Mụn nhọt là gì? Nguyên nhân, cách xử lý, phòng ngừa
Nội dung bài viết
Mụn nhọt là một vết viêm sưng, có mủ hình thành bên dưới da khi vi khuẩn lây nhiễm đến một hoặc nhiều nang lông cùng một lúc. Nhọt có thể trở nên nghiêm trọng, chứa đầy mủ với kích thước lớn, gây đau đớn dữ dội và có thể vỡ ra, dẫn đến nhiễm trùng lây lan nếu không được điều trị phù hợp.
Mụn nhọt là gì?
Mụn nhọt là là tình trạng phát triển khi các tuyến bã nhờn hoặc tuyến dầu bị tắc nghẽn, nhiễm trùng. Khi nhiễm trùng xảy ra, các tế bào bạch cầu sẽ di chuyển đến để chống lại nhiễm trùng, điều này dẫn đến sưng, viêm và tích tụ mủ dưới da.
Mụn nhọt thường được hình thành như một khối sưng đỏ, đau đớn với nhiều kích thước khác nhau. Tình trạng này tương đối phổ biến và có thể gây ảnh hưởng đến bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Tuy nhiên, nhọt thường có xu hướng phát triển ở những khu vực nhiều tóc, lông và tích tụ nhiều mồ hôi. Cụ thể các khu vực thường phát triển nhọt bao gồm:
- Nách
- Đùi
- Khuôn mặt
- Cổ
- Háng
- Khu vực sinh dục
Nhọt có thể xuất hiện dưới dạng một nốt mụn mủ nhỏ hoặc mụn đầu đen đến các khối u nang có kích thước lớn. Hầu hết các trường hợp, nhọt là do vi khuẩn Staphylococcus aureus, cư trú trên bề mặt da và gây nhiễm trùng các nang lông. Tuy nhiên, việc cạo lông, trầy xước hoặc tổn thương da cũng có thể dẫn đến hình thành mụn nhọt.
Nhọt rất dễ lây lan đến các bộ phận của cơ thể và sang người khác thông qua việc tiếp xúc da trực tiếp hoặc sử dụng chung vật dụng cá nhân. Do đó, người bị mụn nhọt nên có biện pháp điều trị và chăm sóc da phù hợp.
Thông thường nhiễm trùng mụn nhọt có thể tự vỡ và được cải thiện trong khoảng 1 – 2 tuần. Tuy nhiên trong các trường hợp nhọt độc, người bệnh có thể gặp các biến chứng nghiêm trọng bao gồm nhiễm trùng huyết, sốt cao và tăng nguy cơ tử vong.
Các loại mụn nhọt và dấu hiệu nhận biết
Mụn nhọt là khối viêm cấp tính có chứa nhân mủ ở trung tâm thường phổ biến ở trẻ em, người cao tuổi, người có làn da nhạy cảm và bệnh nhân tiểu đường. Cụ thể theo đánh giá của các chuyên gia, nhọt được phân thành hai loại là nhọt và nhọt độc.
1. Nhọt
Nhọt hay mụn nhọt là tình trạng có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, tuy nhiên thường xuất hiện ở những vị trí có nhiều mồ hôi và lông như mặt, sau gáy, nách, đùi, mông. Cụ thể các dấu hiệu và triệu chứng nhận biết nhọt bao gồm:
Hình thành một vết sưng đỏ, đau đớn với kích thước nhỏ như mụn trứng cá nhưng có thể phát triển theo thời gian. Một nốt mụn nhọt có thể có kích thước lên đến 5 cm đường kính.
- Da đỏ và sưng xung quanh nốt mụn
- Kích thước nốt mụn có thể tăng lên nhiều lần trong vài ngày khi mủ và chất dịch tích tụ nhiều
- Phát triển nhân mủ màu trắng vàng ở trung tâm nhọt, sau khi vỡ mủ sẽ chảy ra bên ngoài
2. Nhọt độc
Nhọt độc là một nhóm nhọt đỏ, sưng, đau đớn và liên kết với nhau ở bên dưới da. Đôi khi các nốt nhọt độc có thể kết hợp lại với nhau và tạo thành một khối áp xe với kích thước lớn.
Thông thường nhọt độc có thể xảy ra ở các khu vực nhiều mồ hôi, chất nhờn và lỗ chân lông như lưng hoặc gáy. Tuy nhiên, đôi khi nhọt độc cũng có thể phát triển ở các khu vực khác của cơ thể như mông, đùi, háng và nách.
Đặc trưng của nhọt độc là tạo thành một khu vực nhiễm trùng có kích thước lớn. So với mụn nhọt thông thường, nhọt độc gây nhiễm trùng sâu hơn, nghiêm trọng hơn và có thể để lại sẹo vĩnh viễn.
Các dấu hiệu nhận biết nhọt độc phổ biến bao gồm:
- Ngứa da trước khi nhọt hình thành
- Đau nhức khắp cơ thể
- Da trở nên giòn và dễ bị tổn thương
Những người có hệ thống miễn dịch yếu khi bị nhọt độc có thể gặp một số dấu hiệu như sốt, ớn lạnh và mệt mỏi nói chung. Bên cạnh đó, đôi khi nhọt độc có thể dẫn đến sưng các mô và hạch bạch huyết, đặc biệt là các hạch ở háng, nách và cổ.
Nguyên nhân gây mụn nhọt
Hầu hết các trường hợp mụn nhọt hình thành do nhiễm vi khuẩn Staphylococcus aureus. Đây là một loại vi khuẩn thường được tìm thấy trên da, cổ họng và bên trong đường mũi. Tuy nhiên đôi khi nhọt có thể liên quan đến các vết thương nhỏ, trầy xước da hoặc các vết cắn của côn trùng. Thông qua các tổn thương này, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào da và dẫn đến nhọt.
Một số nguyên nhân và yếu tố rủi ro khác có thể làm tăng nguy cơ hình thành mụn nhọt bao gồm:
- Tiếp xúc gần với bệnh nhân bị mụn nhọt: Mụn nhọt có tính lây lan cao, do đó sống chung hoặc tiếp xúc gần với nhọt có thể tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Bệnh nhân tiểu đường: Bệnh tiểu đường khiến cơ thể khó chống lại nhiễm trùng và tăng nguy cơ bị nhọt.
- Có các tình trạng da khác: Một số bệnh lý về da như viêm da, mụn trứng cá hoặc chàm có thể gây ảnh hưởng đến hàng rào bảo vệ da. Điều này có thể tăng nguy cơ hình thành nhọt trên cơ thể.
- Hệ thống miễn dịch yếu: Người có hệ thống miễn dịch suy yếu thường dễ bị nhiễm trùng, dẫn đến mụn nhọt và nhọt độc.
- Chế độ ăn uống không phù hợp: Ăn uống ít rau xanh, trái cây, chất xơ và các chất dinh dưỡng khác có thể gây rối loạn hoạt động của gan. Điều này khiến cơ thể tích tụ các chất độc tố và hình thành mụn nhọt để đào thải các chất độc.
- Căng thẳng: Căng thẳng không trực tiếp dẫn đến nhọt nhưng có thể khiến nhọt trở nên nghiêm trọng hơn. Cụ thể, stress và áp lực cao có thể gây ảnh hưởng đến các chức năng ở gan, thận, điều này có thể dẫn đến nhọt.
Bên cạnh đó, mụn nhọt có thể phổ biến hơn ở những người sống trong môi trường cộng đồng, sử dụng chung khăn trải giường, khăn tắm, quần áo và tiếp xúc da trực tiếp với người bệnh.
Mụn nhọt có nguy hiểm không?
Thông thường mụn nhọt có thể tự vỡ và lành sau 1 – 2 tuần. Trong hầu hết các trường hợp nhọt không nghiêm trọng và không dẫn đến các rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tuy nhiên, đôi khi vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu và di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể. Tình trạng nhiễm trùng lan rộng có thể dẫn đến nhiễm độc máu (nhiễm trùng huyết). Điều này dẫn đến nhiễm trùng sâu trong cơ thể, ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng như tim (gây viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn) và viêm xương (viêm tủy xương).
Cụ thể các biến chứng có thể liên quan đến nhọt và nhọt độc bao gồm:
1. Hình thành sẹo
Mụn nhọt, đặc biệt là nhọt độc, có thể phát triển sâu dưới da, điều này có thể dẫn đến sẹo sau khi nhọt được cải thiện. Vết sẹo do nhọt không thể tự khỏi nhưng thường sẽ mờ dần theo thời gian.
Để cải thiện sẹo, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp như:
- Tiêm corticosteroid vào vết sẹo có thể giúp làm phẳng một vết sẹo lồi
- Sử dụng thuốc, chẳng hạn như aminobenzoate để phá vỡ mô sẹo
- Băng ép có thể làm mềm sẹo
- Phẫu thuật thẩm mỹ
2. Nhiễm trùng
Đôi khi các vi khuẩn ở mụn nhọt có thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể và dẫn đến nhiễm trùng thứ cấp. Tình trạng này có thể gây nhiễm trùng sâu dưới da và dẫn đến viêm mô tế bào.
Ngoài ra, một số tình trạng nhiễm trùng khác có thể liên quan đến vi khuẩn gây mụn nhọt bao gồm:
- Viêm khớp nhiễm trùng
- Viêm tủy xương
- Nhiễm trùng máu
- Viêm nội tâm mạc
- Áp xe não, là tình trạng hình thành và phát triển mủ bên trong não
Nhiễm trùng thứ cấp liên quan đến mụn nhọt thường không phổ biến và có thể điều trị bằng kháng sinh. Trong trường hợp nhiễm trùng máu và áp xe não, người bệnh có thể cần điều trị cấp cứu hoặc nhập viện tại khoa chăm sóc đặc biệt (ICU).
3. Huyết khối xoang hang
Huyết khối xoang hang là biến chứng nhọt rất hiếm gặp nhưng nghiêm trọng và có thể gây đe dọa tính mạng của người bệnh.
Tình trạng này xảy ra khi nhiễm trùng gây hình thành các cục máu đông ở phía sau hốc mắt. Cục máu đông này có thể gây tăng nhãn áp, gây áp lực lên não bộ và dẫn đến các triệu chứng rối loạn não như:
- Đau đầu dữ dội
- Mắt sưng to và có dấu hiệu viêm
- Đau mắt nghiêm trọng
Thông thường huyết khối xoang hang có thể được điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên nếu không được điều trị kịp lúc tình trạng này sẽ dẫn đến tử vong. Tuy nhiên tình trạng này là cực kỳ hiếm gặp ở bệnh nhân bị mụn nhọt.
Mụn nhọt có điều trị dứt điểm được không?
Mụn nhọt là tình trạng phổ biến có thể điều trị bằng nhiều biện pháp khác nhau nhưng không thể điều trị dứt điểm. Vi khuẩn Staphylococcus aureus gây mụn nhọt tồn tại ở da, cơ thể và đường mũi. Trong các điều kiện phù hợp, vi khuẩn này có thể xâm nhập vào da và khiến mụn nhọt tái phát.
Theo một số nghiên cứu, có khoảng 10% các trường hợp mụn nhọt và áp xe da tái phát trong vòng 1 năm.
Ngoài ra, một số đối tượng có nguy cơ tái phát mụn nhọt cao hơn thường bao gồm:
- Có bệnh tự miễn
- Bệnh nhân tiểu đường
- Đang thực hiện hóa trị hoặc xạ trị
Bên cạnh đó, những người bị mụn nhọt tái phát nhiều hơn 3 lần mỗi năm, tình trạng này được gọi là mụn nhọt tái phát và có thể dẫn đến viêm da. Điều này khiến nhọt dễ lây lan, đặc biệt là ở các thành viên trong gia đình.
Mụn nhọt tái phát thường xuyên có thể là dấu hiệu của các bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để được đánh giá y tế và điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
Chẩn đoán mụn nhọt như thế nào?
Để chẩn đoán mụn nhọt, bác sĩ có thể kiểm tra các đặc trưng và dấu hiệu nhận biết. Bên cạnh đó, một mẫu mủ trích xuất từ nhọt cũng có thể được kiểm tra ở phòng thí nghiệm để loại bỏ các nguyên nhân nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, một số loại vi khuẩn gây mụn nhọt và nhọt độc có thể kháng kháng sinh. Do đó, các xét nghiệm ở phòng thí nghiệm có thể xác định loại kháng sinh phù hợp để điều trị nhọt trong trường hợp cần thiết.
Cách xử lý mụn nhọt tại nhà
Thông thường mụn nhọt, đặc biệt là nốt nhọt nhỏ có thể được điều trị tại nhà. Nhọt có kích thước nhỏ có thể tự vỡ trong 1 – 2 tuần và mất khoảng 3 tuần để chữa lành.
Bên cạnh đó, để tăng hiệu quả điều trị, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp như:
1. Chườm nóng
Chườm nóng có thể hỗ trợ tăng lưu thông máu ở khu vực mụn nhọt. Điều này giúp các tế bào bạch cầu di chuyển đến nhọt nhiều hơn và hỗ trợ chống lại nhiễm trùng. Do đó chườm nóng lên khu vực nhọt có thể hỗ trợ nhọt vỡ tự nhiên một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Người bệnh có thể chườm một chiếc khăn ấm lên nhọt trong 15 – 20 phút mỗi lần. Thực hiện điều này 3 – 4 lần mỗi ngày cho đến khi nhọt vỡ.
2. Sử dụng tinh dầu tràm trà
Tinh dầu tràm trà có tác dụng kháng khuẩn, khử trùng mạnh và có thể tiêu diệt vi khuẩn gây mụn trứng cá, mụn mủ, mụn bọc và mụn nhọt.
Để điều trị mụn nhọt với tinh dầu tràm trà, người bệnh nên trộn 5 giọt tinh dầu với một muỗng cà phê dầu dừa hoặc dầu ô liu. Thoa dầu trực tiếp lên da nhiều lần hoặc thấm dầu vào bông gòn và đắp lên da. Thực hiện biện pháp này 2 – 3 lần mỗi ngày cho đến khi nhọt khỏi hoàn toàn.
Bên cạnh đó, không nên thoa tinh dầu tràm trà nguyên chất lên da. Điều này có thể gây kích ứng và tổn thương bề mặt da.
3. Sử dụng bột nghệ
Nghệ có tính kháng khuẩn, chống viêm và có thể hỗ trợ chữa lành mụn nhọt một cách nhanh chóng. Để điều trị mụn nhọt với bột nghệ, người bệnh có thể sử dụng 2 muỗng cà phê bột nghệ hòa với một lượng nước ấm hoặc sữa ấm để tạo thành hỗn hợp sền sệt. Thoa hỗn hợp này lên da ít nhất 2 lần mỗi ngày cho đến khi nhọt khỏi hẳn.
Ngoài ra, người thường xuyên bị nhọt có thể thêm nghệ vào công thức nấu ăn hoặc uống nước bột nghệ với sữa ấm để phòng ngừa nhọt và tăng cường sức khỏe cho da.
4. Dầu thầu dầu
Dầu thầu dầu chứa một hợp chất gọi là axit ricinoleic. Đây là một chất chống viêm tự nhiên mạnh mẽ cso thể tiêu diệt vi khuẩn gây mụn nhọt.
Để cải thiện tình trạng nhọt, người bệnh có thể thoa một lượng dầu thầu dầu trực tiếp lên da ít nhất 3 lần mỗi ngày cho đến khi nhọt khỏi hẳn.
5. Sử dụng tỏi
Tỏi có thể hỗ trợ cải thiện mụn bọc, mụn mủ và tình trạng nhọt, nhọt độc. Người bệnh có thể đặt một miếng tỏi tươi lên da trong 5 – 10 phút mỗi lần để cải thiện các triệu chứng nhọt.
Bên cạnh đó ăn 2 – 3 tép tỏi sống mỗi ngày cũng có thể hỗ trợ điều trị và phòng ngừa mụn nhọt.
Các biện pháp điều trị y tế cho mụn nhọt
Trong các trường hợp mụn nhọt lớn hoặc không tự vỡ sau 3 tuần, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị theo phác đồ của bác sĩ chuyên môn. Các phương pháp điều trị y tế phổ biến cụ thể dành cho mụn nhọt lớn và nhọt độc bao gồm:
- Kháng sinh đường uống hoặc bôi lên da để tiêu diệt vi khuẩn.
- Thuốc giảm đau không kê đơn để ngăn ngừa các cơn đau.
- Xà phòng kháng khuẩn có thể hỗ trợ làm sạch nhọt, tiêu diệt vi khuẩn và ngăn ngừa nhọt trở nên nghiêm trọng hơn.
- Phẫu thuật có thể được chỉ định cho nhọt lớn, phát triển sâu bên dưới da. Thông thường các dạng nhọt lớn không thể tự vỡ và thoát mủ ra bên ngoài, do đó chích rách là biện pháp hiệu quả nhất để điều trị.
Mụn nhọt phòng ngừa như thế nào?
Mụn nhọt là tình trạng phổ biến và không có biện pháp phòng ngừa tất cả các yếu tố nguy cơ, đặc biệt là ở người có hệ thống miễn dịch suy yếu. Tuy nhiên, người bệnh có thể ngăn ngừa nhiễm khuẩn và phòng ngừa hình thành mụn nhọt bằng một số lưu ý như:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhẹ hoặc cồn kháng khuẩn. Rửa tay cẩn thận là cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng vi khuẩn, virus, nấm và các loại ký sinh trùng.
- Vệ sinh các vết cắt và che chắn cẩn thận cho đến khi lành hẳn. Điều này có thể ngăn ngừa nhiễm trùng và hạn chế hình thành nhọt.
- Không sử dụng chung đồ vật cá nhân, kể cả đối với người thân. Các đồ vật tiếp xúc trực tiếp như khăn tắm, khăn trải giường, dao cạo râu, quần áo, dụng cụ thể thao cần được sử dụng cá nhân và vệ sinh thường xuyên.
- Giặt đồ lót, quần áo, khăn tắm và khăn trải giường bằng nước nóng để tiêu diệt vi khuẩn.
- Vệ sinh các bề mặt tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, bồn vệ sinh, bồn tắm và các bề mặt thường được sử dụng trong nhà để ngăn ngừa lây truyền vi khuẩn.
Mụn nhọt là tình trạng da phổ biến có thể dẫn đến nhiễm trùng sâu dưới da và dẫn đến sẹo. Mặc dù hầu hết các trường hợp nhọt không gây nguy hiểm và có thể tự cải thiện, tuy nhiên đôi khi vi khuẩn có thể lây lan đến các bộ phận khác trên cơ thể và dẫn đến nhiều rủi ro không mong muốn. Do đó, nếu nhọt trở nên nghiêm trọng, người bệnh nên đến bệnh viện và trao đổi với bác sĩ chuyên môn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!