Đau Vai (Phải – Trái) Là Bệnh Gì? Dấu Hiệu Và Cách Điều Trị
Nội dung bài viết
Đau vai có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân bao gồm áp lực, chấn thương, tai nạn hoặc do tính chất công việc gây ra. Đôi khi đau vai có thể là dấu hiệu của các bệnh lý bao gồm viêm khớp, thoái hóa khớp hoặc các tình trạng cần chăm sóc y tế ngay lập tức.
Dấu hiệu nhận biết và nguyên nhân gây đau vai
Vai là khớp lớn, có phạm vi chuyển động rộng và linh hoạt. Do đó vai rất dễ bị áp lực, căng thẳng và tổn thương. Đau vai trái – phải có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân và bệnh lý tiềm ẩn. Các nguyên nhân phổ biến nhất có thể bao gồm:
1. Chấn thương vai
Chấn thương vai là nguyên nhân phổ biến có thể gây đau vai trái hoặc phải. Các chấn thương ảnh hưởng đến vai có thể bao gồm:
- Trật khớp: Tình trạng này thường xảy ra khi vai bị kéo mạnh hoặc xoay quá mức và đột ngột. Điều này có thể khiến một phần xương bả vai trượt ra khỏi vị trí ban đầu và gây trật khớp. Các dấu hiệu phổ biến bao gồm đau và mất sức mạnh ở vai. Một số trường hợp người bệnh có thể bị sưng, tê và bầm tím ở vai.
- Trật khớp cùng – đòn: Đây là chấn thương ảnh hưởng đến xương đòn và xương bả vai. Tình trạng này thường liên quan đến một cú té ngã làm rách dây chằng, khiến xương đòn trật ra khỏi vị trí ban đầu. Các triệu chứng phổ biến bao gồm đau và sưng ở vai bị ảnh hưởng.
- Gãy xương: Xương vai có thể bị nứt hoặc gãy nếu bị va đập và tác động lực mạnh. Các xương thường bị ảnh hưởng bao gồm xương đòn và xương cánh tay trên. Các triệu chứng bao gồm đau đớn và bầm tím. Bên cạnh đó, nếu xương đòn bị gãy, vai có thể bị chùng xuống và người bệnh có thể không nâng được cánh tay.
- Tổn thương sụn: Người bệnh có thể bị tổn thương hoặc rách ở các sụn xung quanh khớp vai. Tình trạng này thường phổ biến ở những người thực hiện các động tác lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, té ngã hoặc tác động lực đột ngột cũng có thể gây rách sụn và dẫn đến đau bả vai phải hoặc trái. Cơn đau thường có xu hướng nghiêm trọng hơn khi người bệnh nâng tay lên cao, đưa tay qua đầu. Trong một số trường hợp người bệnh có thể bị mất sức lực và cảm thấy cứng khớp vai.
- Rách cơ xoay khớp vai: Cơ xoay khớp vai là nhóm cơ, gân có nhiệm vụ ổn định cánh tay và hỗ trợ thực hiện các động tác nâng tay lên cao. Các tổn thương ở cơ này có thể gây đau nhức bả vai phải hoặc trái và ảnh hưởng đến khả năng nâng đồ vật của người bệnh. Bên cạnh đó, quá trình thoái hóa tự nhiên cũng có thể ảnh hưởng đến cơ xoay khớp vai.
2. Hội chứng vai đông lạnh
Hội chứng vai đông lạnh là tình trạng gây cứng và đau vai gáy. Các dấu hiệu và triệu chứng thường trở nên nghiêm trọng theo thời gian nếu không được điều trị phù hợp.
Nguyên nhân chính gây ra hội chứng này chưa được xác định. Tuy nhiên bệnh tiểu đường, rối loạn tuyến giáp và bệnh Parkinson có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Thông thường tình trạng vai đông lạnh có thể tự cải thiện trong vòng 18 tháng mà không cần điều trị. Tuy nhiên, đôi khi người bệnh có thể cần chăm sóc y tế, bao gồm phẫu thuật, để cải thiện phạm vi hoạt động và ngăn ngừa các biến chứng.
3. Viêm bao hoạt dịch
Bao hoạt dịch là các túi chứa đầy chất lỏng với nhiệm vụ đệm và giảm áp lực lên các khớp vai. Tình trạng viêm sưng có thể xảy ra khi bao hoạt dịch bị tổn thương, chèn ép do té ngã hoặc va chạm trực tiếp. Tuy nhiên, đôi khi các hoạt động lặp lại nhiều lần cũng làm tăng nguy cơ viêm bao hoạt dịch.
Các dấu hiệu phổ biến thường bao gồm đau bả vai trái hoặc phải. Cơn đau thường trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh di chuyển khớp vai.
4. Thoái hóa khớp vai
Thoái hóa khớp vai là tình trạng xảy ra khi sụn (có nhiệm vụ bao phụ các đầu xương vai) bị hao mòn, tổn thương dẫn đến các cơn đau vai và cứng khớp.
Tình trạng thoái hóa khớp có thể phát triển và nghiêm trọng theo thời gian. Ở một số người có tiền sử chấn thương vai do hoạt động thể thao, các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng hơn sau nhiều năm.
Thoái hóa khớp vai có thể gây đau nhức sâu bên trong vai và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của vai. Tình trạng này có thể trở nên nghiêm trọng theo thời gian dẫn đến cứng khớp và gây mất khả năng vươn tay ra sau lưng.
5. Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công vào các lớp lót ở khớp. Tình trạng này thường gây ảnh hưởng đến các khớp nhỏ như các khớp ngón tay. Tuy nhiên, viêm khớp dạng thấp có thể xuất hiện ở bất cứ khớp nào trong cơ thể bao gồm khớp cổ tay, đầu gối và khớp vai.
Khi xuất hiện ở vai, viêm khớp dạng thấp có thể gây đau vai và cứng khớp. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến cả hai vai cùng một lúc.
6. Chấn thương đám rối cánh tay
Các đám rối cánh tay là mạng lưới dày đặc các dây thần kinh tín hiệu từ tủy sống đến vai, cánh tay và bàn tay. Do đó, một chấn thương ở đám rối cánh tay có thể dẫn đến kéo căng, chèn ép các dây thần kinh. Trong trường hợp nghiêm trọng, các dây thần kinh có thể bị rách hoặc tách khỏi tủy sống.
Triệu chứng phổ biến bao gồm đau vai phải hoặc trái. Mức độ của cơn đau phụ thuộc vào mức độ và vị trí của chấn thương. Tuy nhiên, thông thường tình trạng này chỉ ảnh hưởng đến một bên cánh tay.
Các chấn thương nghiêm trọng có thể gây yếu cơ bắp và mất khả năng sử dụng vai, cánh tay và dẫn đến tàn tật vĩnh viễn. Do đó, đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các cơn đau vai gáy kèm theo đau cổ và mất sức lực ở cánh tay.
7. Viêm khớp nhiễm khuẩn
Viêm khớp nhiễm trùng có thể dẫn đến đau đớn ở khớp vai và gây khó khăn khi di chuyển hoặc sử dụng các khớp. Ngoài ra, vai bị ảnh hưởng có thể bị sưng, viêm, đỏ và ấm áp khi chạm vào. Một số người bệnh có thể bị sốt.
Tình trạng nhiễm trùng ở khớp thường phổ biến ở người cao tuổi và trẻ sơ sinh. Khớp gối là khớp dễ bị ảnh hưởng nhất. Tuy nhiên tình trạng này cũng có thể gây ảnh hưởng đến hông, vai và các khớp khác.
Nhiễm trùng có thể trở nên nghiêm trọng nhanh chóng, làm hỏng sụn và xương ở khớp. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để chẩn đoán và điều trị phù hợp.
8. Viêm gân
Viêm gân hoặc kích thích gân ở vai là tình trạng đau đớn và có thể dẫn đến cứng các khớp ở vai. Viêm gân có thể ảnh hưởng đến bất cứ vị trí nào trong cơ thể những thường phổ biến ở quang vai, khuỷu tay, cổ tay, đầu gối và gót chân.
Các triệu chứng và dấu hiệu nhận biết viêm gân khớp vai thường bao gồm gây đau âm ỉ, đặc biệt là khi di chuyển cánh tay hoặc vai. Một số trường hợp có thể bị sưng nhẹ ở khu vực bị ảnh hưởng.
9. Đau tim
Mặc dù không phổ biến nhưng đôi khi tình trạng đau bả vai trái có thể là dấu hiệu của một cơn đau tim, đặc biệt là khi người bệnh cảm thấy đau, căng ở ngực.
Một cơn đau tim xảy ra khi dòng máu đến tim bị tắc nghẽn. Tình trạng này thường liên quan đến sự tích tụ các chất béo, cholesterol và các chất khác tạo thành mảng bám trong các động mạch nuôi dưỡng tim (động mạch vành). Khi các mảng bám này vỡ ra, tạo thành các cục máu đông, gây gián đoạn lưu lượng máu và đau tim.
Một cơn đau tim có thể dẫn đến tử vong. Do đó, nếu nhận thấy các dấu hiệu đau tim, người bệnh nên gọi cho cấp cứu ngay lập tức.
Chẩn đoán đau nhức bả vai
Đau vai có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn, do đó bác sĩ có thể kiểm tra các triệu chứng, thể chất và thực hiện các xét nghiệm phù hợp để hỗ trợ quá trình chẩn đoán.
Bác sĩ tiến hành ấn hoặc tác động lên khớp vai để đánh giá tổn thương và dị dạng ở khớp. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu kiểm tra sức mạnh ở cánh tay và phạm vị hoạt động ở vai.
Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một xét nghiệm hình ảnh như:
- X – quang: Xét nghiệm này có thể hỗ trợ bác sĩ kiểm tra tình trạng tổn thương ở xương, khớp và xác định các dấu hiệu gai xương, thoái hóa khớp, dị dạng hoặc viêm quanh khớp vai.
- MRI: Chụp cộng hưởng từ MRI có thể xác định các tổn thương ở dây chằng, gân, xương và các cơ bắp xung quanh khớp vai.
Nếu nghi ngờ đau vai có thể liên quan đến một cơn đau tim, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện điện tâm đồ, xác định nồng độ enzym tim hoặc siêu âm bụng.
Biện pháp điều trị tình trạng đau vai
Các biện pháp điều trị tình trạng đau mỏi vai phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau. Tuy nhiên, điều quan trọng là người bệnh nên đến bệnh viện để xét nghiệm y tế và điều trị theo phác đồ của bác sĩ chuyên môn.
Các biện pháp xử lý và điều trị thường bao gồm:
1. Điều trị không dùng thuốc
Trong trường hợp đau vai nhẹ và không liên quan đến các bệnh lý nghiêm trọng, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp chăm sóc tại nhà như:
- Nghỉ ngơi: Trong trường trường hợp căng thẳng, áp lực hoặc lạm dụng khớp vai quá mức, người bệnh nên dành thời gian để các khớp và cơ nghỉ ngơi, thư giãn.
- Chườm lạnh: Chườm lạnh có thể cải thiện tình trạng sưng và đau do các chấn thương cấp tính ở vai. Biện pháp này cũng được áp dụng để giảm đau do viêm gân và viêm bao hoạt dịch. Trong hầu hết các trường hợp, chườm lạnh nên được thực hiện ngay khi xuất hiện các cơn đau để tránh viêm nhiễm vai.
- Chườm nóng: Chườm nóng có thể hỗ trợ làm giãn vai, cải thiện tình trạng cứng khớp và giảm đau vai mãn tính.
- Tập thể dục: Vận động, hoạt động thể chất, vật lý trị liệu có thể hỗ trợ tăng cường sức mạnh ở vai và phục hồi khả năng vận động của người bệnh. Tuy nhiên trước khi tiến hành vận động vai, cổ người bệnh nên trao đổi với bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để tránh các rủi ro không mong muốn.
2. Điều trị y tế
Trong trường hợp đau vai nghiêm trọng, người bệnh có thể tham khảo các loại thuốc và biện pháp y tế để cải thiện các cơn đau.
Hai loại thuốc phổ biến nhất thường được chỉ định để điều trị đau vai bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Ibuprofen (không cần kê đơn) hoặc Diclofenac (thuốc kê đơn) thường được chỉ định để điều trị các vấn đề như viêm khớp vai, viêm bao hoạt dịch hoặc viêm gân khớp vai. Trước khi sử dụng thuốc người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về các rủi ro và tác dụng phụ. Bên cạnh đó, bệnh nhân mang thai, có bệnh huyết áp cao, hen suyễn, bệnh thận, viêm loét dạ dày nên thận trọng khi sử dụng thuốc.
- Tiêm steroid vào khu vực khớp vai bị ảnh hưởng có thể giảm đau hiệu quả và góp phần điều trị bệnh viêm khớp.
Ngoài ra, trong các trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để cải thiện các triệu chứng đau bả vai. Phẫu thuật thường được chỉ định khi các biện pháp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả hoặc chấn thương cực kỳ nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, người bệnh không cần phẫu thuật.
Biện pháp phòng ngừa đau vai
Không có biện pháp phòng ngừa tất cả nguyên nhân gây đau vai. Tuy nhiên, thực hành các tư thế hoạt động tốt và thường xuyên vận động cơ thể có thể hỗ trợ kéo dài và tăng cường các cấu trúc ở vai.
Trao đổi với bác sĩ chuyên môn hoặc nhà vật lý trị liệu về các bài tập tăng cường cơ bắp, gân, cơ xoay và ngăn ngừa tình trạng thoái hóa khớp vai.
Nếu có bệnh lý viêm khớp hoặc tổn thương vai trước đó, người bệnh nên dành 15 phút tập thể dục mỗi ngày để ngăn ngừa các nguy cơ trong tương lai.
Đau vai có thể là do viêm xương khớp, viêm gân hoặc do chấn thương ở vai. Người bệnh nên đến bệnh viện thực hiện xét nghiệm và điều trị theo phác đồ của bác sĩ để tránh các rủi ro không mong muốn.
Tin xem thêm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!