Cạo Vôi Răng Là Gì? Có Đau Không? Lấy Nhiều Tốt Không?

Cạo vôi răng là thủ thuật nha khoa phổ biến giúp loại bỏ các mảng bám, cặn bẩn cứng đầu trên răng. Kỹ thuật này không những giúp bảo vệ men răng, ngăn ngừa phát sinh viêm nhiễm gây bệnh mà còn trả lại màu sắc răng tự nhiên trắng sáng. Vậy khi nào cần cạo vôi răng? Tần suất bao nhiêu lần? Quy trình thực hiện và chi phí như thế nào? Tham khảo bài viết dưới đây để có câu trả lời chính xác. 

Cạo vôi răng
Cạo vôi răng là kỹ thuật nha khoa hiện đại được đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe răng miệng

Cạo vôi răng là gì? Các loại vôi răng phổ biến

Cạo vôi răng là phương pháp nha khoa vừa có khả năng điều trị vừa có tính thẩm mỹ làm đẹp cho răng miệng. Kỹ thuật này khá đơn giản và được nhiều người áp dụng. Đúng như tên gọi, cạo vôi răng được hiểu là các thao tác loại bỏ cao vôi tích tụ lâu trên răng và không thể lấy ra được nếu chỉ dùng tay hoặc chải răng thông thường.

Trong đó, cao hoặc vôi răng là các mảng bám, cặn bẩn tích tụ trên bề mặt răng. Tuy nhiên, sau một thời gian nếu không được vệ sinh kỹ lưỡng 2 lần/ ngày, vi khuẩn trong khoang miệng cùng muối calcium trong nước bọt tích tụ ngày càng dày hơn và khiến các bảng bám ngày càng cứng hơn, bám chặt trên răng và trở thành cao vôi răng.

Có 2 loại cao vôi răng chính gồm:

  • Cao răng nước bọt: Chúng thường có màu nâu vàng, vàng nhạt hoặc nâu đỏ bám tại các kẽ hở răng, trên nướu hoặc trên bề mặt răng. Nguyên nhân hình thành mảng bám là do trong nước bọt có chứa muối calci dễ lắng đọng trên răng. Loại cao răng này có màu sắc dễ nhìn thấy thông qua mắt thường.
  • Cao răng huyết thanh: Loại cao răng này thường có màu đen, rất cứng và bám chắc trên bề mặt răng, các kẽ và dưới nướu. Chúng được hình thành thông qua tình trạng viêm nhiễm hoặc chảy máu nướu răng. Lượng huyết thanh có trong máu sẽ đọng lại các cao răng nước bọt khiến lớp cao răng ngày càng dày lên.
Cạo vôi răng
Vôi răng là các mảng bám sẫm màu tích tụ trên răng do thức ăn thừa kết hợp với vi khuẩn tạo nên

Dựa vào phân loại này mà nha sĩ sẽ phân chia làm 3 cấp độ vôi răng chính gồm:

  • Cấp độ 1: Với đặc điểm cao răng có độ dày dưới 1mm, màu vàng nhạt hoặc trắng đục nhẹ. Ở giai đoạn này cao răng vừa hình thành và chưa gây hại.
  • Cấp độ 2: Độ dày cao răng tăng lên ở mức 1 – 2mm, chuyển màu vàng sẫm. Với lượng cao răng này có thể gây ra viêm nhẹ, chảy máu chân răng và hôi miệng.
  • Cấp độ 3: Độ dày cao răng hơn 2mm, chuyển màu nâu xám hoặc đen. Đây là cấp độ cao nhất, có nguy cơ cao gây viêm nhiễm, sưng nướu, chảy máu, làm tiền đề phát sinh các bệnh lý răng miệng hoặc các bệnh về họng.

Vì sao nên cạo vôi răng?

Như đã nói, cao vôi trên răng thực chất chính là các mảng bám thức ăn và vi khuẩn tích tụ tạo thành. Sự tồn tại của chúng theo thời gian sẽ gây ra hàng loạt các vấn đề về sức khỏe răng miệng, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện. Dưới đây là những tác hại cũng như lợi ích của việc này và lý giải nguyên nhân tại sao nên định kỳ đi lấy cao răng tại nha khoa.

Tác hại của cao răng, vôi răng

  • Màu sắc cao răng thường sẫm hơn so với răng thật, trường hợp có viêm nhiễm khiến nướu chuyển màu tái đỏ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thẩm mỹ răng miệng và sự tự tin khi cười, giao tiếp.
  • Các mảng bám dày trên răng gây ra cảm giác vướng víu khó chịu, nhất là khi đưa lưỡi đi qua các chân răng, bạn sẽ có cảm giác như có vật gì đang mắc kẹt tại đây. Tình trạng này thường xảy ra với những người sau 1 năm không cạo vôi răng.
  • Vi khuẩn tích tụ trên các mảng bám phân hủy các mảng bám thức ăn còn sót lại trong khoang miệng gây mùi khó chịu trong khoang miệng.
  • Số lượng lớn vi khuẩn trên bề mặt cao răng lên men đường trong thức ăn, hình thành axit làm mòn men răng, ngà răng gây sâu răng, viêm tủy, tiêu xương răng…
  • Nếu tình trạng tiêu xương răng càng nhiều thì chiều dài chân răng trong xương càng ngắn, khiến răng dễ bị lung lay theo thời gian và đẩy nhanh tốc độ quá trình tiêu xương sinh lý.
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh về nướu như viêm nướu răng, viêm nha chu do độc tố trong vi khuẩn tồn tại ở các mảng bám cao răng làm tàn phá các tổ chức quanh răng. Nặng hơn có thể gây viêm kẽ chân răng, viêm tủy ngược dòng, tụt lợi, lung lay răng, lở miệng, viêm niêm mạc miệng, gây các bệnh toàn thân như tiểu đường, hô hấp, tim mạch…

Lợi ích của việc cạo vôi răng định kỳ

Định kỳ lấy cao răng tại nha khoa đem lại những lợi ích tuyệt vời như:

Cạo vôi răng
Cạo vôi răng giúp bạn lấy lại màu sắc răng tự nhiên, chấm dứt hôi miệng với nụ cười tự tin
  • Bảo vệ răng, chân răng, nướu răng, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý răng miệng;
  • Cải thiện chức năng ăn nhai;
  • Tăng tính thẩm mỹ cho hàm răng, lấy lại sự tự tin khi giao tiếp;
  • Chấm dứt mùi hôi miệng, duy trì hơi thở thơm mát;
  • Hạn chế phát sinh viêm nhiễm lây lan sang các cơ quan khác như viêm họng, viêm amidan…;

Quy trình cạo vôi răng chuẩn nha khoa

Quy trình cạo vôi răng tại nha khoa được thực hiện với các bước cơ bản sau:

Bước 1: Thăm khám và tư vấn

Thăm khám tổng quát tình trạng răng miệng, xác định cấp độ bám của vôi răng nhiều hay ít. Song song đó kết hợp kiểm tra phát hiện các bệnh lý răng miệng nếu có. Đồng thời, ở bước này nha sĩ sẽ tư vấn kỹ thuật cạo vôi răng và kết hợp phương pháp điều trị xử lý các vấn đề răng miệng.

Bước 2: Tiến hành cạo vôi răng

Sau khi thăm khám, bạn sẽ được vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng để loại bỏ vi khuẩn và mảng bám thức ăn mới trong khoang miệng nhằm hạn chế tối đa vi khuẩn phát triển. Tiếp theo là các bước cạo vôi răng chuyên sâu:

  • Đầu tiên, bác sĩ sẽ cạo phần cao vôi nằm trên thân răng trước. Các mảng vôi răng tại vị trí khá mềm và dễ nhìn thấy nên quá trình thực hiện khá đơn giản, nhanh chóng.
  • Sau đó chuyển sang cạo vôi tại các kẽ răng, kỹ thuật này đòi hỏi người thực hiện phải có tay nghề vững, đảm bảo loại bỏ sạch vôi răng nhưng không làm ảnh hưởng đến nướu.
Cạo vôi răng
Cạo vôi răng bằng công nghệ siêu âm mới hiện đại loại bỏ sạch mảng bám và hạn chế đau nhức

Hiện nay, cạo vôi răng bằng sóng siêu âm đang là giải pháp được áp dụng phổ biến nhất. Kỹ thuật này sử dụng sóng siêu âm từ thiết bị thiện đại giúp phá vỡ các liên kết cao vôi răng khỏi bề mặt mà không gây ê buốt, đau nhức hay làm hại men răng. Kỹ thuật này được đánh giá cao hơn hẳn so với phương pháp cạo vôi răng truyền thống, sử dụng dụng cụ cầm tay để cạo, tách cao răng.

Bước 3: Đánh bóng bề mặt răng

Sau khi cạo sạch cao vôi răng, tiếp theo là bước đánh bóng răng. Nha sĩ dùng dụng cụ chổi đánh bóng chuyên dụng và thuốc bóng để làm sạch răng, loại bỏ hết các vụn cao răng li ti nhằm giúp bề mặt răng trở nên trắng sáng, nhẵn mịn. Bước này còn nhằm mục đích hạn chế sự tích tụ trở lại của các mảng bám trên răng, hạn chế viêm nhiễm.

Tuy nhiên, riêng với những trường hợp khách hàng có dấu hiệu của viêm nướu răng trước khi thực hiện bước này cần điều trị xử lý dứt điểm viêm nhiễm.

Bước 4: Kết thúc quy trình và hướng dẫn cách chăm sóc

Khi đã hoàn tất các bước trên, nha sĩ sẽ yêu cầu khách hàng súc miệng lại bằng nước sạch để loại bỏ các mảng cao vôi sót lại trong khoang miệng. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể về cách chăm sóc, vệ sinh, ăn uống sao cho phù hợp để hạn chế tình trạng tái tích tụ mảng bám cao vôi.

Thời điểm thích hợp để cạo vôi răng? Lấy nhiều có tốt không?

Cạo vôi răng là việc làm cần thiết trong việc duy trì sức khỏe răng miệng. Các chuyên gia khuyến cáo bạn nên đến nha khoa để cạo vôi răng với tần suất 3 – 6 tháng/ lần. Cụ thể:

  • Những người có sức khỏe răng miệng tốt, men răng sáng bóng, vệ sinh kỹ lưỡng, ít cao răng nên cạo vôi răng ít nhất 6 tháng/ lần.
  • Những người có men răng kém, sần sùi, vệ sinh răng miệng kém khiến mảng bám thức ăn tích tụ nhiều, người thường xuyên uống trà, cà phê, hút thuốc lá… nên định kỳ lấy cao răng 3 – 4 tháng/ lần.
  • Đối với trẻ dưới 10 tuổi có nhu cầu thực hiện cạo vôi răng nên tham khảo ý kiến của chuyên gia, thăm khám kỹ lưỡng và có biện pháp lấy cao răng nhẹ nhàng.

Chống chỉ định thực hiện cạo vôi răng cho người đang bị sâu răng, phụ nữ mang thai hoặc trẻ em dưới 6 tuổi để tránh phát sinh các tổn thương đến các mô răng, nướu.

Cạo vôi răng
Tần suất cạo vôi răng phù hợp nhất là từ 3 – 6 tháng/ lần

Mặc dù cao răng gây những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng, tuy nhiên không phải lấy cao răng nhiều và liên tục là tốt. Tốt nhất bạn chỉ nên được cạo vôi răng theo đúng thời gian khuyến cáo như trên hoặc thực hiện khi có chỉ định của nha sĩ (thường áp dụng trong các kỹ thuật điều trị nha khoa).

Việc lấy cao răng quá thường xuyên, khoảng cách giữa các lần cạo vôi răng ngắn khiến răng bị tác động quá mức, sự kích thích liên tục khiến răng ngày càng yếu đi và trở nên nhạy cảm, gây ảnh hưởng đến ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, nhất là khi tiếp xúc với nhiệt độ nóng, lạnh. Đặc biệt kéo theo nhiều biến chứng rủi ro nguy hiểm đến sức khỏe răng miệng.

Một số thắc mắc liên quan đến kỹ thuật cạo vôi răng

Dưới đây là một số câu hỏi thắc mắc về phương pháp cạo vôi răng được nhiều người thắc mắc:

1. Chi phí cạo vôi răng có đắt không?

Hiện nay, mức giá cạo vôi răng dao động từ 100.000 – 500.000đ/ lần tùy theo từng cấp độ bám của vôi răng. Do đó, nếu định kỳ thực hiện cạo vôi răng, lượng cao răng ít và bạn cũng không mắc phải bất kỳ bệnh lý răng miệng nào thì chi phí thực hiện sẽ không quá cao.

Bên cạnh đó, mức giá cạo vôi răng ở từng cơ sở nha khoa cũng có sự chênh lệch khác nhau, phụ thuộc vào sự đầu tư về trang thiết bị máy móc, cơ sở vật chất khang trang, chất lượng dịch vụ – phục vụ, đội ngũ bác sĩ thực hiện…

Ngoài ra, nếu đối tượng thực hiện là trẻ em sẽ có mức giá thấp hơn so với người trưởng thành:

  • Cạo vôi răng cho trẻ em: ~ 80.000 – 100.000đ/ 2 hàm;
  • Cạo vôi răng cho người lớn: ~ 400.000 – 500.000đ/ 2 hàm;

2. Cạo vôi răng có đau không?

Cạo vôi răng là kỹ thuật khá đơn giản, nếu quá trình thực hiện đúng kỹ thuật, nhẹ nhàng sẽ không làm ảnh hưởng đến các mô mềm xung quanh cũng như không gây đau nhức. Để tránh đau nhức đòi hỏi bác sĩ phải đảm bảo thực hiện nhẹ nhàng, dứt khoát trong từng thao tác.

Cạo vôi răng
Cạo vôi răng thường không gây đau nhức hoặc nếu có cũng chỉ ê buốt nhẹ

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp cạo vôi răng gây đau nhức là điều tất yếu do các nguyên nhân sau:

  • Tình trạng sức khỏe răng miệng yếu kém, men răng yếu, mắc các bệnh lý nha khoa như viêm nướu, viêm nha chu…;
  • Cấp độ bám của cao răng nhiều hay ít. Nếu lượng cao răng ít, nằm trên thân răng thường sẽ không gây đau nhức. Ngược lại, vôi răng bám dày tại viền nướu thì khi cạo ra có thể gây ê buốt, đau nhức, thậm chí chảy máu chân răng. Những trường hợp như vậy, nha sĩ sẽ chia làm 2 lần thực hiện để giảm thiểu tổn thương.

3. Tác hại khi cạo vôi răng sai kỹ thuật

Cạo vôi răng là kỹ thuật nha khoa cơ bản mà bất kỳ nha sĩ nào cũng đều có thể thực hiện được. Tuy nhiên, với những người còn non kinh nghiệm, tay nghề chuyên môn chưa cao vẫn có thể làm phát sinh một số rủi ro như:

  • Làm mòn men răng: Những lớp cao răng thường bám cứng, sát vào bề mặt men răng. Nếu nha sĩ không kiểm soát được thiết bị, đi máy ẩu, quá sát lớp men để làm nhanh hoặc điều chỉnh tần số rung quá cao có thể tác động mạnh đến men răng.
  • Tổn thương các mô mềm: Thông thường, các mảng bám cao răng tập trung nhiều ở chân răng sát viền nướu. Việc đi máy cạo vôi không cẩn thận có thể làm kích ứng nướu, gây tổn thương, thậm chí chảy máu sau khi cạo. Trường hợp này cũng có thể xảy ra do nguyên nhân mảng bám cao răng quá dày vào nướu, khi loại bỏ cũng sẽ làm tổn thương các mô mềm.
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng: Quy trình thực hiện cạo vôi răng không đảm bảo yếu tố vô trùng, chẳng hạn như phòng ốc, thiết bị không được sát trùng, không làm sạch khoang miệng trước khi cạo vôi…

4. Cạo vôi răng có làm trắng răng và hết hôi miệng không?

Bản chất cạo vôi răng là kỹ thuật sử dụng các dụng cụ, thiết bị nha hoa để làm sạch cao răng bám trên bề mặt thân, chân răng. Đồng thời, sau bước cạo vôi còn có bước đánh bóng giúp răng trắng sáng, sạch sẽ và khỏe mạnh hơn.

Tuy nhiên, cạo vôi răng không được xem là một cách tẩy trắng răng, thay vào đó chỉ có tác dụng làm sạch những mảng bám mà bàn chải không loại bỏ hết, hạn chế nguy cơ tạo thành bệnh lý và giúp răng sạch sẽ hơn. Nếu muốn tẩy trắng răng, bạn nên thực hiện bằng các phương pháp tẩy trắng hiện đại là tốt nhất.

Bên cạnh đó, cạo vôi răng có giảm hôi miệng không cũng là thắc mắc nhiều người quan tâm. Trên thực tế, các mảng bám cao răng là một trong những nguyên nhân gây hôi miệng, nên khi được loại bỏ hết sẽ giúp khử đi mùi hôi miệng khó chịu. Tuy nhiên, cách này chỉ mang tính tạm thời, quá trình ăn uống hàng ngày khiến vôi răng tích tụ sẽ tiếp tục gây ra hôi miệng. Do đó, bạn cần tìm đến những cách dứt điểm hôi miệng hiệu quả hơn.

5. Cạo vôi răng xong có ăn được không?

Khác với những kỹ thuật nha khoa khác, cạo vôi răng không làm ảnh hưởng đến men răng hay cấu trúc trong răng. Do đó, sau khi thực hiện xong bạn hoàn toàn có thể ăn uống trở lại bình thường. Tuy nhiên, nên ưu tiên ăn những món mềm, lỏng, ít nhai, dễ tiêu hóa. Vì răng sau khi cạo vôi sẽ hơi nhạy cảm, tốt nhất vẫn nên giảm thiểu tối đa các tác động kích thích.

Các lưu ý về cách chăm sóc sau khi cạo vôi răng

Sau khi lấy vôi răng sạch sẽ, bạn không nên chủ quan trong việc chăm sóc răng miệng, thay vào đó càng phải cố gắng duy trì các thói quen vệ sinh, ăn uống một cách khoa học. Cụ thể các vấn đề cần lưu ý như sau:

Cạo vôi răng
Duy trì thói quen chải răng, dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng mỗi ngày để hạn chế tích tụ cao răng
  • Đánh răng ít nhất 2 – 3 lần/ ngày loại bỏ vi khuẩn, mảng bám thức ăn tích tụ trên răng, nướu…;
  • Chỉ chải răng thôi vẫn chưa đủ hiệu quả làm sạch, bạn nên kết hợp với sử dụng chỉ nha khoa và nước súc miệng. Cách này vừa làm sạch tốt vừa giúp loại bỏ mảng bám ngay khi chúng vừa hình thành;
  • Tránh sử dụng các loại đồ ăn, thức uống sẫm màu như trà, cà phê, socola, các loại nước sốt, gia vị, thức ăn quá nóng, quá lạnh, bánh kẹo, đồ cứng, dai quá mức…Thay vào đó, nên bổ sung các loại nhóm thực phẩm giàu vitamin khoáng chất từ rau xanh, củ quả, trái cây, các loại hạt, đậu, sữa… có tác dụng ngăn ngừa tích tụ mảng bám;
  • Thăm khám nha khoa định kỳ từ 2 – 3 lần/ năm để theo dõi kỹ lưỡng tình trạng sức khỏe răng miệng và lấy cao răng đúng thời điểm;

Sự ra đời của kỹ thuật kạo vôi răng bằng thiết bị công nghệ hiện đại là bước phát triển mới trong nha khoa. Hiện nay, dịch vụ này rất phổ biến và có mặt ở hầu hết các bệnh viện, cơ sở, trung tâm nha khoa lớn nhỏ. Nên ưu tiên chọn lựa những nơi uy tín, cung cấp dịch vụ chất lượng, giá cả hợp lý để đạt hiệu quả tốt nhất.

Có thể bạn quan tâm

5/5 - (1 bình chọn)