Thoát Vị Đĩa Đệm Cột Sống Thắt Lưng: Kỹ Thuật Chẩn Đoán Và Điều Trị

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là tình trạng đĩa đệm ở vùng thắt lưng bị thoái hóa, giảm đàn hồi và nứt rách khiến nhân nhầy thoát ra bên ngoài. Do nằm ở vị trí gần bó rễ thần kinh nên bệnh lý này có thể gây đau thần kinh tọa, teo cơ và hội chứng chùm đuôi ngựa.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là gì?

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là gì?

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng đề cập đến tình trạng đĩa đệm ở vùng thắt lưng bị thoái hóa, nứt rách vòng sợi khiến nhân nhầy tràn ra bên ngoài và chèn ép dây thần kinh, mô mềm lân cận. Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào nhưng phổ biến nhất là ở vùng thắt lưng.

Thắt lưng là vị trí chịu áp lực từ trọng lượng cơ thể và các hoạt động sinh hoạt, lao động,… Do đó cột sống ở vị trí này có nguy cơ thoái hóa và tổn thương cao hơn so với các vị trí khác. Bệnh thường gặp ở người từ 20 – 55 tuổi, đặc biệt là ở người thừa cân – thừa béo, ít vận động, lao động nặng hoặc có tiền sử chấn thương cột sống.

So với thoái hóa cột sống, bệnh thoát vị đĩa đệm có mức độ phức tạp với biểu hiện lâm sàng đa dạng. Nếu không kiểm soát kịp thời, lượng nhân nhầy thoát vị có thể chèn ép lên tủy sống, dây thần kinh và gây ra nhiều biến chứng nặng nề.

Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm thắt lưng

Đĩa đệm là cơ quan nằm giữa 2 đốt sống, có chức năng giảm xóc và bảo vệ cột sống tránh bị tổn thương khi có tác động cơ học. Tuy nhiên, tác động cơ học quá mạnh có thể khiến cơ quan này bị nứt rách và chảy nhân nhầy. Ngoài ra, thoát vị đĩa đệm còn có thể là hệ quả do quá trình lão hóa và ảnh hưởng của một số thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, lao động nặng nhọc,…

thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bệnh học
Thoát vị đĩa đệm thắt lưng có thể là hệ quả do chấn thương cột sống

Một số nguyên nhân có thể gây thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, bao gồm:

  • Tư thế sai trong sinh hoạt và lao động: Tư thế sai lệch có thể làm tăng áp lực lên cột sống và gây đè nén lên đĩa đệm thắt lưng. Tình trạng này kéo dài có thể khiến vòng sợi bao quanh đĩa đệm bị thoái hóa, giảm độ đàn hồi và nứt rách. Ngoài ra, lao động nặng trong thời gian dài cũng có thể làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm và các bệnh xương khớp khác.
  • Hệ quả do quá trình thoái hóa tự nhiên: Tuổi tác là yếu tố có mối liên hệ mật thiết với quá trình thoái hóa và các bệnh xương khớp mãn tính. Khi bước vào giai đoạn lão hóa, đĩa đệm và các cơ quan trong cơ thể có xu hướng suy yếu, giảm chức năng và dễ tổn thương. Khi có tác động (tư thế xấu, chấn thương, mang vác nặng,…) vòng sụn bên ngoài đĩa đệm có thể bị xơ hóa và rạn nứt.
  • Ảnh hưởng của các bệnh lý cột sống: Cột sống được cấu tạo từ nhiều cơ quan khác nhau. Bất thường ở một hoặc vài cơ quan có thể khiến cấu trúc cột sống mất cân bằng và gia tăng áp lực khi vận động. Vì vậy, thoát vị đĩa đệm thắt lưng có thể là hệ quả do gù vẹo cột sống, gai đôi cột sống hoặc thoái hóa cột sống.
  • Chấn thương và tai nạn: Chấn thương và tai nạn có thể khiến đĩa đệm bị nứt rách và tràn nhân nhầy ra bên ngoài. Khác với các nguyên nhân thông thường, thoát vị đĩa đệm do chấn thương thường có triệu chứng bùng phát đột ngột và mức độ đau nặng nề.
  • Yếu tố di truyền: Nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm có thể tăng lên nếu tiền sử gia đình mắc các bệnh lý về cột sống.
  • Yếu tố rủi ro khác: Ngoài ra, bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng còn có thể khởi phát do có một số yếu tố thuận lợi như thừa cân – béo phì, ít vận động, tập thể dục không đúng cách, dung nạp nhiều rượu bia, thiếu hụt canxi trầm trọng,…

Trên thực tế, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng hiếm khi khởi phát do một nguyên nhân cụ thể. Bệnh thường là hệ quả do nhiều yếu tố cộng hưởng và tác động.

Nhận biết bệnh thoát vị đĩa đệm thắt lưng

Trong giai đoạn mới phát, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng hầu như không phát sinh triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên khi nhân nhầy chèn ép lên dây thần kinh và các cơ quan lân cận, bệnh có thể biểu hiện qua một số triệu chứng sau:

thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bệnh học
Thoát vị đĩa đệm thắt lưng gây đau nhức, mỏi và tê bì ở vùng thắt lưng lan tỏa xuống chi dưới
  • Vùng thắt lưng xuất hiện cơn đau mỏi có mức độ âm ỉ và dai dẳng
  • Mức độ đau tăng lên khi cúi gập người, ngồi nhiều, lao động nặng, ho và đi lại nhiều
  • Triệu chứng phát triển theo từng đợt, có thể kéo dài vài ngày hoặc vài tuần
  • Theo thời gian, cơn đau có xu hướng lan tỏa xuống vùng hông và chi dưới (1 hoặc 2 bên chân) (được gọi là hội chứng đau thần kinh tọa)
  • Triệu chứng đau đi kèm với cảm giác tê cóng, nóng lạnh bất thường, kiến bò hoặc châm chích
  • Trong trường hợp chèn ép dây thần kinh nặng, cơn đau có thể lan từ mông xuống mặt bên ngoài của đùi, cẳng chân, mu bàn chân và ngón chân
  • Triệu chứng đau và tê bì kéo dài có thể khiến cơ căng chân bị teo và giảm trương lực
  • Chi dưới suy yếu hoặc bị liệt hoàn toàn

Biến chứng do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là bệnh xương khớp khá phổ biến. Mặc dù có tiến triển chậm và âm thầm nhưng bệnh lý phát triển mãn tính và hầu như không thể chữa trị hoàn toàn. Tuy nhiên nếu tích cực điều trị và xây dựng lối sống khoa học, triệu chứng của bệnh sẽ được kiểm soát và giảm nguy cơ phát sinh các biến chứng nặng nề.

Đối với những trường hợp chủ quan hoặc không điều trị đúng cách, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể gây giảm sút khả năng vận động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và chất lượng cuộc sống.

Triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Nhân nhầy thoát vị có thể chèn ép lên rễ thần kinh và gây ra hội chứng chùm đuôi ngựa

Hơn nữa, hiện tượng thoát vị đĩa đệm có thể tăng dần theo thời gian, gây chèn ép dây thần kinh và dẫn đến các biến chứng như:

  • Hội chứng chùm đuôi ngựa: Hội chứng chùm đuôi ngựa là biến chứng thường gặp của bệnh thoát vị đĩa đệm thắt lưng. Biến chứng này xảy ra khi bó rễ thần kinh đuôi ngựa bị dịch nhầy từ đĩa đệm chèn ép. Hội chứng chùm đuôi ngựa có thể gây yếu liệt chi dưới đi kèm với một số triệu chứng như tiểu dầm, mất tự chủ khi tiểu tiện, bí tiểu, liệt dương, mất cảm giác vùng hội âm,…
  • Hội chứng đau khập khiễnh cách hồi: Hội chứng đau khập khiễnh cách hồi đề cập đến cơn đau do rễ thần kinh bị chèn ép. Tuy nhiên, cơn đau có tính chất ngắt quãng và lặp lại thường xuyên. Biến chứng này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng vận động mà còn tác động tiêu cực đến yếu tố tâm lý.
  • Teo cơ: Teo cơ là hệ quả do dây thần kinh bị chèn ép trong một thời gian dài. Biến chứng này dẫn đến tình trạng giảm khả năng vận động nghiêm trọng, không thể thực hiện các hoạt động sinh hoạt và mất hẳn khả năng lao động.

Kỹ thuật chẩn đoán bệnh thoát vị đĩa đệm thắt lưng

Chẩn đoán bệnh thoát vị đĩa đệm thắt lưng bao gồm các kỹ thuật sau:

Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Chụp cộng hưởng từ là kỹ thuật chẩn đoán quan trọng đối với bệnh thoát vị đĩa đệm thắt lưng
  • Thăm khám lâm sàng: Thăm khám lâm sàng giúp bác sĩ xác định một số triệu chứng điển hình của bệnh như cơn đau khởi phát ở vùng thắt lưng và lan tỏa theo dây thần kinh. Ở một số trường hợp, bệnh còn có thể gây teo cơ, giảm trương lực và yếu liệt chi dưới.
  • Chụp X-quang: Chụp X-Quang không có giá trị cao trong chẩn đoán bệnh thoát vị đĩa đệm thắt lưng. Tuy nhiên, bác sĩ có thể đề nghị chụp X-Quang để xác định một số bệnh lý có thể gây thoái hóa và hư hại đĩa đệm như thoái hóa cột sống, gai đôi cột sống, hẹp cột sống,…
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: Chụp MRI được xem là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán xác định bệnh thoát vị đĩa đệm. Hình ảnh từ MRI mô tả chi tiết đĩa đệm, dây chằng và các mô mềm bao xung quanh cột sống giúp bác sĩ xác định vị trí và mức độ thương tổn của đĩa đệm.
  • Chụp bao rễ cản quang: Trong trường hợp nghi ngờ hẹp cột sống, bác sĩ có thể đề nghị chụp bao rễ cản quang. Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách đưa chất cản quang vào tủy sống và chụp lại bằng tia X.
  • Kỹ thuật chẩn đoán khác: Ngoài ra ở một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định chụp CT và đo điện cơ đồ để đánh giá mức độ chèn ép và trương lực của cơ bắp.

Các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm thắt lưng

Điều trị thoát vị đĩa đệm thắt lưng phụ thuộc vào mức độ tổn thương đĩa đệm, giai đoạn phát triển và khả năng đáp ứng. Thông thường, điều trị ưu tiên là các biện pháp bảo tồn như sử dụng thuốc, nghỉ ngơi, vật lý trị liệu,… Tuy nhiên trong trường hợp dây thần kinh bị chèn ép nặng nề, bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật.

Một số biện pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng phổ biến, bao gồm:

1. Sử dụng thuốc

Thuốc được sử dụng trong giai đoạn bệnh gây đau nhiều nhưng bao cơ đĩa đệm chưa bị nứt hoặc rách. Mục đích của việc sử dụng thuốc là cải thiện cơn đau, giảm triệu chứng do chèn ép dây thần kinh và hỗ trợ phục hồi chức năng vận động.

Cách chữa thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Sử dụng thuốc giúp làm giảm cơn đau và các triệu chứng bùng phát do chèn ép dây thần kinh

Một số loại thuốc thường được chỉ định trong điều trị thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng, bao gồm:

  • Thuốc giảm đau và kháng viêm: Các loại thuốc giảm đau và kháng viêm như Acetaminophen và NSAID (Ibuprofen, Diclofenac, Meloxicam, Piroxicam,…) có thể cải thiện cơn đau có mức độ nhẹ đến trung bình. Nhóm thuốc này tương đối an toàn nên được chỉ định ưu tiên trong điều trị cơn đau do các bệnh xương khớp mãn tính gây ra.
  • Thuốc chống co cứng cơ: Chèn ép dây thần kinh ở vùng thắt lưng có thể kích thích cơ co thắt liên tục và gây đau nhức. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc chống co cứng cơ như Carisoprodol, Chlorzoxazone, Methocarbamol, Metaxalone,…
  • Vitamin B: Các loại thuốc chứa nhóm vitamin B có khả năng giảm cơn đau do dây thần kinh gây ra. Do đó, bác sĩ có thể chỉ định nhóm thuốc này ở liều cao để giảm cơn đau do thoát vị đĩa đệm gây ra. Trong thời gian sử dụng vitamin B, nước tiểu có thể chuyển sang màu hồng (tạm thời).
  • Tiêm thuốc corticoid: Trong trường hợp thuốc uống không đem lại hiệu quả, có thể tiêm corticoid ở ngoài màng cứng hoặc tiêm quanh rễ thần kinh để chống viêm và giảm đau. Corticoid dạng tiêm có hiệu quả giảm đau nhanh và mạnh nhưng có thể gây suy tuyến thượng thận, loãng xương, tăng đường huyết,…
  • Các loại thuốc khác: Trên thực tế, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc khác như thuốc giảm đau gây nghiện, thuốc giảm đau thần kinh, thuốc corticoid đường uống,…

Hầu hết các loại thuốc trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng đều có thể gây hại lên gan, thận và dạ dày. Vì vậy, biện pháp này thường chỉ được áp dụng trong điều trị ngắn hạn nhằm kiểm soát cơn đau và một số triệu chứng đi kèm.

2. Phục hồi chức năng

Phục hồi chức năng thường được phối hợp với biện pháp sử dụng thuốc trong trường hợp thoát vị đĩa đệm nhẹ và chưa có biến chứng chèn ép thần kinh nặng.

Cách chữa thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Bài tập trị liệu giúp phục hồi chức năng, cải thiện cấu trúc cột sống và phòng ngừa cơn đau tái phát

Các biện pháp phục hồi chức năng được áp dụng trong điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, bao gồm:

  • Bài tập vật lý trị liệu: Khi cơn đau cấp được cải thiện, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện một số bài tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng, điều chỉnh tư thế sai lệch và cải thiện các cơ nâng đỡ vùng lưng. Ngoài ra, biện pháp này còn giúp tăng cường hệ thống xương khớp và phòng ngừa cơn đau tái phát.
  • Mang đai lưng: Mang đai lưng giúp củng cố cấu trúc cột sống thắt lưng, giảm áp lực lên đĩa đệm và hạn chế mức độ chèn ép lên bó rễ thần kinh. Khi áp dụng biện pháp này, nên kết hợp với chế độ nghỉ ngơi hợp lý và hạn chế vận động để kiểm soát cơn đau.
  • Xoa bóp: Xoa bóp vùng lưng có thể thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu, giảm đau nhức và kích thích hoạt động của cơ bắp. Hơn nữa, biện pháp này còn làm giảm chèn ép thần kinh và hạn chế nguy cơ lạm dụng thuốc.
  • Sử dụng nhiệt: Sử dụng nhiệt có tác dụng làm giãn không gian của cột sống, giảm mức độ chèn ép lên dây thần kinh và hạn chế áp lực lên đĩa đệm bị xơ hóa. Bên cạnh đó, biện pháp này còn giúp giảm đau nhức, tê bì và châm chích.

Các biện pháp phục hồi chức năng thường cho hiệu quả chậm nhưng có độ an toàn cao và hầu như không gây ra tác dụng phụ. Vì vậy, nên áp dụng đồng thời với việc sử dụng thuốc để kiểm soát cơn đau, nhức mỏi, tê bì và các triệu chứng đi kèm khác.

3. Phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm thắt lưng

Phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm thắt lưng được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Bệnh gây đau liên tục và không có đáp ứng với điều trị bảo tồn
  • Yếu cơ tiến triển hoặc đã xuất hiện biến chứng teo cơ
  • Xuất hiện các biến chứng nặng nề do chèn ép dây thần kinh như hội chứng chùm đuôi ngựa
  • Đĩa đệm rách bao xơ và nhân nhầy thoát vị di trú

Mục đích của phẫu thuật là loại bỏ nhân nhầy thoát vị và giảm chèn ép lên rễ thần kinh. Hiện nay điều trị ngoại khoa đối với bệnh thoát vị đĩa đệm thắt lưng chủ yếu là mổ mở truyền thống, phẫu thuật vi phẫu, nội soi và phẫu thuật qua ống banh.

Bên cạnh các phương pháp kể trên, điều trị thoát vị đĩa đệm lưng còn bao gồm một số biện pháp như sử dụng sóng cao tần và giảm áp đĩa đệm bằng tia laser. Tuy nhiên các biện pháp này chỉ đem lại hiệu quả khi vòng sợi đĩa đệm chưa nứt rách.

Lối sống cho người bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thường là hệ quả do quá trình lão hóa cộng hưởng với các yếu tố tác động khác. Hiện nay, điều trị chỉ giúp cải thiện triệu chứng, giảm chèn ép thần kinh và bảo tồn chức năng vận động.

điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Bơi lội và tập thể dục đều đặn giúp kéo giãn cột sống, giảm đau nhức và làm chậm tiến triển của bệnh

Vì vậy để hỗ trợ quá trình điều trị và hạn chế bệnh tái phát, nên phối hợp biện pháp y tế với lối sống và thói quen sinh hoạt lành mạnh:

  • Hạn chế vận động mạnh và lao động nặng. Các hoạt động này có thể gia tăng áp lực lên đĩa đệm gây xơ hóa vòng sụn, tăng nguy cơ nứt rách và thoát vị nhân nhầy.
  • Bơi lội được chứng minh có hiệu quả kéo giãn cột sống và cải thiện triệu chứng do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng gây ra. Vì vậy, nên dành từ 15 – 30 phút/ ngày để bơi lội hoặc tập các động tác vật lý trị liệu.
  • Ăn uống điều độ, sinh hoạt khoa học, cân chỉnh thời gian làm việc và nghỉ ngơi.
  • Hạn chế căng thẳng thần kinh và lo âu quá mức. Thay vào đó, nên giữ thái độ sống lạc quan và tích cực trong quá trình điều trị.
  • Chủ động giảm cân nếu bị thừa cân, béo phì.
  • Thận trọng trong sinh hoạt, lao động và tham gia giao thông để giảm nguy cơ tai nạn và chấn thương. Tác động cơ học không chỉ gây thoát vị đĩa đệm mà còn tăng nguy cơ thoái hóa khớp, đau khớp háng và khớp gối.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi trong giai đoạn bệnh tiến triển và gây đau nhiều.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, hiệu suất lao động và chất lượng cuộc sống. Nếu không can thiệp điều trị, nhân nhầy có thể di trú gây chèn ép rễ thần kinh và làm phát sinh nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó nếu nghi ngờ mắc bệnh lý này, cần chủ động thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

5/5 - (2 bình chọn)

GỢI Ý XEM THÊM

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *