Đau Vai Gáy Theo Đông Y Và Các Bài Thuốc Điều Trị
Nội dung bài viết
Chữa đau vai gáy bằng Đông y tận dụng các thảo dược tự nhiên nhằm cải thiện cơn đau, thúc đẩy khí huyết lưu thông, giải phóng ứ trệ ở kinh lạc và phục hồi chức năng vận động. Khác với thuốc Tây, bài thuốc Đông y có độ an toàn tương đối cao, có thể sử dụng dài ngày và phù hợp với nhiều đối tượng.
Đau vai gáy theo quan niệm Đông y
Đau vai gáy là hội chứng thường gặp, ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi và có thể xuất hiện ở cả nam lẫn nữ giới. Hội chứng này hiếm khi đe dọa đến sức khỏe nhưng có thể gây khó chịu, mệt mỏi, làm giảm sút khả năng lao động, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và chất lượng cuộc sống.
Theo quan niệm Đông y, đau vai gáy (chứng kiên tý) xảy ra do tấu lý sơ hở khiến thấp, hàn và phong thừa cơ xâm nhập gây tổn thương kinh lạc, cản trở quá trình lưu thông khí huyết và gây đau nhức, ê mỏi, tê cứng vùng vai, cổ và gáy.
Các triệu chứng của bệnh thường giảm nhẹ khi nghỉ ngơi, tăng mức độ khi vận động và có xu hướng nghiêm trọng dần theo thời gian. Nếu không tiến hành chữa trị, chứng kiên tý có thể làm giảm khả năng vận động, gây yếu và teo cơ.
Tây y thường điều trị đau vai gáy bằng cách sử dụng thuốc giãn cơ, phong bế thần kinh, giảm đau, chống viêm,… Các loại thuốc này đều chỉ giúp cải thiện triệu chứng lâm sàng và hầu như không tác động đến căn nguyên của bệnh. Trong khi đó, bài thuốc Đông y điều trị đau vai gáy không chỉ tập trung giảm cơn đau, tê bì, cứng cổ mà còn hỗ trợ khôi phục chức năng vận động, bồi bổ khí huyết và giải phóng ứ trệ ở kinh lạc.
Các bài thuốc Đông y điều trị đau vai gáy
Để lựa chọn được bài thuốc Đông y điều trị đau vai gáy phù hợp, cần xác định căn nguyên cụ thể và xem xét các triệu chứng lâm sàng.
Dưới đây là một số bài thuốc được áp dụng khá phổ biến:
1. Bài thuốc chữa đau vai gáy thể phong hàn
Đau vai gáy thể phong hàn xảy ra do tiếp xúc với nước, gió lạnh hoặc do thời tiết chuyển lạnh đột ngột. Phong hàn xâm nhập khiến đòn chũm, cơ thang co cứng, khó khăn khi xoay, cúi gập cổ, người sợ lạnh, rêu lưỡi trắng và mạch phù.
Đối với thể phong hàn, Đông y sử dụng các bài thuốc có tác dụng thông kinh, hoạt lạc, tán hàn và khu phong để đẩy lùi phong hàn ra khỏi cơ thể, giảm đau nhức và cải thiện chức năng vận động.
- Bài thuốc 1: Dùng thương truật, quế chi và can khương mỗi thứ 8g, ý dĩ, phục linh và xuyên khung mỗi thứ 12g, cam thảo 6g. Rửa sạch dược liệu cho vào ấm, sau đó sắc uống ngày dùng 1 thang, chia thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày.
- Bài thuốc 2: Dùng tần giao, độc hoạt, khương hoạt và đương quy mỗi thứ 12g, quế chi và mộc hương mỗi thứ 8g, cành dây 40g, nhũ hương và chích cam thảo mỗi thứ 6g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang và chia đều thành 3 lần uống.
- Bài thuốc 3: Chuẩn bị phòng phong và đại táo mỗi thứ 12g, cam thảo 6g, sinh khương 4g, ma hoàng và bạch chỉ mỗi thứ 8g. Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang cho đến khi triệu chứng thuyên giảm hẳn.
- Bài thuốc 4: Chuẩn bị quy xuyên, xích thược, ma hoàng, bạch chỉ, hoàng kỳ và đại táo mỗi thứ 12g, trích thảo 4g, sinh khương, khương hoạt, hoàng đằng, phòng phong và quế chi mỗi thứ 8g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
- Bài thuốc 5: Dùng quế chi, ma hoàng, quy đầu và cát căn mỗi thứ 9g, kê huyết đằng 30g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
Nếu đau nhiều, nên xoa bóp bấm huyệt bằng các thủ thuật như bấm, day, xát, lăn và vận động nhẹ nhàng ở bên vai gáy bị đau nhức để cải thiện. Ngoài ra, có thể ôn châm các huyệt vị như Dương lăng tuyền, Thiên tông, Kiên tỉnh, Phong trì, Thiên trụ, Kiên ngung, Dương trì,… để giảm đau nhức, tê bì và cứng cổ.
2. Thuốc Đông y trị đau vai gáy thể thấp nhiệt (do viêm nhiễm)
Đau vai gáy thể thấp nhiệt xảy ra do viêm nhiễm (thường do cảm cúm, cảm lạnh) nên các triệu chứng thường khởi phát cấp tính và đột ngột so với các thể bệnh khác. Thể bệnh này điển hình bởi tình trạng vùng vai gáy sưng đỏ, nóng, đau nhức, khó khăn khi vận động, chất lưỡi đỏ, rêu vàng, người sốt cao và mạch phù sác.
Các bài thuốc Đông y được sử dụng để chữa đau vai gáy thể thấp nhiệt có tác dụng hành khí hoạt huyết, thanh nhiệt giải độc và khu phong trừ thấp.
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị tỳ giải, sinh địa, nga truật, cỏ xước, huyền sâm và rễ xấu hổ mỗi thứ 12g, kim ngân hoa 10 – 12g, ý dĩ và hy thiêm thảo mỗi thứ 16g, diếp cá và sài đất mỗi thứ 10g. Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang.
- Bài thuốc 2: Dùng hoàng cầm và khương hoạt mỗi thứ 8g, bạch chỉ 10g, cát cánh, thạch cao và bạch thược mỗi thứ 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia đều thành 3 lần uống.
Có thể kết hợp với châm tả các huyệt như Hợp cốc, Khúc trì, Phong môn và Đại chùy để giảm đau. Thể bệnh này xảy ra do viêm nhiễm nên cần tránh xoa bóp bấm huyệt.
3. Bài thuốc Đông y điều trị đau vai gáy thể khí trệ huyết ứ
Thể khí trệ huyết ứ thường khởi phát do mang vác nặng, sai tư thế, chấn thương hoặc do ảnh hưởng của bệnh thoát vị đĩa đệm. Thể bệnh này thường gây cứng gáy, đau nhức, khó khăn khi xoay chuyển cổ, lưỡi thâm tím, gân xương đau mỏi, chân tay tê dại, mạch trầm hoạt hoặc sáp.
Với đau vai gáy thể khí trệ huyết ứ, cần dùng các bài thuốc có tác dụng thư cân hoạt lạc, hoạt huyết tiêu ứ, trừ thấp.
- Bài thuốc 1: Dùng phòng phong, khương hoạt, đương quy, độc hoạt mỗi thứ 12g, ngưu tất, ngũ gia bì, đỗ trọng và tục đoạn mỗi thứ 16g, chỉ xác 8g, kinh giới và hồng hoa mỗi thứ 10g, thanh bì 8g. Sắc uống ngày dùng 1 thang, chia nước sắc thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị đào nhân 8g, đương quy, thục địa và xích thược mỗi thứ 12g, xuyên khung 10g và hồng hoa 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia nước sắc thành 3 phần bằng nhau và dùng hết trong ngày.
- Bài thuốc 3: Dùng tô mộc, đào nhân, nga truật và uất kim mỗi thứ 10g, trần bì, hồng hoa và quế chi mỗi thứ 8g, cam thảo 6g, cát căn và bạch thược mỗi thứ 12g. Sắc uống ngày dùng thang.
Đối với thể bệnh này, nên xoa bóp bấm huyệt để tăng lưu thông khí huyết, giải phóng ứ trệ ở kinh lạc và vận động nhẹ nhàng để khớp xương phục hồi.
4. Bài thuốc chữa đau nhức vai gáy thể can thận hư
Đau vai gáy thể can thận hư xảy ra do nội phong tự sinh, ăn uống kém khiến gân xương không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng mà trở nên suy yếu, thoái hóa và đau nhức theo thời gian.
Thể bệnh này điển hình bởi tình trạng đau vai, cứng gáy, gặp khó khăn khi cúi, quay trở cổ, lưỡi đỏ nhạt nhưng sắc không tươi. Đau vai gáy do can thận hư thường gây đau nhiều, đau từng cơn hoặc đôi khi có kèm co giật, cơn đau có thể giảm khi nằm nghỉ ngơi và hạn chế vận động. Thể bệnh này hay gặp ở người cao tuổi, đặc biệt là người bị thoái hóa đốt sống cổ.
Để giải thể can thận hư, Đông y sử dụng các bài thuốc có tác dụng bổ can thận, trừ thấp và khu phong.
- Bài thuốc 1: Dùng phòng phong, đương quy, nghệ vàng, hoàng kỳ và xích thược mỗi thứ 12g, khương hoạt 8g. Sắc uống ngày 1 thang và dùng hết trong ngày.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị thanh bì và đỗ trọng mỗi thứ 10g, ngũ gia bì, bạch linh, tục đoạn, đương quy và ngưu tất mỗi thứ 12g, thục địa 16g, sơn thù 8g. Sắc uống, chia nước sắc thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày.
- Bài thuốc 3: Dùng cát căn và cam thảo mỗi thứ 10g, kê huyết đằng 15g, bạch thược 30g, mộc qua 13g. Sắc uống hằng ngày, dùng mỗi ngày 1 thang đến khi triệu chứng thuyên giảm hẳn.
- Bài thuốc 4: Dùng ngưu tất, đỗ trọng, tục đoạn và bạch linh mỗi thứ 10g, ngũ gia bì 16g, thanh bì, sơn thù và bạch thược mỗi thứ 8g, quy đầu 15g, thục địa 20g. Rửa sạch dược liệu, cho ấm sắc kỹ và chia thành nhiều lần uống, dùng hết trong ngày.
5. Thuốc Đông y trị đau vai gáy thể phong đờm
Đau nhức vai gáy thể phong đờm thường xảy ra ở những trường hợp bệnh phát lâu dài, dai dẳng và tiến triển mãn tính. Triệu chứng điển hình của thể bệnh này là gáy cứng, khó khăn khi xoay cổ, chây tay tê dại, đau nhức, miệng và mắt méo xếch.
Để giải thể bệnh này, cần dùng bài thuốc có tác dụng trừ thấp, quyết đờm, hành khí thông lạc và hoạt huyết hóa ứ.
- Bài thuốc: Dùng quy đầu 15g, đờm nam tinh, khương hoạt, hồng hoa và bạch giới tử mỗi thứ 9g, tang chi và lộ lộ thông mỗi thứ 30g, uy linh tiên, khương hoàng, xuyên khung và bạch chỉ mỗi thứ 12g. Dùng liên tục 6 thang, sau đó nghỉ 1 ngày và lặp lại liệu trình.
- Lưu ý: Nếu chân tay tê bì, khí hư gia thêm hoàng kỳ 30g; nhiệt uất gia thêm ngân hoa 30g; gáy lưng căng cứng gia thêm cát căn 24g và gia thêm long đởm thảo 4.5g, hoàng cầm 9g nếu thấp nhiệt nung nấu khiến miệng đắng, tâm phiền.
6. Bài thuốc Đông y chữa đau vai gáy thể hàn đờm
Đau vai gáy thể hàn đờm thường gây cứng cổ, đau nhức, tê bì bả vai và cánh tay. Ngoài ra, thể bệnh này còn làm giảm khả năng vận động, giảm hiệu suất lao động và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, thể trạng.
- Chuẩn bị: Chỉ thực và trần bì mỗi thứ 8g, phòng phong, xuyên khung, quế chi, hoàng cầm, cốt toái bổ, xương truật và khương hoạt mỗi thứ 12g, táo 3 quả, bạch linh và đẳng sâm mỗi thứ 16g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
7. Chữa đau vai gáy thể âm hư dương cang bằng thuốc Đông y
Âm hư dương cang là thể bệnh mãn tính, kéo dài khiến cổ gáy đơ cứng, khó chịu kèm theo một số triệu chứng thứ phát như ù tai, chóng mặt, mắt đỏ, lưng đùi yếu, mềm, đầu nặng, đi đứng lảo đảo và sức khỏe suy giảm. Đối với thể bệnh này, cần dùng bài thuốc có tác dụng nhu cân, tức phong, tiềm dương và bình can.
- Chuẩn bị: Hoài sơn, đan sâm, mẫu lễ, ngọc trúc, phục thần, bạch truật, cúc hoa, sơn thù và câu đằng mỗi thứ 30g, long cốt, phòng phong và thục địa mỗi thứ 15g, ngũ vị và thiên ma mỗi thứ 12g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
8. Chữa trị đau vai gáy thể phong nhiệt bằng bài thuốc Đông y
Bệnh đau vai gáy thể phong nhiệt đặc trưng bởi tình trạng vai gáy ê mỏi, đau nhức, người sốt cao, đổ nhiều mồ hôi, sợ nóng và mạch phù sác. Để cải thiện triệu chứng do thể bệnh này, có thể dùng bài thuốc sau:
- Chuẩn bị: Đại táo 6 quả, sài hồ và mộc hương mỗi thứ 6g, bạch thược và phòng phong mỗi thứ 12g, cam thảo 4g, cát căn 20g.
- Thực hiện: sắc uống, ngày dùng 1 thang.
9. Thuốc Đông y chữa đau vai gáy thể thận hư phong thấp
Thể thận hư phong thấp khởi phát do phong thấp kết hợp với thận hư yếu, suy giảm chức năng do lối sống vô tổ chức, lao động nặng hoặc do ảnh hưởng của tuổi tác. Thể bệnh này gây cứng gáy, cột sống và lưng cử động khó khăn, đau lâu ngày, đau ê ẩm kéo dài,…
Đối với đau vai gáy do thể thận hư phong thấp, nên dùng bài Uy linh thung dung thang để trừ thấp, bổ thận và bồi bổ khí huyết.
- Bài thuốc: Dùng uy linh tiên, đan sâm, thanh đăng phòng, nhục thung dung mỗi thứ 15g. Đem sắc uống hoặc tán bột, trộn mật làm hoàn, mỗi dùng 20g.
- Lưu ý: Nếu chi trên tê dại dùng thêm khương hoàng 10g, chi dưới tê dại, đau nhức gia thêm ngưu tất 10g. Đồng thời cần hạn chế vận động, dành thời gian nghỉ ngơi và tránh tải trọng quá độ lên các khớp bị tổn thương.
10. Điều trị đau vai gáy bằng bài thuốc chườm, đắp từ y học cổ truyền
Các bài thuốc uống thường cho tác dụng chậm. Vì vậy, Đông y còn tận dụng thảo dược tự nhiên để chườm đắp lên vùng vai gáy nhằm giảm đau nhức, cứng gáy và mỏi cổ.
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị lá lốt và lá cúc tần mỗi thứ 1 nắm đem rửa sạch, để ráo nước và giã nhỏ. Sau đó trộn đều với 1 ít rượu, sao nóng và bọc trong miếng vải rồi chườm lên vùng đau nhức từ 10 – 15 phút.
- Bài thuốc 2: Sử dụng một nắm ngải cứu vừa đủ sao với muối biển cho nóng. Sau đó gói lại trong miếng vải rồi chườm vào vùng vai gáy bị đau mỏi. Nên áp dụng bài thuốc này nhiều lần trong ngày để giảm đau nhức, cứng cổ và ê mỏi vai gáy. Hoặc có thể chườm đắp đều đặn vào buổi tối trước khi đi ngủ nhằm hạn chế cơn đau khởi phát vào sáng sớm sau khi thức dậy.
Chữa đau vai gáy bằng Đông y cần lưu ý gì?
Điều trị đau vai gáy bằng bài thuốc Đông y có thể cải thiện tình trạng đau nhức, cứng gáy, tê mỏi cổ, bả vai và cánh tay. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp bồi bổ can thận, tăng cường lưu thông khí huyết, điều hòa kinh lạc và hỗ trợ cải thiện sức khỏe tổng thể.
So với thuốc Tây, thuốc Đông y có độ an toàn cao hơn, phù hợp với nhiều đối tượng – kể cả người có bệnh lý nền và có thể áp dụng trong thời gian dài. Tuy nhiên trên thực tế, lạm dụng hoặc sử dụng bài thuốc không phù hợp có thể làm giảm hiệu quả điều trị hoặc thậm chí phát sinh một số tác dụng không mong muốn.
Do đó khi điều trị đau vai gáy bằng Đông y, nên chú ý một số vấn đề quan trọng sau:
- Hiện nay có nhiều bài thuốc Đông y chữa đau vai gáy chưa được kiểm chứng về mức độ an toàn và hiệu quả lâm sàng. Vì vậy nên tham vấn y khoa trước khi thực hiện nhằm hạn chế tác dụng phụ và một số tình huống rủi ro.
- Hầu hết các bài thuốc uống đều có tác dụng chậm. Do đó khi áp dụng, cần kiên trì thực hiện trong thời gian dài để đạt được hiệu quả tối ưu.
- Không nên tùy tiện phối hợp thuốc Đông y với viên uống bổ sung và thuốc Tây. Nếu có ý định sử dụng đồng thời, nên tham vấn y khoa để hạn chế nguy cơ tương tác thuốc.
- Người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai và cho con bú nên thông báo tình trạng sức khỏe cho thầy thuốc để được chỉ định bài thuốc và hiệu chỉnh liều dùng phù hợp.
- Nên kết hợp các bài thuốc Đông y với xoa bóp bấm huyệt và châm cứu để tăng tác dụng giảm đau và cải thiện khả năng vận động của khớp vai và đốt sống cổ.
- Để đảm bảo hiệu quả điều trị, nên lựa chọn phòng khám Đông y uy tín, thầy thuốc có chuyên môn sâu và kinh doanh dược liệu có nguồn gốc rõ ràng.
- Ngưng dùng bài thuốc Đông y nếu phát sinh các triệu chứng dị ứng như nôn mửa, tiêu chảy, phát ban, ngứa cổ họng, đau bụng,… Trong trường hợp triệu chứng không thuyên giảm sau 24 giờ, nên thông báo với bác sĩ để được kiểm tra và xử lý kịp thời.
- Bên cạnh các phương pháp điều trị, cần dành thời gian nghỉ ngơi, ăn uống điều độ và hạn chế các hoạt động làm tăng áp lực lên vùng cổ vai gáy như mang vác vật nặng, cúi đầu làm việc trong thời gian dài và kê gối quá cao.
Chữa đau vai gáy bằng bài thuốc Đông y có ưu điểm an toàn, phù hợp với nhiều đối tượng và đem lại cải thiện tương đối rõ rệt. Tuy nhiên để cải thiện khả năng vận động và kiểm soát triệu chứng hoàn toàn, nên kết hợp phương pháp này với chế độ chăm sóc và nghỉ ngơi hợp lý.
Tham khảo thêm: 10 món ăn bài thuốc chữa đau khớp hiệu quả, dễ làm
GỢI Ý XEM THÊM
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!