Châm cứu trị thoát vị đĩa đệm và thông tin cần biết
Nội dung bài viết
Châm cứu chữa thoát vị đĩa đệm là phương pháp sử dụng kim châm tác động vào huyệt vị nhằm thúc đẩy tuần hoàn máu, giải phóng kinh lạc bị ứ trệ, thư giãn cơ và cải thiện chức năng vận động. Hiện nay ngoài kỹ thuật truyền thống, thầy thuốc cũng có thể ứng dụng các kỹ thuật châm cứu mới như điện châm và thủy châm vào quá trình điều trị.
Châm cứu có chữa được thoát vị đĩa đệm không?
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm bị thoái hóa, nứt rách bao xơ khiến nhân nhầy thoát vị ra bên ngoài. Nhân nhầy của đĩa đệm có thể chèn ép lên dây thần kinh, dây chằng, đốt sống và các cơ quan xung quanh gây ra tình trạng đau nhức, tê bì, co cứng cơ, giảm khả năng vận động,…
Theo y học cổ truyền, thoát vị đĩa đệm thuộc chứng yêu thống (đau nhức vùng lưng). Chứng bệnh này xảy ra do nhiệt, thấp, phong và hàn bên ngoài xâm nhập vào cơ thể khiến các kinh mạch bị ứ trệ mà gây ra cơn đau. Ngoài ra, chứng yêu thống cũng có thể là hệ quả do vận động, làm việc quá sức, tác động từ tuổi già khiến đốt sống, đĩa đệm không có đủ dưỡng chất để tái tạo và suy yếu dần theo thời gian.
Châm cứu là một trong những phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm theo y học cổ truyền. Phương pháp này sử dụng kim châm có hình dáng và kích thước khác nhau tác động vào các huyệt vị tương ứng nhằm giảm đau, cải thiện khả năng vận động, thư giãn cơ, tăng nuôi dưỡng đĩa đệm và giải phóng ứ trệ ở kinh lạc.
Các nghiên cứu khoa học cũng nhận thấy, tác động từ liệu pháp châm cứu kích thích cơ thể sản sinh hormone và các chất dẫn truyền thần kinh có khả năng giảm đau nhức và thư giãn cơ. Hiện nay bên cạnh kỹ thuật châm cứu truyền thống, kỹ thuật này còn được cải tiến dựa trên y học hiện đại. Các kỹ thuật châm cứu mới đem lại hiệu quả cao trong việc giảm đau, thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm trương lực cơ và tăng dinh dưỡng chuyển hóa tại cơ quan bị tổn thương.
Tuy nhiên, châm cứu chỉ có tác dụng cải thiện triệu chứng, hỗ trợ phục hồi đĩa đệm bị tổn thương và không thể điều trị bệnh lý dứt điểm. Trên thực tế, điều trị thoát vị đĩa đệm gặp khá nhiều bất lợi vì bệnh lý này chủ yếu khởi phát do ảnh hưởng của quá trình lão hóa. Chính vì vậy, thương tổn ở đĩa đệm và đốt sống hầu như không thể hồi phục hoàn toàn.
Các phương pháp châm cứu chữa thoát vị đĩa đệm
Có khá nhiều phương pháp châm cứu chữa thoát vị đĩa đệm. Để lựa chọn được phương pháp phù hợp, bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá tổn thương, triệu chứng lâm sàng và mức độ đáp ứng của từng bệnh nhân.
Dưới đây là một số phương pháp châm cứu được áp dụng trong điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm:
1. Thủy châm chữa thoát vị đĩa đệm
Thủy châm là kỹ thuật được cải tiến từ châm cứu truyền thống kết hợp với y học hiện đại. Phương pháp này sử dụng kim châm kết hợp với tiêm thuốc vào huyệt vị tương ứng với tình trạng bệnh lý để tăng hiệu quả giảm đau, thúc đẩy phục hồi dây thần kinh và các cơ quan bị đĩa đệm chèn ép.
Theo lý giải từ các chuyên gia, việc tiêm thuốc dưới da, tiêm tĩnh mạch và tiêm bắp đem lại hiệu quả cao nhưng gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe. Trong khi đó, thủy châm chỉ sử dụng một lượng thuốc nhỏ tiêm vào huyệt vị có mối liên hệ với đĩa đệm bị tổn thương nên ít phát sinh rủi ro và biến chứng. Hơn nữa, thuốc được tiêm vào huyệt có khả năng hấp thu nhanh và đem lại hiệu quả trong thời gian ngắn.
Hiện nay, thủy châm chữa thoát vị đĩa đệm thường sử dụng vitamin B6 và B12. Vitamin nhóm B có khả năng phục hồi, tái tạo thương tổn ở dây thần kinh và phòng ngừa hiện tượng thoái hóa thần kinh ở cột sống do bị đĩa đệm chèn ép lâu ngày. Trong trường hợp đau nhiều, bác sĩ có thể sử dụng các loại thuốc tiêm có khả năng gây tê và giảm thụ cảm với cơn đau như Novocain và Morphin.
2. Chữa thoát vị đĩa đệm bằng điện châm
Điện châm là một trong những kỹ thuật châm cứu thường được sử dụng để điều trị thoát vị đĩa đệm. Phương pháp này sử dụng dòng điện một chiều tác động vào huyệt vị thông qua các điện cực hoặc kim châm. Điện châm có hiệu quả hơn so với châm cứu truyền thống vì kết hợp giữa tác động của kim châm và hiệu quả điều trị của dòng điện.
Chữa thoát vị đĩa đệm bằng điện châm có tác dụng giảm đau nhức, giảm trương lực cơ, tăng dinh dưỡng chuyển hóa nhằm phục hồi đĩa đệm bị tổn thương và thúc đẩy tuần hoàn máu. Ngoài ra, phương pháp này còn đem lại một số tác dụng toàn thân như tạo cảm giác dễ dịu, an thần và khoan khoái.
3. Ôn châm điều trị thoát vị đĩa đệm
Ôn châm (ôn châm cứu) là phương pháp châm cứu truyền thống kết hợp giữa sử dụng kim châm với dược liệu ngải cứu. Ngải cứu là cây thuốc quý, được sử dụng để cứu trong “châm cứu”. Vị thuốc này có tác dụng điều kinh, an thai, trục hàn thấp, ôn khí huyết và ôn kinh chỉ huyết.
Phương pháp này được thực hiện bằng cách đưa kim vào huyệt vị với độ sâu thích hợp và gắn bìa cứng bao xung quanh huyệt nhằm hạn chế tình trạng bỏng do cứu. Sau đó, sử dụng ngải nhung được vo thành viên (lông trên lá ngải cứu phơi khô được gọi là ngải nhung) đặc lên kim châm và dùng lửa đốt cháy. Sau khi ngải nhung cháy hết, lấy kim ra khỏi huyệt vị.
Phương pháp ôn châm thường được áp dụng để điều trị chứng yêu thống do phong hàn xâm nhập. Ngoài tác dụng giảm đau và giải phóng kinh lạc ứ trệ kim châm, ôn châm cứu còn tận dụng tính ấm, tác dụng hoạt huyết và phá ứ trệ của ngải nhung để tăng hiệu quả điều trị.
Các huyệt châm cứu trị thoát vị đĩa đệm
Theo học thuyết kinh lạc, tạng, phủ và các đường kinh mạch trong cơ thể có mối liên kết chặt chẽ. Vì vậy, tác động vào huyệt vị có thể giải phóng ứ trệ ở kinh mạch, thúc đẩy hoạt động của các tạng và giảm đau nhức. Để châm cứu chữa thoát vị đĩa đệm đạt hiệu quả cao, thầy thuốc cần xác định huyệt vị có mối liên hệ với cơ quan bị tổn thương.
Các huyệt vị được ứng dụng trong châm cứu điều trị thoát vị đĩa đệm:
– Huyệt Đại trường du:
Đại trường du là huyệt thứ 25 của kinh Bàng quang, huyệt nằm ở dưới gai đốt sống lưng thứ 4 đo ngang ra 1.5 thốn. Huyệt có tác dụng hóa trệ, lý khí và điều trường vị. Đối với huyệt vị này, thầy thuốc có thể châm cứu hoặc thủy châm để giảm đau nhức và hỗ trợ hồi phục tổn thương ở dây thần kinh.
– Huyệt Giáp tích:
Huyệt Giáp tích nằm cách mỗi đầu mỏm gai đốt sống đo ra 0.5 thốn. Mỗi bên lưng có 17 huyệt xếp thành hàng thẳng theo chiều dọc của lưng. Đối với bệnh thoát vị đĩa đệm, thầy thuốc sẽ xác định vị trí của đĩa đệm bị tổn thương để tác động vào huyệt Giáp tích tương ứng. Tùy vào tình trạng sức khỏe của từng trường hợp, thầy thuốc có thể châm cứu hoặc thủy châm huyệt Giáp tích.
– Huyệt Hoàn khiêu:
Hoàn khiêu là huyệt thứ 30 của kinh Đởm. Để xác định nguyệt, nên nằm sấp và gấp chân vào mông. Huyệt Hoàn khiêu nằm ở vị trí gót chân chạm vào mông.
Đối với huyệt này, thầy thuốc sẽ tiến hành châm kết hợp với cứu nhằm tiêu khí trệ và thông kinh lạc. Ngoài tác dụng giảm đau do thoát vị đĩa đệm, tác động vào huyệt vị này còn giúp trị đau thần kinh, viêm khớp háng và chi dưới yếu liệt.
– Huyệt Ủy trung:
Huyệt Ủy trung nằm ngay chính giữa nếp lằn ở khớp gối. Huyệt vị này có tác dụng thông lạc, khu phong thấp, thư cân, thanh huyết và tiết nhiệt. Châm cứu huyệt Ủy trung giúp giảm đau do thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh kinh tọa và viêm khớp gối.
– Huyệt Dương lăng tuyền:
Dương lăng tuyền là huyệt thứ 34 của kinh Đởm. Huyệt nằm dưới đầu nhỏ của xương mác ngay chỗ lõm phía trước. Huyệt có tác dụng khu phong tà, thanh thấp nhiệt và thư cân mạch. Châm cứu huyệt vị này có tác dụng giảm đau nhức, tê bì và phục hồi tổn thương dây thần kinh do thoát vị đĩa đệm kéo dài.
– A thị huyệt:
A thị huyệt (Bất định huyệt) là huyệt vị không cố định. Huyệt vị này được xác định bằng cách ấn vào chỗ đau, chỗ đau nhất được xác định là A thị huyệt. Châm cứu vào huyệt vị này có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu và giảm đau nhức hiệu quả.
Ngoài ra, thầy thuốc có thể gia thêm các huyệt vị tùy theo chứng bệnh của từng người. Khi châm cứu chữa thoát vị đĩa đệm, nên thực hiện theo liệu trình được chỉ định để đạt kết quả tốt nhất.
Một số lưu ý khi điều trị thoát vị đĩa đệm bằng châm cứu
Châm cứu trị thoát vị đĩa đệm là một trong những phương pháp điều trị phổ biến. Nếu chỉ định đúng, phương pháp này có thể giảm cơn đau nhanh chóng, hỗ trợ phục hồi đĩa đệm bị tổn thương và cải thiện chức năng vận động rõ rệt.
Mặc dù không xảy ra hiện tượng phụ thuộc và không gây hại lên gan thận như sử dụng thuốc nhưng phương pháp này vẫn có khả năng phát sinh rủi ro và tác dụng phụ. Vì vậy trước khi áp dụng châm cứu, bệnh nhân nên chú ý một số vấn đề sau:
- Thoát vị đĩa đệm là bệnh xương khớp mãn tính nên rất khó điều trị hoàn toàn. Hiện tại các phương pháp được áp dụng chỉ có tác dụng cải thiện cơn đau và làm chậm tiến triển của bệnh. Vì vậy, cần tránh tình trạng phụ thuộc quá mức vào phương pháp châm cứu.
- Nên châm cứu theo liệu trình được chỉ định để đạt hiệu quả cao.
- Để đảm bảo hiệu quả điều trị và dự phòng rủi ro, cần lựa chọn cơ sở y tế đáng tin cậy, thầy thuốc có chuyên môn cao và dụng cụ được vô trùng hoàn toàn.
- Châm cứu có thể gây ra một số rủi ro như nhiễm trùng, vựng châm, sưng đau ở vị trí châm, bỏng rát da,… Khi gặp phải các tác dụng phụ, nên thông báo với thầy thuốc để được thăm khám và xử lý kịp thời.
- Phụ nữ mang thai, cho con bú, người bị động kinh, rối loạn đông máu hoặc có các vấn đề sức khỏe đặc biệt nên thông báo tình trạng bệnh lý với thầy thuốc. Trong trường hợp này, thầy thuốc sẽ cân nhắc giữa rủi ro và nguy cơ trước khi chỉ định điều trị thoát vị đĩa đệm bằng châm cứu.
- Không nên để bụng quá đói hoặc quá no khi châm cứu. Đồng thời nên giữ tâm lý thoải mái, tránh lo âu và căng thẳng quá mức.
- Trước khi châm cứu nên kiêng cử rượu bia, thuốc lá, chất kích thích và nên nghỉ ngơi 1 ngày trước khi châm. Người có thể lực suy kiệt dễ gặp phải tình trạng vựng châm khi thực hiện phương pháp này.
- Tuyệt đối không tự ý thực hiện các kỹ thuật châm cứu tại nhà. Phương pháp này phải được thực hiện bởi thầy thuốc và kỹ thuật viên được đào tạo bài bản. Tự ý châm cứu có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, biến chứng và di chứng nặng nề.
- Châm cứu chỉ có tác dụng giảm đau nhức và hỗ trợ phục hồi chức năng vận động. Vì vậy, bệnh nhân nên phối hợp với lối sống khoa học và tập thể dục nhẹ nhàng để đạt được hiệu quả tối ưu.
Châm cứu trị thoát vị đĩa đệm là phương pháp điều trị khá phổ biến. Phương pháp này có thể giảm đau nhức, phục hồi dây thần kinh bị tổn thương, thúc đẩy tuần hoàn máu và cải thiện chức năng vận động. Tuy nhiên để kiểm soát triệu chứng hoàn toàn, nên phối hợp với các biện pháp y tế khác và xây dựng lối sống khoa học.
Tham khảo thêm: Chữa thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp bấm huyệt, xoa bóp
GỢI Ý XEM THÊM
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!