Các Loại Thuốc Trị Gai Cột Sống Tốt Nhất Hiện Nay 2021

Thuốc giảm đau thông thường, thuốc chống viêm không steroid, corticoid, thuốc giãn cơ, vitamin nhóm B… là các loại thuốc điều trị gai cột sống được sử dụng phổ biến. Mục đích chính của việc dùng thuốc là giảm đau nhức, tê bì, nóng ran, rối loạn cảm giác và cải thiện một số triệu chứng do chèn ép thần kinh khác.

thuốc trị gai cột sống
Các loại thuốc trị gai cột sống được sử dụng để giảm đau và cải thiện các triệu chứng đi kèm

Khi nào cần dùng thuốc trị gai cột sống?

Gai cột sống là bệnh xương khớp thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh xảy ra khi mỏm gai xương phát triển bất thường ở dây chằng, đĩa sụn hoặc thân đốt sống. Theo các chuyên gia Cơ xương khớp, gai cột sống là hệ quả do xương tự tu bổ sau khi chấn thương mạnh hoặc có thể là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi dây chằng, đĩa đệm và đốt sống bị thoái hóa.

Khi mới hình thành, gai cột sống hiếm khi gây ra triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên theo thời gian, gai xương ma sát và chèn ép với các cơ quan xung quanh gây đau nhức, tê cổ, cứng cổ, thắt lưng, giảm khả năng và phạm vi vận động.

Hiện nay không có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với các bệnh xương khớp mãn tính nói chung và gai cột sống nói riêng. Mục đích chính của quá trình điều trị là giảm triệu chứng lâm sàng, bảo tồn cấu trúc cột sống, phục hồi khả năng vận động và làm chậm tiến triển của bệnh.

Ngược xuôi tìm cách chữa mà bệnh chỉ thấy tình trạng viêm đau, thoái hóa khớp của vợ nặng thêm. Thế nhưng may mắn đã ghé thăm khi vợ chồng tôi được giới thiệu đến nhà thuốc Đỗ Minh Đường.

Có nhiều phương pháp điều trị bệnh gai cột sống, trong đó sử dụng thuốc là một trong những phương pháp phổ biến nhất. Phương pháp này được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Gai cột sống gây đau, tê bì, cứng cổ, thắt lưng,… và các triệu chứng do chèn ép dây thần kinh có mức độ nhẹ
  • Gai cột sống có triệu chứng cơ năng nhưng kích thước gai nhỏ, mức độ chèn ép các cơ quan xung quanh thấp và khả năng vận động không bị ảnh hưởng quá nhiều

Những trường hợp gai cột sống không gây đau thường không cần điều trị. Ngược lại nếu gai cột sống gây hẹp cột sống và gây ra các triệu chứng chèn ép dây thần kinh nghiêm trọng, bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật cắt bỏ gai xương.

Các loại thuốc trị gai cột sống phổ biến nhất hiện nay

Hầu hết các loại thuốc điều trị gai cột sống được sử dụng nhằm giảm các triệu chứng cơ năng do gai xương chèn ép lên các cơ quan xung quanh. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại thuốc hỗ trợ nhằm phục hồi và tái tạo thương tổn ở dây thần kinh.

1. Thuốc giảm đau Paracetamol

Paracetamol là loại thuốc giảm đau an toàn và được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Loại thuốc này được chỉ định ưu tiên trong điều trị gai cột sống và các bệnh lý xương khớp vì khá an toàn ở liều điều trị và không gây tác dụng phụ nguy hiểm đối với người cao tuổi.

Paracetamol có tác dụng hạ sốt (không hạ nhiệt độ ở người có thân nhiệt bình thường) và giảm cơn đau có mức độ nhẹ đến trung bình. Thuốc hoạt động bằng cách ức chế enzyme cyclooxygenase nhằm hạn chế khả năng sinh tổng hợp prostaglandin – chất trung gian gây viêm ở hệ thần kinh trung ương.

thuốc điều trị gai cột sống
Paracetamol là một trong những thuốc giảm đau được sử dụng trong điều trị gai cột sống

Chống chỉ định:

  • Trường hợp có vấn đề về phổi, thận, gan và tim nên tham vấn y khoa trước khi sử dụng
  • Tiền sử nghiện rượu
  • Thiếu máu nhiều lần
  • Quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc
  • Thiếu hụt men G6PD

Trong thời gian dùng thuốc, nên tránh sử dụng đồng thời với rượu bia và các đồ uống chứa cồn khác. Mặc dù được đánh giá có mức độ an toàn nhưng loại thuốc này vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ như nổi mề đay, buồn nôn, nôn mửa, ban đỏ,…

2. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là một trong những loại thuốc được sử dụng phổ biến trong quá trình điều trị gai cột sống. Khác với Paracetamol, NSAID vừa có tác dụng giảm đau vừa có hiệu quả chống viêm. Vì vậy nhóm thuốc này thường được sử dụng khi Paracetamol không đem lại cải thiện lâm sàng.

NSAID hoạt động bằng cách ức chế enzyme cyclooxygenase 1 và 2 nhằm làm giảm khả năng sinh tổng hợp chất trung gian gây viêm – prostaglandin. Đồng thời, thuốc còn ức chế tổng hợp PGF2 nhằm ức chế khả năng thụ cảm histamine, serotonin và một số chất dẫn truyền thần kinh khác.

Tuy nhiên do ức chế tổng hợp prostaglandin toàn thân nên nhóm thuốc này có thể gây viêm loét dạ dày – tá tràng, xuất huyết tiêu hóa và làm tăng nguy cơ đột quỵ. Chính vì vậy, hiện nay NSAID chỉ được sử dụng trong điều trị ngắn hạn và cần ngưng thuốc ngay khi triệu chứng thuyên giảm.

thuốc trị gai cột sống
NSAID thường được sử dụng khi Paracetamol không đem lại hiệu quả

Chống chỉ định:

  • Rối loạn đông máu
  • Viêm loét dạ dày tiến triển
  • Suy gan, suy thận nặng
  • Tiền sử xuất huyết tiêu hóa
  • Phụ nữ đang mang thai
  • Người nuôi con bằng sữa mẹ (chống chỉ định tương đối)
  • Quá mẫn với bất cứ thành phần trong thuốc
  • Đã xác định có tiền sử phù mạch, bùng phát cơn hen cấp và nổi mề đay mẩn ngứa khi dùng NSAID

Đối với những trường hợp có vấn đê về dạ dày, nên thông báo với bác sĩ để được chỉ định thuốc ức chế chọn lọc COX-2. Đây là nhóm nhỏ của thuốc chống viêm không steroid hoạt động bằng cách ức chế prostaglandin ở vị trí đau nên không gây tổn thương và kích ứng niêm mạc tiêu hóa. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có thể gây ra phản ứng bất lợi đối với người có vấn đề về tim mạch.

NSAID thường dùng bao gồm Ibuprofen, Diclofenac, Naproxen, Ketoprofen,… Các loại thuốc ức chế chọn lọc COX 2 phổ biến gồm có Rofecoxib, Celecoxib, Valdecoxib, Piroxicam, Meloxicam.

3. Thuốc chống viêm steroid (corticosteroid)

Thuốc chống viêm steroid (còn gọi là corticosteroid/ corticoid) được sử dụng trong trường hợp không có đáp ứng với các loại thuốc giảm đau thông thường. Hiện nay, corticoid được dùng phổ biến trong điều trị gai cột sống là Methylprednisolon.

Methylprednisolon và các dẫn xuất của corticoid có tác dụng kháng dị ứng, chống viêm dựa trên cơ chế ức chế miễn dịch. Thuốc có khả năng giảm viêm do gai xương chèn ép lên dây chằng, dây thần kinh và mô mềm bao xung quanh. Tuy nhiên, do có nguy cơ cao nên nhóm thuốc này chỉ được sử dụng trong trường hợp cần thiết.

Chống chỉ định:

  • Quá mẫn với thành phần trong thuốc
  • Đang sử dụng vaccine chứa virus sống
  • Đang bị nhiễm trùng
  • Tổn thương da do lao, nấm hoặc virus

Corticoid gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm khi sử dụng. Do đó, nên thông báo với bác sĩ nếu mắc các bệnh lý như suy tim, cao huyết áp, tiểu đường, viêm loét dạ dày – tá tràng, rối loạn tâm thần, loãng xương,…

4. Vitamin nhóm B (B1, B6 và B12)

Vitamin nhóm B thường được sử dụng để điều trị các bệnh xương khớp có chèn ép dây thần kinh như gai cột sống, thoát vị đĩa đệm, đau vai gáy, đau dây thần kinh tọa,… Nhóm vitamin này có khả năng phục hồi dây thần kinh bị tổn thương, tăng tuần hoàn máu và hỗ trợ giảm co cứng cơ.

thuốc trị gai cột sống
Vitamin B được sử dụng để phục hồi tổn thương dây thần kinh do gai cột sống gây ra

Mặc dù không có tác dụng giảm đau nhưng vitamin nhóm B có thể cải thiện mức độ của các triệu chứng chèn ép dây thần kinh đáng kể. Đối với bệnh gai cột sống, bác sĩ thường chỉ định vitamin B1, B6 và B12 ở liều cao.

Vitamin nhóm B là nhóm thuốc bổ sung. Tuy nhiên, lạm dụng hoặc sử dụng thuốc không đúng cách có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn. Vì vậy cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ khi sử dụng loại thuốc này.

5. Thuốc giãn cơ trị đau nhức do gai cột sống

Thuốc giãn cơ được sử dụng để giảm đau nhức và tê cứng cột sống do gai xương chèn ép. Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách ức chế quá trình dẫn truyền trong dây thần kinh nguyên phát và noron vận động. Đồng thời ức chế phản ứng đơn, đa synap, ức chế tái hấp thu Ca 2+ vào synap nhằm tăng tuần hoàn ngoại biên và giảm co cứng cơ.

Cơ co cứng quá mức là yếu tố trực tiếp gây đau nhức, tê bì, cứng thắt lưng và ê mỏi. Thuốc giãn cơ có khả năng giảm đau bằng cách tăng tuần hoàn máu và thư giãn cơ bị co cứng hoặc co thắt quá mức.

Chống chỉ định:

  • Trẻ em
  • Người bị nhược cơ
  • Quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc
  • Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu và người đang cho con bú (chống chỉ định tương đối)

Hiện nay, thuốc giãn cơ thường được sử dụng để điều trị đau vai gáy là Eperisone và Tolperisone. Trong thời gian sử dụng, thuốc có thể gây đau đầu, chóng mặt, đau dạ dày, buồn ngủ, chán ăn, phát ban, buồn nôn,…

6. Thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm

Ngoài các loại thuốc làm giảm triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định kèm theo một số loại thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm. Nhóm thuốc này có khả năng cải thiện độ dẻo dai của mô sụn, đĩa đệm, tiêu trừ các enzyme gây hư hại xương khớp, làm chậm quá trình lão hóa và duy trì chức năng vận động.

Bên cạnh đó, sử dụng thuốc chống thoái hóa trong thời gian dài còn hỗ trợ phòng ngừa các bệnh xương khớp mãn tính như loãng xương, thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống,…

thuốc trị gai cột sống
Thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm thường chứa Glucosamine, Chondroitin, MSM,…

Các loại thuốc chống thoái hóa được sử dụng trong quá trình điều trị gai cột sống thường chứa các thành phần sau:

  • Chondroitin
  • Glucosamine
  • MSM (Methylsulfonylmethane)
  • Khoáng chất (canxi, magie, kẽm,…)
  • Vitamin (vitamin nhóm B, D và K)
  • Một số dược liệu tự nhiên

Các hoạt chất như Glucosamine, MSM và Chondroitin đa phần được chiết xuất từ sụn bò hoặc vỏ hải sản. Vì vậy nên thông báo với bác sĩ/ dược sĩ tiền sử dị ứng để được cân nhắc về việc sử dụng nhóm thuốc này. Các loại thuốc này có tác dụng chậm nên cần sử dụng liên tục trong thời gian dài. Nếu cơn đau khởi phát trong thời gian dùng thuốc, nên thông báo với bác sĩ để được chỉ định phối hợp với các loại thuốc làm giảm triệu chứng.

Trên thực tế, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc trị gai cột sống khác tùy thuộc vào khả năng đáp ứng, độ tuổi và triệu chứng lâm sàng của từng trường hợp. Để được tư vấn cụ thể hơn, bạn đọc nên trao đổi trực tiếp với dược sĩ/ bác sĩ chuyên khoa.

Một số lưu ý khi dùng thuốc điều trị gai cột sống

Sử dụng thuốc có thể cải thiện cơn đau, các triệu chứng do chèn ép rễ thần kinh, đồng thời hỗ trợ phục hồi tổn thương dây thần kinh và làm chậm quá trình thoái hóa. Tuy nhiên trên thực tế, lạm dụng hoặc dùng thuốc không đúng cách có thể gây ra nhiều rủi ro và tác dụng không mong muốn.

thuốc trị gai cột sống
Bên cạnh việc sử dụng thuốc trị gai cột sống, nên sinh hoạt điều độ và tập thể dục thường xuyên

Vì vậy khi sử dụng thuốc điều trị gai cột sống, nên chú ý những vấn đề sau:

  • Chỉ sử dụng thuốc chữa gai cột sống khi có chỉ định của bác sĩ – kể cả các loại viên uống hỗ trợ, TPCN,… Đồng thời, tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng thuốc.
  • Chủ động thông báo với dược sĩ/ bác sĩ tình trạng sức khỏe, tiền sử dị ứng và lịch sử dùng thuốc (kể cả TPCN) để được chỉ định loại thuốc phù hợp.
  • Tránh lạm dụng các loại thuốc làm giảm triệu chứng, đặc biệt là thuốc chống viêm không steroid và corticoid. Thay vào đó, có thể chườm lạnh, nghỉ ngơi, tập thể dục, xoa bóp bấm huyệt,… để giảm đau an toàn và hạn chế nguy cơ lạm dụng thuốc.
  • Nếu có vấn đề về dạ dày, nên tránh sử dụng rượu bia, đồ uống chứa cồn, nước ngọt gas, thức ăn nhiều axit, dầu mỡ và gia vị khi sử dụng thuốc trị gai cột sống. Bên cạnh đó, có thể đề nghị bác sĩ chỉ định phối hợp với thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày để dự phòng tình trạng viêm loét.
  • Thông báo ngay với bác sĩ khi gặp phải tác dụng phụ. Không tự ý ngưng thuốc hoặc sử dụng các loại thuốc khác để cải thiện các triệu chứng bất thường xảy ra trong quá trình điều trị.
  • Gai cột sống là hệ quả của quá trình thoái hóa. Do đó bên cạnh việc dùng thuốc, nên ăn uống, sinh hoạt, tập thể dục thường xuyên và thay đổi các tư thế sai lệch để làm chậm tiến triển của bệnh và hỗ trợ phục hồi các cơ quan hư tổn.
  • Sử dụng thuốc và các phương pháp bảo tồn chỉ thích hợp với trường hợp bệnh nhẹ đến trung bình. Nếu gai cột sống gây tê yếu chi dưới, rối loạn tiểu tiện và giảm khả năng vận động nghiêm trọng, nên tiến hành thăm khám để được đánh giá tình trạng bệnh lý và can thiệp ngoại khoa kịp thời.

Trên đây là những loại thuốc điều trị gai cột sống phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên trước khi sử dụng thuốc, bạn đọc nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể về liều lượng, thời gian sử dụng và một số vấn đề cần lưu ý.

Tham khảo thêm: Bệnh gai cột sống theo Đông y và bài thuốc điều trị

5/5 - (7 bình chọn)

GỢI Ý XEM THÊM

Quốc dược Phục cốt khang là bài thuốc đặc trị gai cột sống với công thức hoàn chỉnh, bảng thành phần kết hợp hơn 50 bí dược lần đầu tiên được ứng dụng tại Việt Nam. [Xem ngay]

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *