Chăm Sóc Bệnh Nhân Viêm Khớp Dạng Thấp (Lập Kế Hoạch)
Nội dung bài viết
Mục tiêu chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp là hỗ trợ giảm đau, khó chịu ở các khớp và tăng cường khả năng hoạt động. Bên cạnh đó, kế hoạch chăm sóc đúng đắn có thể ngăn ngừa các tổn thương và biến chứng liên quan.
Tổng quan về bệnh viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là bệnh viêm khớp mãn tính phổ biến, chiếm khoảng 20% các trường hợp bệnh lý về xương khớp. Nguyên nhân chính xác gây viêm khớp dạng thấp vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên các bác sĩ cho biết, rối loạn hệ thống miễn dịch do di truyền và tác động của môi trường có thể tăng nguy cơ mắc bệnh.
Biểu hiện chính của bệnh viêm khớp dạng thấp là gây sưng, viêm, tổn thương các khớp nhỏ, như khớp ngón tay, và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm tàn tật. Bên cạnh đó, nếu không được điều trị, chăm sóc phù hợp, bệnh có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống cơ thể bao gồm mắt, phổi và tim.
Bệnh viêm khớp dạng thấp là bệnh lý mãn tính, tiến triển nặng dần. Do đó, người bệnh cần có biện pháp điều trị cũng như lập kế hoạch chăm sóc để ngăn ngừa các triệu chứng trở nên nghiêm trọng.
Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp
Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp có thể trở nên nghiêm trọng theo thời gian hoặc được cải thiện nếu được chăm sóc phù hợp. Để cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng, bên cạnh việc điều trị bác sĩ có thể hướng dẫn kế hoạch chăm sóc bệnh viêm khớp dạng thấp để hỗ trợ điều trị.
Kế hoạch chăm sóc cụ thể thường bao gồm các lưu ý như:
1. Nhận định tình hình bệnh lý
Viêm khớp dạng thấp là bệnh mãn tính, phát triển lâu dài và không điều trị được. Do đó, để chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, người chăm sóc cần nhận định và đánh giá mức độ bệnh để có kế hoạch phù hợp.
– Đánh giá tổng thể bao gồm:
- Trạng thái tinh thần của người bệnh, có dấu hiệu trầm cảm hoặc bệnh lý tầm thần hay không.
- Mức độ đau đớn và khả năng vận động.
- Tình trạng và mức độ nghiêm trọng của các cơn đau cũng như cứng khớp vào buổi sáng.
- Có dấu hiệu buồn nôn, nôn hoặc rối loạn tiêu hóa không.
- Kiểm tra lịch sử bệnh lý trong quá khứ và các bệnh lý mãn tính đang cần điều trị.
- Thời gian mắc bệnh và các loại thuốc đang sử dụng.
- Kiểm tra các dấu hiệu các bệnh lý xương khớp khác như thoái hóa khớp hoặc viêm xương khớp.
– Đánh giá tình trạng biến chứng:
- Kiểm tra các dấu hiệu nghiêm trọng bao gồm các biến chứng liên quan đến mắt, phổi hoặc tim không. Có thể trao đổi với người bệnh về các dấu hiệu như có đau mắt, khó thở hoặc chóng mặt hay không.
- Đánh giá mức độ tổn thương ở các khớp, đặc biệt là các khớp nhỏ như khớp ngón tay.
- Kiểm tra dấu hiệu và mức độ nghiêm trọng của các bệnh lý kèm theo. Đặc biệt là người chăm sóc nên chú ý về vấn đề tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày hoặc dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa.
2. Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp
Khi lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp cần chú ý tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Vấn đề cần ưu tiên là đảm bảo sức khỏe, cải thiện khả năng vận động và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
– Chăm sóc cơ bản:
- Dành thời gian để người bệnh nghỉ ngơi. Giúp người bệnh nằm ở tư thế dễ chịu nhất và tránh các tư thế xấu có thể gây biến dạng hoặc tổn thương các khớp.
- Giải thích cho người bệnh về mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như những tư thế có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
- Hỗ trợ người bệnh thực hiện các bài tập cũng như cách luyện tập tăng cường sức khỏe các khớp. Lưu ý cường độ bài tập để tránh các biến chứng như teo cơ, đặc biệt là trong giai đoạn viêm khớp dạng thấp cấp tính.
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh tại các vị trí đau để giảm kích ứng, hỗ trợ chống viêm và giảm bớt khó chịu cho người bệnh.
- Tăng cường bổ sung các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất từ hoa quả tươi và rau xanh.
- Thực hiện vệ sinh cơ thể và khu vực nghỉ ngơi của người bệnh hàng ngày. Vệ sinh bao gồm răng, miệng và da để tránh gây ra các ổ nhiễm khuẩn và phát hiện sớm các ổ nhiễm trùng. Áo quần, khăn trải giường và các vật dụng liên quan cần được giữ sạch sẽ. Nếu xuất hiện các ổ loét da, cần khử trùng bằng nước oxy già hoặc xanh methylen.
- Theo dõi và kiểm soát các tác dụng phụ của thuốc điều trị để có biện pháp xử lý phù hợp.
- Hướng dẫn người bệnh sử dụng các phương tiện hỗ trợ như nạng, gậy, nẹp để chống đỡ cơ thể hoặc thực hiện các vận động cơ bản trong sinh hoạt.
– Thực hiện chỉ định điều trị của bác sĩ chuyên môn:
- Cho bệnh nhân uống thuốc và tiêm thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn. Sử dụng thuốc sau khi ăn no và thông báo cho bác sĩ nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường hoặc tác dụng phụ như đau dạ dày hoặc xuất huyết tiêu hóa xảy ra.
- Thực hiện các xét nghiệm cần thiết khi được chỉ định.
- Tái khám đúng hẹn và mang theo đầy đủ bệnh án.
– Tăng cường khả năng vận động của các khớp:
- Hướng dẫn bệnh nhân luyện tập vận động kết hợp xoa bóp khi các khớp đã giảm đau. Việc luyện tập và xoa bóp cần tiến hành thường xuyên để tránh teo cơ và cứng khớp.
- Hướng dẫn bệnh nhân các biện pháp tự chăm sóc, cải thiện các triệu chứng cũng như ngăn ngừa các tổn thương cơ bản.
– Tăng cường sức khỏe tinh thần:
- Người chăm sóc và gia đình cần dành thời gian tâm sự để cổ vũ tinh thần cũng như giúp người bệnh lạc quan và tránh các biến chứng ảnh hưởng đến tâm lý.
- Bên cạnh đó, cần hỗ trợ, khuyến khích người bệnh luyện tập để hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa nguy cơ tàn phế.
– Tăng cường bổ sung dinh dưỡng:
- Lựa chọn các loại thực ăn cung cấp nhiều năng lượng, vitamin và khoáng chất có lợi như rau quả tươi, cá béo, ngũ cốc nguyên hạt, dầu thực vật (như dầu ô liu) để tăng cường phục hồi hệ thống xương khớp.
- Khuyến khích người bệnh sử dụng nhiều bữa nhỏ với các loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao như thịt nạc, trứng, sữa,…
- Đối với người bệnh thừa cân, béo phì, người chăm sóc cần cắt giảm thức ăn chứa nhiều năng lượng. Điều này có thể hỗ trợ giảm trọng lượng cơ thể, hạn chế áp lực lên khớp và cải thiện các triệu chứng.
3. Đánh giá kế hoạch chăm sóc
Sau quá trình chăm sóc, thực hiện các biện pháp điều trị, người chăm sóc cần tiến hành đánh giá tình trạng bệnh để có biện pháp xử lý phù hợp. Các đánh giá tình hình cụ thể bao gồm:
- Tình trạng các khớp có thuyên giảm không và kiểm tra dấu hiệu sưng, đau cũng như khả năng vận động của người bệnh.
- Đánh giá mức độ tiến triển cũng như khả năng dẫn đến các biến chứng.
- Kiểm tra dấu hiệu các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc điều trị.
- Thông báo cho bác sĩ về các dấu hiệu, triệu chứng cũng như khả năng hồi phục.
Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý mãn tính và không có biện pháp điều trị dứt điểm. Do đó, lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng. Trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn và tư vấn cụ thể.
GỢI Ý XEM THÊM
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!