Bà Bầu Bị Viêm Da Cơ Địa Có Ảnh Hưởng Tới Thai Nhi?

Bà bầu thường bị viêm da cơ địa do hormone thay đổi đột ngột, hệ miễn dịch, thể trạng suy giảm và lo âu quá mức. Mặc dù chỉ gây tổn thương ngoài da nhưng nếu không can thiệp điều trị, bệnh lý này còn thể gây ngứa ngáy dữ dội, mất ngủ, mệt mỏi, ăn uống kém và gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Bà bầu bị viêm da cơ địa
Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị viêm da cơ địa và các bệnh da liễu mãn tính

Bà bầu bị viêm da cơ địa & dấu hiệu nhận biết

Viêm da cơ địa (eczema thể địa) ở phụ nữ mang thai thường khởi phát do nồng độ nội tiết bất ổn, tâm lý căng thẳng, hệ miễn dịch và thể trạng suy giảm. Mặc dù chỉ gây thương tổn ngoài da nhưng bệnh lý này có tính chất dai dẳng, mãn tính, gây ngứa ngáy kéo dài và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.

Eczema thể địa là một dạng tổn thương da mãn tính, có liên quan đến yếu tố cơ địa dị ứng và di truyền. Tuy nhiên bệnh chỉ phát sinh triệu chứng lâm sàng khi có yếu tố kích thích, bao gồm yếu tố nội giới và ngoại giới. Các thay đổi về tâm sinh lý trong thời gian mang thai được xem là yếu tố tác động đến hệ miễn dịch, hoạt hóa tế bào gây viêm và làm phát sinh biểu hiện lâm sàng của bệnh lý này.

Bà bầu bị viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa khi mang thai thường xuất hiện ở vùng ngực, cổ, khuỷu tay, bụng và đầu gối

Các dấu hiệu nhận biết viêm da cơ địa ở phụ nữ mang thai:

  • Tổn thương khởi phát chủ yếu ở vùng cổ, ngực, khuỷu tay, đầu gối, bụng, mu bàn tay và bàn chân
  • Ban đầu, da xuất hiện mảng da có màu đỏ/ hồng và có ranh giới tương đối rõ ràng với các vùng da xung quanh
  • Sau đó bề mặt da nổi nhiều mụn nước có kích thước nhỏ, mật độ dày đặc và dễ vỡ
  • Da rỉ dịch, ẩm ướt, viêm đỏ, đau rát và phù nề
  • Sau một thời gian, da có hiện tượng khô lại và bong vảy tiết
  • Trong giai đoạn này, tổn thương da ít gây đau nhưng thường gây ngứa ngáy dữ dội và kích thích phản ứng gãi
  • Gãi cào liên tục lên vùng da tổn thương khiến da dày sừng, thâm nhiễm và ngứa ngáy dữ dội

Thống kê cho thấy, viêm da cơ địa thường xuất hiện trong 3 tháng đầu thai kỳ bởi đây là giai đoạn mẹ bầu có nhiều thay đổi về mặt sinh lý và tâm lý.

Nguyên nhân gây viêm da cơ địa ở phụ nữ mang thai

Căn nguyên của viêm da cơ địa được xác định là do yếu tố di truyền (bất thường ở nhiễm sắc thể) và thể địa dị ứng. Tuy nhiên bệnh chỉ khởi phát khi có các yếu tố kích thích.

bà bầu bị viêm da cơ địa phải làm sao
Căng thẳng thần kinh và lo âu quá mức có thể kích thích viêm da cơ địa bùng phát

Đối với phụ nữ mang thai, các yếu tố có khả năng kích thích viêm da cơ địa bùng phát bao gồm:

  • Nội tiết tố bất ổn: Khi quá trình thụ tinh xảy ra, buồng trứng có xu hướng tăng sản sinh hormone prolactin và progesterone. Sự gia tăng hormone một cách đột ngột có thể kích thích các tế bào tiền viêm, tăng IgE trong huyết tương và làm bùng phát tổn thương da.
  • Sức đề kháng giảm: Trong 3 tháng đầu thai kỳ, hệ miễn dịch của mẹ bầu thường có xu hướng suy giảm. Đây là điều kiện thuận lợi để viêm da cơ địa và các bệnh da liễu mãn tính bùng phát.
  • Lo âu quá mức: Phụ nữ mang thai thường có tâm lý lo âu và căng thẳng – đặc biệt là ở những người lần đầu làm mẹ. Tâm lý căng thẳng cộng với thể trạng và hệ miễn dịch suy yếu chính là yếu tố kích thích biểu hiện lâm sàng của viêm da cơ địa khởi phát.
  • Ảnh hưởng của hội chứng ốm nghén: Chứng ốm nghén ở bà bầu không tác động trực tiếp đến bệnh viêm da cơ địa. Tuy nhiên hội chứng này có thể khiến mẹ bầu mệt mỏi, ăn uống kém, mất ngủ,… dẫn đến tình trạng thể trạng suy yếu, giảm chức năng miễn dịch và tăng nguy cơ bị viêm da cơ địa.
  • Yếu tố khác: Ngoài ra, viêm da cơ địa khi mang thai còn có thể xuất hiện do các yếu tố kích thích khác như thời tiết thay đổi đột ngột, dị ứng phấn hoa, côn trùng, mủ thực vật, lông chó mèo, thức ăn,… Tuy nhiên các yếu tố này chỉ đóng vai trò thứ yếu trong cơ chế khởi phát bệnh ở phụ nữ mang thai.

Bà bầu bị viêm da cơ địa có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Phụ nữ mang thai có hệ miễn dịch, nội tiết tố và sức khỏe bất ổn nên triệu chứng do viêm da cơ địa gây ra thường có xu hướng kéo dài và tiến triển dai dẳng. Mặc dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng bệnh lý này có thể gây ngứa ngáy, bứt rứt, khó chịu, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, mất ngủ và ăn uống kém.

viêm da cơ địa khi mang thai
Mặc dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng viêm da cơ địa có gây ngứa ngáy dữ dội và dai dẳng

Viêm da cơ địa chỉ gây tổn thương ngoài da và hầu như không gây nguy hiểm cho thai nhi. Tuy nhiên nếu không khắc phục đúng cách, bệnh có thể bùng phát mạnh khiến mẹ bầu mệt mỏi, suy nhược và mất ngủ. Sức khỏe của thai phụ suy giảm có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi khiến trẻ sinh ra ốm yếu, gầy gò và nhẹ cân.

Ngoài ra, viêm da cơ địa còn có khả năng di truyền từ mẹ sang con. Thống kê cho thấy, khoảng 60% trẻ mắc bệnh lý này có tiền sử gia đình bị các bệnh liên quan đến cơ địa như viêm mũi dị ứng, hen suyễn, sốt cỏ khô và eczema thể địa. Hơn nữa, nguy cơ di truyền còn có thể tăng lên nếu bệnh khởi phát trong giai đoạn mang thai.

Bà bầu bị viêm da cơ địa phải làm sao?

Khác với người khỏe mạnh, phụ nữ mang thai có thể gặp phải rủi ro và tác dụng phụ khi sử dụng thuốc. Vì vậy điều trị ưu tiên đối với viêm da cơ địa ở bà bầu là chăm sóc và cải thiện tại nhà.

Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc bôi và thuốc uống an toàn để giảm thương tổn ngoài da, cải thiện ngứa ngáy và ngăn ngừa biến chứng.

1. Áp dụng biện pháp cải thiện tại nhà

Các biện pháp cải thiện tại nhà có thể giảm nhẹ tổn thương da, ngứa ngáy và hạn chế triệu chứng tiến triển nặng nề. Một số biện pháp làm giảm viêm da cơ địa ngay tại nhà mẹ bầu có thể áp dụng:

viêm da cơ địa khi mang thai
Sử dụng kem dưỡng ẩm giúp làm mềm, giảm kích ứng và hỗ trợ cải thiện viêm da cơ địa ở bà bầu
  • Cách ly với dị nguyên: Các yếu tố kích thích như thức ăn gây dị ứng, phấn hoa, hóa chất, kim loại, nấm mốc, côn trùng,… có thể khiến tổn thương da lây lan rộng, ngứa ngáy nhiều và chậm lành. Hơn nữa, thường xuyên tiếp xúc với dị nguyên còn kích thích viêm da cơ địa tái đi tái lại và tăng nguy cơ viêm nhiễm. Vì vậy, mẹ bầu nên cách ly với dị nguyên để tránh tác động xấu đến tiến triển của bệnh.
  • Tắm nước mát: Trong giai đoạn cấp, viêm da cơ địa thường gây nóng rát, phù nề và ngứa ngáy. Để làm giảm các triệu chứng này, bạn có thể tắm nước mát hoặc chườm lạnh. Nhiệt độ mát giúp làm co mạch máu, giảm viêm, sưng đỏ và làm dịu vùng da kích ứng.
  • Dùng thảo dược: Nếu ngứa ngáy nhiều, mẹ bầu có thể dùng lá chè xanh, trầu không hoặc lá sài đất để nấu nước tắm. Các thảo dược này có tác dụng tiêu viêm, sát trùng, giảm ngứa và phục hồi các mô da hư tổn.
  • Sử dụng kem dưỡng: Dùng kem dưỡng thường xuyên giúp làm mềm da, giảm khô ráp, bong tróc và phục hồi màng lipid trên bề mặt. Ngoài ra, biện pháp này còn có tác dụng giảm ngứa ngáy, viêm đỏ và hạn chế tổn thương da lan tỏa rộng. Tuy nhiên để hạn chế hiện tượng kích ứng, bạn nên lựa chọn các loại kem dưỡng ẩm dành riêng cho người bị viêm da cơ địa.

2. Sử dụng thuốc bôi + thuốc uống

Trong trường hợp tổn thương da không thuyên giảm hoàn toàn khi áp dụng các biện pháp tại nhà, mẹ bầu nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và chỉ định loại thuốc phù hợp.

viêm da cơ địa có ảnh hưởng đến thai nhi
Thuốc bôi chứa Panthenol có độ an toàn cao và có thể dùng cho phụ nữ mang thai

Các loại thuốc có thể được dùng trong điều trị viêm da cơ địa ở phụ nữ mang thai:

  • Thuốc bôi chứa Zinc oxide: Zinc oxide có tác dụng sát trùng, làm dịu và bảo vệ da. Ngoài ra, thuốc bôi chứa thành phần này còn giúp làm mềm da, giảm kích ứng và ngứa ngáy.
  • Thuốc bôi chứa Ceramides: Ceramides là thành phần cấu tạo màng lipid – lớp chất béo trên bề mặt có tác dụng bảo vệ da. Thuốc bôi chứa Ceramides được sử dụng để phục hồi hàng rào bảo vệ, tăng cường chức năng miễn dịch của da và giảm nhẹ triệu chứng do viêm da cơ địa gây ra.
  • Thuốc bôi chứa Panthenol: Panthenol là dẫn xuất của vitamin B5, có tác dụng phục hồi, làm dịu và tái tạo tế bào thượng bì. Sử dụng thuốc bôi chứa thành phần này có thể giảm dày sừng, thâm nhiễm, ngứa ngáy và tăng cường chức năng miễn dịch cho da.
  • Thuốc kháng histamine H1: Thuốc kháng histamine H1 là loại thuốc uống khá an toàn đối với phụ nữ mang thai và cho con bú. Thuốc có tác dụng giảm ngứa ngáy và cải thiện thương tổn da bằng cách ức chế phóng thích histamine vào da và niêm mạc.

Ở những trường hợp có mức độ nặng, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng thuốc bôi chứa acid salicylic, corticoid và một số loại thuốc uống khác. Tuy nhiên hầu hết các loại thuốc này đều có thể gây ra rủi ro và tác dụng phụ. Vì vậy bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng giữa nguy cơ và lợi ích trước khi chỉ định cho phụ nữ mang thai.

3. Liệu pháp ánh sáng (quang trị liệu)

Quang trị liệu là biện pháp điều trị y tế thường được dùng trong điều trị viêm da cơ địa ở phụ nữ mang thai. Biện pháp này sử dụng tia UVA và UVB nhân tạo nhằm biệt hóa tế bào, ức chế các chất tiền viêm và giảm tổn thương da.

Liệu pháp ánh sáng đem lại hiệu rõ rệt trong việc giảm ngứa, cải thiện sưng viêm, khô ráp, dày sừng và tương đối an toàn với phụ nữ mang thai. Liệu pháp này thường được cân nhắc khi viêm da cơ địa có mức độ nặng, gây ngứa ngáy dữ dội và lan tỏa rộng.

Mặc dù được đánh giá an toàn với phụ nữ mang thai nhưng lạm dụng quang trị liệu có thể kích thích sản sinh sắc tố melanin, thúc đẩy tốc độ lão hóa và tăng nguy cơ ung thư da. Vì vậy, mẹ bầu chỉ nên thực hiện biện pháp này khi có chỉ định của bác sĩ.

Chế độ chăm sóc cho bà bầu bị viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa có cơ chế bệnh sinh phức tạp và dễ tái phát. Vì vậy bên cạnh biện pháp điều trị, mẹ bầu nên thực hiện chế độ chăm sóc khoa học để kiểm soát tổn thương da, giảm ngứa ngáy và hạn chế tình trạng tái phát.

Trên thực tế, nếu chỉ tập trung sử dụng thuốc hoặc áp dụng quang trị liệu, tổn thương da có xu hướng tái đi tái lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình và chất lượng cuộc sống.

Bà bầu bị viêm da cơ địa
Mẹ bầu nên dành thời gian nghỉ ngơi để kiểm soát căng thẳng và giảm triệu chứng viêm da cơ địa

Các biện pháp chăm sóc cho bà bầu bị viêm da cơ địa:

  • Mẹ bầu nên dành thời gian nghỉ ngơi và giảm khối lượng công việc trong suốt thời gian thai kỳ. Làm việc quá sức có thể khiến thể trạng suy giảm, căng thẳng và kích thích viêm da cơ địa tái phát nhiều lần.
  • Nên giữ vệ sinh cơ thể, mặc quần áo rộng rãi và có chất liệu thông thoáng để giảm ma sát lên da.
  • Hạn chế gãi cào lên vùng da tổn thương. Thói quen này có thể khiến da bị viêm nhiễm, lở loét và chảy máu. Hơn nữa, thói quen gãi cào còn kích thích tổn thương da lan rộng, chậm lành và tăng hiện tượng dày sừng, thâm nhiễm.
  • Trong thời gian mang thai, nên cố gắng ăn uống đầy đủ và tập thể dục thường xuyên nhằm nâng cao sức khỏe và đảm bảo sự phát triển của thai nhi.
  • Có thể giải tỏa căng thẳng bằng cách ngồi thiền, nghe nhạc, đọc sách hoặc tâm sự với bạn đời các suy nghĩ tiêu cực.
  • Làn da của phụ nữ mang thai thường có mỏng và nhạy cảm. Vì vậy, nên cân nhắc thay đổi sữa rửa mặt, sữa tắm và các sản phẩm chăm sóc da.
  • Nên tắm nắng từ 5 – 10 phút vào mỗi buổi sáng. Vitamin D từ ánh nắng có thể giúp thai nhi phát triển toàn diện, nâng cao hệ miễn dịch và hỗ trợ ức chế các rối loạn chuyển hóa của da.

Viêm da cơ địa khi mang thai chỉ làm phát sinh tổn thương ngoài da và không gây nguy hiểm đến thai nhi. Tuy nhiên nếu không can thiệp điều trị, bệnh có thể gây ngứa ngáy kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sinh hoạt và giấc ngủ. Vì vậy mẹ bầu nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn các biện pháp điều trị an toàn.

Đánh giá bài viết

Bài thuốc An Bì Thang hiện đang được phân phối độc quyền tại Trung tâm Da liễu Đông y Việt Nam. Hàng ngàn người đã và đang sử dụng bộ sản phẩm này. Họ đánh giá sao về bài thuốc?

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *