11 Cây Thuốc Nam Trị Ho Hiệu Quả, Dễ Kiếm Quanh Nhà
Nội dung bài viết
Sử dụng cây thuốc nam trị ho là phương pháp lưu truyền trong dân gian, được nhiều người áp dụng vì nguyên liệu dễ kiếm, cách chế biến đơn giản.Tuy nhiên, phương pháp này có thật sự tốt không và nên lựa chọn cây thuốc nam nào để trị ho. Cùng tìm hiểu thông tin trong bài viết sau đây.
11 cây thuốc nam trị ho dễ kiếm quanh nhà
Trị ho bằng thuốc nam có ưu điểm lành tính, dễ dàng tìm kiếm nguyên liệu lại có thể điều trị ngay tại nhà. Dưới đây là một số cây thuốc nam trị ho được lưu truyền lâu đời trong dân gian, vẫn thường được sử dụng và đem lại hiệu quả cao trong điều trị.
1. Thuốc nam trị ho từ cây húng chanh
Húng chanh (còn gọi là dương tử tô, tần lá dày, rau thơm lông, rau thơm lùn) có vị cay, tính ấm, mùi thơm, hơi chua. Theo đông y, húng chanh có tác dụng thanh nhiệt, bổ phổi, lợi phế, được sử dụng trong điều trị các trường hợp ho có đờm, ho do viêm họng,…
Theo nhiều nghiên cứu, trong thành phần húng chanh còn có các chất như thymol, salicylate, eugenol,….có tác dụng ức chế, kìm hãm vi khuẩn rất tốt.
Tùy theo loại bệnh mà có cách chế biến húng chanh cho phù hợp:
- Chữa ho đờm: Cho 1 nắm lá húng chanh cùng 4-5 quả quất tươi vào xay nhuyễn, lọc lấy nước. Đặt lên bếp chưng cách thủy 20 phút, thêm một ít đường phèn. Sau đó, để nguội chắt lấy nước uống hàng ngày
- Chữa ho kèm đau nhức đầu, cảm cúm: Nấu nước xông từ 1 nắm lá húng chanh, 1 củ gừng và 1-2 củ hành. Xông mỗi ngày 1 lần, mỗi lần kéo dài 20 phút cho ra hết mồ hôi
- Chữa ho do cảm sốt: Sử dụng 1 nắm lá húng chanh, 15g cam thảo, 15g tía tô và 5g gừng tươi sắc lên lấy nước uống. Người bệnh nên sử dụng thuốc khi còn nóng ấm
- Chữa ho do nhiệt kèm theo khàn tiếng, mất tiếng: Giã nhuyễn 1 nắm húng chanh, thêm khoảng 20g đường phèn vào trộn đều. Hãm lấy nước uống mỗi ngày 2 lần
- Chữa ho do cảm hàn, không ra mồ hôi, miệng đắng, có sốt: Chuẩn bị 1 nắm lá húng chanh, 8g tía tô, 5g bạc hà và nửa củ gừng tươi. Sắc lấy nước uống mỗi ngày, nên uống vào buổi sáng để thanh thuốc hiệu quả nhất.
2. Bài thuốc trị ho từ lá hẹ
Trong Đông y, lá hẹ có tính ôn, hơi chua, vị cay và được coi là cây thuốc nam trị ho hiệu quả với tác dụng ôn trung, tiêu đờm, tán độc. Bài thuốc từ lá hẹ phù hợp với mọi đối tượng, kể cả trẻ sơ sinh cũng có thể sử dụng bài thuốc này trị ho mà không lo tác dụng phụ.
Cách sử dụng:
- Chuẩn bị 1 nắm lá hẹ tươi, rửa sạch cho hết bụi bẩn
- Thái khúc lá hẹ, thêm vào bát tô cùng với 1 – 2 viên đường phèn (có thể thay thế bằng mật ong)
- Hấp cách thủy khoảng 20 phút cho hỗn hợp mềm nhuyễn ra nước
- Chắt lấy nước uống 2-3 lần mỗi ngày, mỗi lần sử dụng khoảng 2 thìa cà phê. Nên uống khi còn ấm để phát huy tác dụng tốt nhất
- Kiên trì sử dụng từ 5-7 ngày để thấy tác dụng của bài thuốc
3. Chữa ho với cây rẻ quạt
Dân gian thường lưu truyền những bài thuốc hay với cây rẻ quạt – cây thuốc nam trị ho hiệu quả. Cây rẻ quạt có vị đắng, tính hàn, tác động vào hai kinh can, phế với tác dụng tiêu đờm, giải độc, chữa ho. Tuy nhiên, cần cân nhắc khi sử dụng bài thuốc này vì người bệnh có thể bị bỏng rát vùng miệng và niêm mạc hầu họng nếu dùng quá liều cây rẻ quạt
Cách sử dụng:
- Chuẩn bị 5-7g rẻ quạt (giảm lượng rẻ quạt đi khi sử dụng cho trẻ nhỏ)
- Đun lấy nước uống
- Uống đều đặn ngày 2-3 lần, kiên trì trong vòng 5-7 ngày sẽ thấy hiệu quả
Lưu ý: Ngưng sử dụng thuốc nếu có hiện tượng bỏng rát vùng miệng
4.Bài thuốc trị ho với gừng
Theo y học cổ truyền, gừng có vị cay, tính ấm và có tác dụng rất tốt trong điều trị ho. Gừng có tác dụng tán hàn, làm ấm tỳ vị, giúp giảm triệu chứng ho và có thể sử dụng cho nhiều đối tượng, từ người già đến trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bài thuốc trị ho từ gừng chỉ dùng trong trường hợp ho do cảm sốt, cảm lạnh, không sử dụng trong trường hợp ho do cảm mạo phong nhiệt, say nắng.
Cách sử dụng:
- Cách 1: Chuẩn bị 1-2 củ cải trắng, ½ củ gừng, đem xay nhuyễn lấy nước cốt. Với người lớn, có thể uống trực tiếp phần nước cốt chia 2-3 lần/ngày. Với trẻ em: đun sôi hỗn hợp nước cốt, cho trẻ uống 4-5 lần/ngày
- Cách 2: Chọn gừng già, rửa sạch ,bỏ vỏ, giã nhuyễn, thêm nước đun sôi trong khoảng 20 – 30 phút. Lọc bỏ bã gừng, thêm 1-2 thìa mật ong và uống 2 lần/ngày. Lưu ý thay mật ong bằng đường phèn nếu sử dụng cho trẻ dưới 1 tuổi
- Cách 3: Chuẩn bị khoảng 50g gừng tươi, giã nhỏ, đun sôi với nước. Hạ lửa nhỏ lăn tăn, thêm khoảng 20g muối hạt, đun cho hòa tan hoàn toàn. Sử dụng làm nước súc miệng mỗi ngày
Lưu ý: Không sử dụng bài thuốc từ gừng cho bệnh nhân bị viêm dạ dày, viêm thận, đái tháo đường, viêm gan, âm hư hỏa vượng, hạch phổi
5. Thuốc nam trị ho từ cây diếp cá
Thành phần chính của cây diếp cá chứa nhiều hoạt chất kháng viêm, kháng khuẩn nên được coi là cây thuốc nam trị ho rất hiệu quả. Đặc biệt, diếp cá có vị chua, tính mát nên còn được sử dụng trong trường hợp thải độc gan, cơ thể nóng, sát khuẩn, chống dị ứng, chữa ho,…Mùi vị của bài thuốc từ diếp cá hơi khó uống (có vị tanh) nên ít được sử dụng cho trẻ nhỏ và người bệnh không quen hương vị.
Cách sử dụng:
- Chuẩn bị một nắm rau diếp cá, rửa sạch, giã nhuyễn
- Đun sôi hỗn hợp nước vo gạo, rau diếp cá trong khoảng 20 phút
- Lọc lấy nước uống ngay khi còn ấm, sử dụng 2 – 3 lần/ngày, kiên trì từ 5-7 ngày
- Có thể thêm đường phèn/mật ong nếu người bệnh không chịu được mùi vị tự nhiên của diếp cá (không sử dụng mật ong cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi)
6. Cam thảo – Cây thuốc nam trị ho hiệu quả
Theo Đông y, cam thảo có tính bình, vị ngọt, quy 12 kinh, có tác dụng chính là thanh nhiệt, giải độc, tiêu đờm hỗ trợ chữa ho. Ngoài ra, trong cam thảo chứa nhiều thành phần kháng viêm, kháng khuẩn có khả năng làm lành các ổ viêm trong cổ họng, giảm tình trạng ho do viêm họng
Cách sử dụng:
- Cách 1: Sử dụng bột cam thảo (10g/lần sử dụng), thêm nước ấm vừa đủ, khuấy đều cho tan hoàn toàn. Thêm nước cốt chanh vào ly cam thảo, khuấy tan và sử dụng 2 lần/ngày đến khi hết bệnh
- Cách 2: Chuẩn bị 10g bột cam thảo và 10 lá trà xanh tươi. Hãm lá trà xanh trong nước sôi 20 phút, thêm bột cam thảo vào khuấy đều cho tan. Sử dụng ngay khi còn ấm, mỗi ngày 2 lần.
7. Bài thuốc trị ho với cây cải cúc
Trong nhiều tài liệu y học cổ truyền, cải cúc được đưa vào danh sách các cây thuốc nam trị ho hiệu nghiệm. Với tính mát, vị hơi đắng, mùi thơm, cải cúc có tác dụng tiêu độc, thanh đàm hỏa, đặc trị các chứng ho lâu ngày không khỏi, viêm phế quản, ho khan, ho có đờm. Ngoài ra, còn có thể sử dụng cải cúc trong bài thuốc giảm ngứa rát cổ họng, chữa ho cho trẻ nhỏ
Cách sử dụng:
- Chữa ho cho trẻ nhỏ: Chuẩn bị khoảng 20g cải cúc, rửa sạch, thái nhỏ vừa ăn. Cho nguyên liệu vào bát, thêm mật ong/đường phèn, chưng cách thủy 15 – 20 phút. Khi uống, cho trẻ ăn cả nước lẫn cái đều đặn 2 lần/ngày
- Chữa ho cho người lớn: Trực tiếp nấu canh cải cúc ăn hàng ngày. Hoặc giã nhuyễn cải cúc, lọc lấy nước cốt, pha thêm nước ấm và mật ong, sử dụng hàng ngày.
8. Trị ho với lá xương sông
Lá xương sông là cây thuốc nam trị ho, tiêu đờm, hỗ trợ điều trị viêm họng hiệu quả. Ngoài ra, sử dụng các bài thuốc từ lá xương sông còn có thể hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn, giảm các triệu chứng đầy bụng, nôn mửa.
Cách sử dụng:
- Rửa sạch 3-4 lá xương sông mỗi lần sử dụng, cho vào 1 cái bát tô
- Thêm 1-2 thìa mật ong, đem hấp cách thủy khoảng 20 – 30 phút
- Chắt lấy phần nước cốt, chia ra và sử dụng 2-3 lần/ ngày, đều đặn trong vòng 5-7 ngày
9. Chữa ho với tỏi
Tỏi là cây thuốc nam trị ho với tính ấm, vị hăng nên còn có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, làm ấm cơ thể rất tốt. Đặc biệt, trong thành phần của tỏi chứa nhiều hoạt chất như Allicin, Ajoene, Diallyl Sulfide,…cùng với nhiều vitamin A, B, D hỗ trợ cơ thể nâng cao sức đề kháng.
Cách sử dụng:
- Cách 1: Chuẩn bị 2-3 nhánh tỏi, đập dập, chưng cách thủy cùng mật ong khoảng 20 phút. Chia làm 3 lần uống, mỗi lần khoảng 2 thìa nước cốt
- Cách 2: Chuẩn bị 1 cốc sữa nóng, đập dập 1-2 nhánh tỏi cho vào sữa. Uống từng ngụm nhỏ khi sữa còn ấm để làm sạch cổ họng, giảm ngứa rát họng và ho
- Cách 3: Chuẩn bị vài nhánh tỏi, 1-2 thìa hạt mùi. Thêm nước vào hỗn hợp, hấp cách thủy trong vòng 15-20 phút rồi chắt lấy nước uống. Không áp dụng bài thuốc này với trẻ nhỏ
10. Rễ dâu trị ho hiệu quả tại nhà
Rễ dâu (hay còn gọi là tang bạch bì) là một cây thuốc nam trị ho thường được sử dụng trong Đông y. Thực chất, tang bạch bì là nguyên liệu chế biến từ rễ dâu và mật ong theo tỉ lệ 1:1, ngâm trong thời gian quy định. Vị thuốc có tính bình, vị ngọt, tác động vào phế, tỳ, vị có tác dụng giảm các triệu chứng ho, ngứa rát cổ họng, ho do viêm họng hiệu quả.
Cách sử dụng:
- Bài thuốc chữa ho thông thường: Chuẩn bị 12g tang bạch bì (rễ dâu đã qua chế biến), sắc lấy nước uống hàng ngày. Có thể sử dụng trực tiếp vỏ rễ dâu sắc uống
- Bài thuốc chữa ho ra máu: Sử dụng bột tang bạch bì, hòa với nước cơm nóng ấm (mỗi lần sử dụng 10-20g). Kiên trì sử dụng như vậy trong 1-2 tuần sẽ thấy giảm triệu chứng ho đáng kể
- Bài thuốc chữa ho do phế nhiệt, đi kèm viêm họng có sốt, khó thở: Tang bạch bì 20g; Địa cốt bì 20g; Cam thảo 8g. Sắc lấy nước uống mỗi ngày một thang, chia 2 lần/ngày, sử dụng đều đặn vào buổi sáng và buổi tối
11. Lá bạc hà
Các trường hợp bị ho dai dẳng kéo dài kèm theo suy nhược cơ thể, ăn ngủ kém, bạn có thể kết hợp dùng lá bạc hà khô cùng một số vị thảo dược khác như cam thảo, cát cánh, ngưu bàng và huyền sâm. Khi các vị thảo dược này kết hợp với nhau theo tỷ lệ nhất định sẽ tạo thành bài thuốc có tác dụng tiêu đơm, giảm ho, đồng thời giúp cơ thể phục hồi và bồi bổ sức khoẻ rất tốt.
Chuẩn bị:
Cam thảo 10g
Cát cánh 10g
Ngưu bàng 10g
Huyền sâm 10g
Bạc hà 5g
Cách làm:
Sắc hỗn hợp kia thành nước uống mỗi ngày ngày một thang. Kiên trì dùng tới khi khỏi bệnh.
Lưu ý khi trị ho bằng thuốc nam tại nhà
Những bài thuốc từ cây thuốc nam trị ho được lưu truyền từ lâu đời, được nhiều người tin tưởng sử dụng vì sự an toàn mà nó mang lại. Nguyên liệu hoàn toàn có thể dễ dàng kiếm quanh nhà, cách chế biến đơn giản, người bệnh có thể sử dụng lâu dài mà không lo tác dụng phụ như những phương pháp sử dụng thuốc khác.
Tuy nhiên, bất kì phương pháp chữa bệnh nào đều có ưu nhược điểm riêng. Để hạn chế việc bệnh diễn tiến nghiêm trọng, khi sử dụng các bài thuốc nam chữa ho, người bệnh cần lưu ý:
- Lựa chọn cây thuốc, vị thuốc ở vùng đất sạch sẽ, đảm bảo an toàn. Không lấy nguyên liệu từ những nơi có nguồn nước ô nhiễm hoặc gần khu vực ô nhiễm
- Không tự ý sử dụng các bài thuốc nam trị ho cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Tốt nhất bố mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ đông y để có cách điều trị thích hợp nếu muốn sử dụng phương pháp này
- Các bài thuốc nam thường đem lại hiệu quả khá lâu vì thế cần sự kiên trì sử dụng hàng ngày trong thời gian dài
- Nhiều bài thuốc chỉ là truyền miệng trong dân gian. Vì thế, người bệnh cần ngưng sử dụng nếu thấy bất kỳ biểu hiện bất thường nào xảy ra
- Những bài thuốc này thường chỉ hiệu quả với ho mới khởi phát (khi tác nhân gây bệnh mới tấn công). Các trường hợp nặng hơn cần đến khám tại các cơ sở y tế để có phác đồ điều trị phù hợp
- Bệnh nhân ho khan, ho có đờm có biểu hiện sốt cao nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán xác định nguyên nhân chính xác và có biện pháp điều trị thích hợp
- Các nguyên liệu, cây thuốc đều rất lành tính, tuy nhiên có thể gây dị ứng với cơ địa một số người. Vì thế, cần lưu ý và ngưng thuốc ngay nếu có biểu hiện bất thường.
- Kết hợp việc điều trị với điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ để nhanh chóng trị dứt điểm bệnh ho
Bệnh ho gây ra bởi nhiều nguyên nhân và là biểu hiện của nhiều bệnh lý đường hô hấp khác nhau. Các phương pháp sử dụng cây thuốc nam trị ho, giảm đau họng được lưu truyền trong dân gian ngày càng được sử dụng phổ biến. Để hỗ trợ việc điều trị nhanh chóng nhất, người bệnh cần kết hợp việc sử dụng thuốc với ăn uống, nghỉ ngơi điều độ, vận động nhẹ nhàng để sớm hết bệnh.
THÔNG TIN HỮU ÍCH:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!