Tìm Hiểu Cách Chữa Thoát Vị Đĩa Đệm Bằng Sóng Radio Cao Tần

Chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng radio (sóng cao tần) là một trong những biện pháp điều trị nội khoa. Phương pháp này có thời gian thực hiện nhanh chóng, ít xâm lấn, hiếm phát sinh biến chứng và có thể đem lại hiệu quả từ 80 – 90%. Tuy nhiên trên thực tế, điều trị bằng sóng cao tần có phạm vi chỉ định rất hạn chế và chi phí thực hiện khá cao.

chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng radio
Tìm hiểu cách chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng radio cao tần

Chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng radio cao tần là phương pháp gì?

Thoát vị đĩa đệm là bệnh xương khớp thường gặp ở người trung niên và người lớn tuổi. Bệnh xảy ra khi đĩa đệm bị thoái hóa, chèn ép dẫn đến hiện tượng phình, lỗi, nứt rách khiến nhân nhầy thoát ra bên ngoài. Nhân nhầy bị thoát vị khiến cấu trúc cột sống mất cân bằng, đè nén lên dây chằng, dây thần kinh xung quanh gây ra hiện tượng đau nhức, ê mỏi, nóng rát, châm chích, tê bì và yếu cơ.

Hiện nay, điều trị thoát vị đĩa đệm có nhiều phương pháp bao gồm sử dụng thuốc, vật lý trị liệu, thay đổi lối sống, phẫu thuật, sử dụng laser, sóng radio,… Điều trị bằng sóng radio (sóng cao tần) là một trong những biện pháp nội khoa được áp dụng trong quá trình điều trị. Biện pháp này sử dụng sóng radio với tần số 200 – 1200MHz cùng với nguồn nhiệt từ 40 – 70 độ C nhằm giảm áp lực bên trong đĩa đệm, đưa nhân nhầy thoát vị về vị trí nhằm làm giảm mức độ chèn ép lên dây thần kinh.

So với phẫu thuật, điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng radio có mức độ xâm lấn thấp, ít gây đau, thời gian phục hồi nhanh và ít phát sinh các biến chứng có mức độ nặng.

Phương pháp này được nghiên cứu và ứng dụng vào quá trình điều trị từ năm 1995 và hiện nay đã được ứng dụng tương đối rộng rãi. Một số thực nghiệm lâm sàng nhận thấy, phương pháp này có khả năng cải thiện từ 80 – 90% đĩa đệm thoát vị, giảm cơn đau và hỗ trợ phục hồi chức năng vận động.

Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần – Chỉ định & Chống chỉ định

Mặc dù có mức độ xâm lấn thấp, ít gây đau và tác động trực tiếp đến đĩa đệm tổn thương nhưng phương pháp có phạm vi chỉ định rất hạn chế. Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng radio cao tần được chỉ định trong những trường hợp sau:

Chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần
Phương pháp này được thực hiện đối với trường hợp bệnh mới phát và bao xơ chưa nứt rách
  • Thoát vị đĩa đệm gây đau lưng, tê bì chân, cơn nhức, tê bì, cứng cổ, cơn đau lan ra vùng vai và tay
  • Thoát vị đĩa đệm cổ và thắt lưng đã điều trị nội khoa trong vòng 6 tuần nhưng không có hiệu quả
  • Thoát vị đĩa đệm cấp độ II và III chưa có hiện tượng rách bao xơ (còn gọi là giai đoạn phồng lồi đĩa đệm)
  • Không có các bệnh lý cột sống đi kèm

Chống chỉ định phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần cho các trường hợp sau:

  • Thoát vị đĩa đệm ở giai đoạn IV (bao xơ đã bị rách và vỡ)
  • Lượng nhân nhầy thoát vị lớn
  • Các trường hợp bị thoát vị do chấn thương cột sống hoặc đi kèm với chấn thương
  • Mắc đồng thời nhiều bệnh lý xương sống như dị dạng cột sống, hẹp ống sống cổ và ung thư cột sống

Trên thực tế, bác sĩ sẽ cân nhắc cụ thể về mức độ tổn thương đĩa đệm, độ tuổi, thể trạng,… của từng trường hợp để chỉ định phương pháp phù hợp. Chính vì vậy, một số trường hợp chỉ định và chống chỉ định của biện pháp này có thể không được đề cập trong nội dung bài viết.

Quy trình chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng radio cao tần

Phương pháp điều trị bằng sóng radio cao tần chỉ đem lại hiệu quả khi bệnh có mức độ nhẹ, không có bệnh lý cột sống đi kèm và bao xơ đĩa đệm chưa nứt rách. Áp dụng trong các trường hợp bệnh nghiêm trọng, đã phát sinh biến chứng và có mức độ chèn ép dây thần kinh nặng thường không đem lại cải thiện lâm sàng như mong đợi. 

Do đó trước khi tiến hành điều trị bằng sóng radio cao tần, bắt buộc phải tiến hành thăm khám để bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh lý:

1. Chuẩn bị trước khi thực hiện

Trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám triệu chứng lâm sàng, quan sát cột sống, khả năng vận động,… Sau khi thu thập dữ liệu lâm sàng, bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện chụp X-Quang, CT (chụp cắt lớp vi tính) và chụp MRI (chụp cộng hưởng từ). Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị đo điện cơ để đánh giá mức độ chèn ép lên dây thần kinh.

Thoát vị đĩa đệm là bệnh xương khớp mãn tính có tiến triển dai dẳng. Chính vì vậy hầu hết các trường hợp đều chỉ phát hiện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng và hầu như không có đáp ứng với điều trị nội khoa. Đây cũng là lý do khiến phương pháp điều trị bằng sóng radio không thực sự phổ biến dù có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so sử dụng thuốc và phẫu thuật.

Thoát vị đĩa đệm bằng sóng radio
Trước khi tiến hành, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp X-Quang, MRI, CT để đánh giá tình trạng bệnh lý

Đối với những trường hợp có thể áp dụng phương pháp này, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể trước khi thực hiện. Khác với can thiệp ngoại khoa, điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng radio không nhất thiết phải kiêng cử thuốc hay thức ăn. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, bác sĩ có thể đề nghị ngưng sử dụng thuốc chống đông máu, rượu bia và một số đồ uống chứa cồn khác. Đối với trường hợp thừa cân – béo phì, bác sĩ có thể đề nghị kiểm soát cân nặng trước khi thực hiện.

2. Quá trình thực hiện

Chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng radio cao tần được thực hiện theo trình tự sau:

  • Gây tê trước khi tiến hành nhằm giảm cảm giác đau nhức và khó chịu
  • Sử dụng kim đưa sóng radio vào đĩa đệm bị tổn thương
  • Đưa nguồn nhiệt (40 – 70 độ C) vào đĩa đệm kết hợp với sóng radio nhằm giảm áp lực bên trong và đưa nhân nhầy trở về vị trí ban đầu

Nếu chỉ định đúng, phương pháp này có thể thành công đến 90%. Tuy nhiên, do phạm vi chỉ định hạn chế nên bác sĩ cần phải sàng lọc kỹ để tránh những can thiệp không cần thiết.

3. Chăm sóc sau khi thực hiện

Phương pháp này có thời gian thực hiện khá nhanh chóng (khoảng 20 phút). Sau đó, bệnh nhân cần ở lại bệnh viện trong khoảng vài giờ để bác sĩ đánh giá tình trạng cột sống nhằm kịp thời phát hiện biến chứng và xử lý trong thời gian sớm nhất. Nếu không có vấn đề bất thường, người bệnh có thể trở về nhà trong ngày.

chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng radio cao tần
Nên thực hiện các bài tập nhẹ nhàng để phục hồi cấu trúc cột sống và chức năng vận động

Để quá trình hồi phục diễn ra thuận lợi và hạn chế biến chứng phát sinh, cần chú ý một số vấn đề sau:

  • Tránh vận động mạnh và đi lại nhiều trong vòng 2 tuần đầu tiên. Thay vào đó nên dành thời gian nghỉ ngơi, thực hiện các bài tập vật lý trị liệu hoặc bơi lội để ổn định cấu trúc cột sống và cải thiện chức năng vận động.
  • Hạn chế căng thẳng thần kinh, hút thuốc lá, chất kích thích, rượu bia và cà phê. Các yếu tố này có thể làm chậm quá trình phục hồi của đĩa đệm và kích thích cơn đau bùng phát.
  • Tránh tham gia giao thông trong ít nhất 1 tháng để tránh áp lực lên đĩa đệm. Tình trạng xóc khi điều khiển phương tiện giao thông có thể khiến đĩa đệm bị tổn thương và tạo điều kiện cho nhân nhầy thoát ra bên ngoài.
  • Thay đổi tư thế đứng, ngồi và nằm sai lệch. Tiếp tục duy trì những tư thế này có thể khiến cột sống cong vẹo, dễ nứt rách bao xơ và gây tổn thương đốt sống.
  • Nên xây dựng chế độ ăn uống khoa học, tập trung vào nhóm thực phẩm giàu canxi, vitamin D, vitamin C, magie, sắt, Omega 3 nhằm thúc đẩy tốc độ phục hồi của đĩa đệm và đốt sống.
  • Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ hoặc khi có các dấu hiệu bất thường.

Ưu điểm – Hạn chế của phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng radio

Phương pháp điều trị bằng sóng radio cao tần có ưu điểm vượt trội so với sử dụng thuốc và phẫu thuật. Tuy nhiên phương pháp này có một số hạn chế nhất định như phạm vi chỉ định hạn chế, chi phí khá cao, ít cơ sở y tế thực hiện,…

Vì vậy trước khi quyết định chữa thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp này, bệnh nhân cần cân nhắc giữa ưu điểm và các mặt hạn chế như:

Ưu điểm:

  • Thời gian thực hiện nhanh chóng (khoảng 20 – 30 phút)
  • Mức độ xâm lấn thấp nên ít khi phát sinh các biến chứng nặng nề
  • Sau 24 giờ, bệnh nhân có thể sinh hoạt và đi lại nhẹ nhàng
  • Nếu chỉ định đúng, phương pháp này có thể đem lại hiệu quả từ 80 – 90%
  • Quá trình thực hiện ít gây đau, chảy máu

Hạn chế:

  • Phạm vi chỉ định rất hạn chế, chỉ thích hợp với trường hợp bệnh nhẹ, bao xơ chưa nứt rách
  • Hiệu quả điều trị còn phụ thuộc vào chế độ chăm sóc và cơ địa của từng cá thể
  • Chi phí khá cao, khoảng 30 triệu đồng/ lần điều trị
  • Ít cơ sở y tế thực hiện

Điều trị bằng sóng radio cao tần có thay thế phẫu thuật được không?

Chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng radio cao tần là phương pháp điều trị nội khoa, phạm vi chỉ định hạn chế và không thể thay thế cho phẫu thuật. Phương pháp này chỉ đem lại hiệu quả đối với các trường hợp bệnh mới phát, bao xơ chưa rách, đĩa đệm chỉ bị phình lồi nhẹ và mức độ chèn ép dây thần kinh chưa nghiêm trọng.

Hơn nữa, điều trị bằng sóng radio chỉ được thực hiện đối với các trường hợp không đi kèm với bệnh lý cột sống khác. Tuy nhiên, hầu hết trường hợp thoát vị đĩa đệm đều phát triển từ thoái hóa cột sống và rất hiếm khi khởi phát đơn độc.

chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng radio cao tần
Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng radio cao tần không thể thay thế cho phẫu thuật

Trong khi đó, phẫu thuật được áp dụng trong trường hợp bệnh nặng, điều trị bảo tồn thất bại, bao xơ đĩa đệm nứt rách hoàn toàn, lượng nhân nhầy thoát vị lớn và gây chèn ép nghiêm trọng lên đốt sống, dây chằng và dây thần kinh bao xung quanh cột sống.

Chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng radio cao tần có thể cải thiện được 80 – 90% đĩa đệm bị tổn thương. Tuy nhiên phương pháp này có phạm vi chỉ định hạn chế và chỉ đem lại hiệu quả khi áp dụng đúng trường hợp. Do đó, bệnh nhân đến chủ động đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và đánh giá tình trạng bệnh lý nhằm can thiệp phương pháp phù hợp. 

Tham khảo thêm: Bệnh thoát vị đĩa đệm khi nào được chỉ định phẫu thuật?

5/5 - (8 bình chọn)

GỢI Ý XEM THÊM

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *