thân. Da có xu hướng nổi ban đỏ, đỏ sẫm hoặc đỏ tím, sưng nóng, khi ấn vào thì nhạt màu, bề mặt bong vảy và sưng phù. Toàn thân sốt, tâm phiền, sợ lạnh, khát, tay chân mất sức, tinh thần uể oải, lưỡi màu đỏ sẫm và ít tân dịch.
Trong Tây y, thể bệnh này tương ứng với vảy nến toàn thân (vảy nến đỏ da toàn thân). Để giảm triệu chứng của thể nhiệt độ thương doanh, dùng bài Linh dương hóa ban thang gia giảm.
- Chuẩn bị: Thạch cao và sinh địa mỗi thứ 30g, xích thược, hoàng cầm, đan bì, liên kiều, huyền sâm và sa sâm mỗi thứ 10g, ngân hoa, tử thảo và bạch hoa xà mỗi thứ 15g, sinh địa và thạch cao mỗi thứ 30g, linh dương giác 3g, tri mẫu và hoàng liên mỗi thứ 6g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
9. Đông y chữa vảy nến do mạch xung nhâm không điều hòa
Vảy nến do mạch xung nhâm không điều hòa thường khởi phát vào thời kỳ mang thai, sinh nở và thời gian đang hành kinh. Ở thể bệnh này, tổn thương da xuất hiện toàn thân, có màu đỏ, khi mới phát có vết xuất huyết và sau đó chuyển thành màu trắng đục. Tổn thương da gây ngứa, miệng khô, tâm phiền, lưng đau nhức, choáng đầu và lưỡi đỏ sẫm.
Đối với vảy nến do mạch xung nhâm không điều hòa, sử dụng bài thuốc Nhị tiên thang gia giảm:
- Chuẩn bị: Sinh địa, dâm dương hoắc, thục địa, quy đầu và thỏ ty tử mỗi thứ 12g, hạn niên thảo và nữ trinh tử mỗi thứ 15g, hoàng bá và tiên mao mỗi thứ 6g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
10. Bài thuốc Đông y dùng ngoài theo từng giai đoạn bệnh
Ngoài sử dụng bài thuốc uống, bạn có thể dùng kèm bài thuốc tại chỗ để giảm ngứa và cải thiện tổn thương da.
- Bài thuốc tại chỗ dùng trong giai đoạn bệnh phát triển: Dùng nhũ cao lưu hoàng 5% thoa 2 – 3 lần/ ngày.
- Bài thuốc tại chỗ dùng trong giai đoạn ổn định: Thoa cao mềm lưu hoàng 10% hoặc cao mềm hùng hoàng 2 – 3 lần/ ngày.
- Thuốc ngâm rửa: Dùng mang tiêu 500g, cúc hoa dại 240g, xuyên tiêu và khô phàn mỗi thứ 120g. Đem các dược liệu rửa sạch, sau đó sắc lấy nước ngâm rửa hoặc tắm. Áp dụng mỗi ngày hoặc cách nhật đối với các trường hợp tổn thương da lan tỏa rộng.
11. Món ăn từ Đông y hỗ trợ điều trị vảy nến
Vảy nến chỉ gây tổn thương ngoài da nhưng cơ chế liên quan đến thể trạng, yếu tố di truyền và hệ miễn dịch. Vì vậy ngoài sử dụng bài thuốc, bạn có thể bổ sung các món ăn giàu dinh dưỡng để hỗ trợ kiểm soát tổn thương da và tiến triển của bệnh.
- Chuẩn bị: Hồng táo 10 quả, quả dâu tằm (tang thầm) 30g, gạo lức 100g và bách hợp 30g.
- Thực hiện: Cho các vị trên vào nước ninh kỹ, sau đó cho gạo lứt đã vo sạch vào và nấu thành cháo. Dùng 1 lần/ ngày liên tục trong 7 ngày. Sau đó nghỉ 1 tuần và lặp lại liệu trình đến khi bệnh thuyên giảm hẳn.
12. Kết hợp với day bấm các huyệt vị
Đông y không chỉ điều trị bệnh bằng cách sử dụng thuốc mà còn kết hợp với châm cứu hoặc bấm huyệt để đả thông kinh mạch, tán ứ và tăng lưu thông khí huyết. Nếu vảy nến tái phát nhiều và tiến triển dai dẳng, bạn nên kết hợp bài thuốc uống + dùng ngoài với day bấm các huyệt vị sau:
- Khúc trì: Huyệt nằm ở nếp gấp khuỷu tay. Để xác định huyệt, gấp cánh tay vào ngực sẽ thấy huyết nằm ở nơi bám của ngửa dài.
- Nội quan: Huyệt nằm trên cổ tay 2 thốn ở giữa khe gân cơ gan tay lớn và nhỏ.
- Túc tam lý: Huyệt nằm ở bắp chân ngoài và nằm dưới đầu gối 3 thốn.
- Thần môn: Huyệt nằm trên lằn chỉ cổ tay, vị trí lõm sát góc ngoài bờ trên xương trụ và bờ ngoài gân cơ trụ trước.
- Phi dương: Huyệt Phi dương nằm ở bắp chân, đo từ mắt cá chân lên khoảng 7 thốn.
- Tam âm giao: Huyệt nằm ở bờ trong xương chày, cách mắt cá chân 3 thốn.
Day ấn các huyệt trong liên tục 3 ngày, sau đó nghỉ 1 ngày và lặp lại liệu trình. Cần kết hợp day bấm huyệt với bài thuốc uống và dùng ngoài để đạt hiệu quả tối ưu.
Lưu ý khi chữa vảy nến bằng Đông y
Điều trị vảy nến bằng Đông y có độ an toàn cao và ít gây ra tác dụng phụ nguy hiểm. Tuy nhiên so với thuốc Tây, thuốc Đông y thường có hiệu quả chậm và chỉ đem lại cải thiện lâm sàng với các thể vảy nến nhẹ.
Để đạt hiệu quả tối ưu khi chữa vảy nến bằng Đông y, bạn nên lưu ý một số thông tin sau:
- Cần lựa chọn bài thuốc tương ứng với giai đoạn phát triển và thể bệnh. Dùng bài thuốc không phù hợp thường đem lại hiệu quả kém.
- Một số bài thuốc Đông y chưa được chứng minh về hiệu quả lâm sàng và độ an toàn. Vì vậy, bạn nên tham vấn y khoa trước khi thực hiện.
- Thuốc Đông y phụ thuộc phần lớn vào yếu tố cơ địa. Nếu không nhận thấy cải thiện, nên ngưng áp dụng và sử dụng thuốc Tây theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Trên thực tế, thầy thuốc có thể cân chỉnh liều lượng và gia giảm dược liệu tùy vào tình trạng bệnh cụ thể. Do đó bạn nên đến phòng khám Đông y để được bắt mạch và tư vấn phương hướng điều trị phù hợp.
- Vảy nến là bệnh ngoài da nhưng có cơ chế phức tạp, tiến triển dai dẳng và mãn tính. Để kiểm soát bệnh và hạn chế tối đa tình trạng tái phát, nên kết hợp phương pháp điều trị với lối sống lành mạnh.
- Người có các bệnh lý nền hoặc đang mang thai, cho con bú nên tham vấn y khoa trước khi dùng các bài thuốc uống.
- Thuốc Đông y chỉ đem lại hiệu quả đối với các thể vảy nến nhẹ. Trong trường hợp bị vảy nến toàn thân, viêm khớp vảy nến hoặc vảy nến thể mủ, bạn nên thăm khám và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Mặc dù không thể điều trị hoàn toàn nhưng phần lớn các trường hợp bị vảy nến đều tương đối lành tính. Vì vậy bạn nên giữ tâm lý lạc quan, hạn chế lo lắng và căng thẳng quá mức.
Chữa vảy nến bằng Đông y được khá nhiều người lựa chọn vì độ an toàn cao, ít phụ thuộc và phù hợp với nhiều đối tượng. Tuy nhiên để kiểm soát bệnh và hạn chế tối đa nguy cơ tái phát, nên kết hợp phương pháp điều trị với chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học và chăm sóc da đúng cách.
Tham khảo thêm: Cách chữa vảy nến bằng 10 cây thuốc nam quanh vườn
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!