Bị á sừng ở chân: Cách chăm sóc và chữa trị tốt nhất

Bệnh á sừng ở chân gây ra rất nhiều khó chịu và phiền toái trong sinh hoạt. Đặc biệt ở vị trí này do thường xuyên có tiếp xúc nên tổn thương rất dễ diễn tiến nặng. Tuy nhiên nếu sớm can thiệp điều trị đúng cách thì các triệu chứng sẽ nhanh chóng được khắc phục.

á sừng ở chân
Bệnh á sừng ở chân cần được điều trị sớm để tránh phát sinh các vấn đề rủi ro ngoại ý

Bị á sừng ở chân – Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết

Bệnh á sừng được nhận định là một dạng của viêm da cơ địa đặc trưng bởi tình trạng da khô và bong tróc. Tình trạng bệnh có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể. Trong đó, chân là một trong những vị trí ưa thích của bệnh lý da liễu này.

Vùng da bị ảnh hưởng thường sẽ bị ngứa, đôi khi còn nổi mụn nước. Vào mùa đông tình trạng nứt nẻ có thể diễn tiến nặng. Phần da bệnh có xu hướng bị toét ra, rướm máu gây đau đớn, khó khăn khi đi lại.

1. Nguyên nhân

Cho đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh á sừng ở chân vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên một số yếu tố dưới đây có thể liên quan và làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Yếu tố di truyền: Á sừng ở chân và các dạng viêm da cơ địa khác thường có nguy cơ dễ xảy ra hơn nếu trong gia đình có bố/ mẹ hay người thân cận huyết mắc bệnh.
  • Cơ địa dị ứng: Hệ miễn dịch bị rối loạn có thể gây ra sự phản ứng quá mẫn của cơ thể với các chất gây hại từ môi trường bên ngoài và tạo ra trạng thái tấn công ngược lại da.
  • Thường xuyên để cho vùng da chân tiếp xúc với xà phòng, nước bẩn, chất tẩy rửa, bột giặt…
  • Thường xuyên tắm nước nóng hay sử dụng nước nóng để ngâm chân.
  • Lạm dụng lò sưởi, điều hòa tại nhà hay nơi làm việc.
  • Một số thay đổi về nội tiết tố như dậy thì, mang thai hay mãn kinh cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh á sừng ở chân.
  • Sống trong vùng khí hậu khô lạnh, nhiệt độ thấp và độ ẩm cao.
  • Chế độ dinh dưỡng không phù hợp cũng có thể là yếu tố liên quan. Sự thiếu hụt các vitamin thường khiến cho lớp sừng trên da dễ bị tổn thương hơn.
  • Ngoài ra, chăm sóc da chân không đúng cách cũng có thể khiến cho nguy cơ mắc bệnh á sừng tăng lên.

2. Dấu hiệu nhận biết

Á sừng ở chân là vấn đề bệnh lý tương đối phổ biến và dễ nhận biết. Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp:

  • Vùng da chân bị khô ráp, đỏ lên. Vị trí bị ảnh hưởng nhiều thường là ở các đầu ngón chân, rìa bàn chân, gan bàn chân.
  • Phần gót chân hay đầu ngón chân có thể bị khô nứt.
  • Lâu dần vùng da bệnh sẽ có dấu hiệu nứt nẻ và bong trong. Nhiều trường hợp còn dẫn đến rướm máu và đau nhức.
  • Sau một thời gian, da chân có thể bị bong tróc thành từng mảng, trở nên sần sùi và xù xì.
  • Khi thời tiết chuyển lạnh, da dễ bị nứt toác ra và chảy máu, ở vị trí kẽ các ngón chân thường bị nứt sâu hơn.
dấu hiệu bệnh á sừng ở chân
Vùng da ở gót chân bị á sừng có thể trở nên khô ráp và nứt nẻ

Bị á sừng ở chân có lây không? Nguy hiểm không?

Á sừng ở chân là bệnh da liễu không liên quan tới vi khuẩn hay virus. Chính vì vậy mà bệnh lý này không có khả năng lây nhiễm. Việc tiếp xúc với vùng da bệnh từ người mắc á sừng ở chân là hoàn toàn vô hại.

Theo nhận định từ các chuyên gia, á sừng là bệnh lý lành tính. Mặc dù có gây ra các triệu chứng khó chịu và phiền toái nhưng lại không ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cũng như tính mạng.

Tuy nhiên chân là vị trí thường xuyên xảy ra tiếp xúc trong quá trình đi lại, di chuyển. Vì vậy nếu không chú ý điều trị thì các tổn thương có thể trở nên nặng nề. Hơn nữa còn làm phát sinh các vấn đề rủi ro.

Dưới đây là một số biến chứng có thể gặp khi không kiểm soát và điều trị sớm bệnh á sừng ở chân:

– Nhiễm trùng, bội nhiễm da:

Tổn thương trên bề mặt da khô có thể trở nặng, nứt nẻ, chảy máu và hình thành nên các vết thương hở. Lúc này các tác nhân gây hại, nhất là vi khuẩn có thể xâm nhập, tấn công và gây nhiễm trùng. Trường hợp không điều trị kịp thời vì vùng da bệnh có thể bị hoại tử, hình thành sẹo vĩnh viễn.

– Suy giảm chức năng bảo vệ da:

Khi mắc bệnh á sừng ở chân thì nhiều tế bào da sẽ bị tổn hại và trở nên yếu đi. Làn da thường nhạy cảm, rất dễ bị kích ứng. Ngoài ra còn giảm khả năng bảo vệ, rất dễ bị tấn công từ các yếu tố bên ngoài.

Cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị dứt điểm bệnh á sừng ở chân. Các tổn thương mà bệnh gây ra thường kéo dài dai dẳng và tái đi tái lại theo chu kỳ. Nó thường khiến cho người bệnh e ngại và tự ti khi tiếp xúc với những người xung quanh.

Cách chữa trị tốt nhất khi bị á sừng ở chân

Mặc dù không có giải pháp điều trị dứt điểm 100% bệnh á sừng ở chân nhưng nếu can thiệp kịp thời và đúng cách thì các triệu chứng của bệnh sẽ nhanh chóng được khắc phục.

Dưới đây là một số giải pháp điều trị có thể đáp ứng tốt với bệnh á sừng ở chân:

1. Điều trị bằng Tây y theo chỉ dẫn của bác sĩ

Đây là giải pháp rất tiện lợi và đem lại hiệu quả nhanh. Khi phát hiện ra các triệu chứng của bệnh thì tốt nhất bạn nên thăm khám để được bác sĩ hướng dẫn điều trị đúng cách.

– Dưỡng ẩm cho vùng da tổn thương:

Dưỡng ẩm là điều rất quan trọng đối với quá trình điều trị các vấn đề về da. Trong đó có bệnh á sừng ở chân. Việc cấp ẩm đầy đủ sẽ giúp khắc phục tốt tình trạng khô da và bong tróc. Hơn nữa còn làm dịu da, giảm ngứa và ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng.

chữa á sừng ở chân
Dưỡng ẩm cho vùng da tổn thương là cần thiết để khắc phục triệu chứng

Tùy thuộc vào mức độ tổn thương da, loại da và triệu chứng mà bác sĩ sẽ khuyên bạn sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm phù hợp. Thông thường, khi bị á sừng ở chân bạn sẽ được khuyến dùng các sản phẩm có chứa acid lactic, nước, Ure. Ngoài ra, nếu bị ngứa thì kem dưỡng ẩm tại chỗ như Hydrocortisone 1% cũng mang lại tác dụng điều trị rất tốt.

Khi dùng các sản phẩm kem dưỡng ẩm cần chú ý tuân thủ liều lượng và tần suất mà bác sĩ chỉ định. Thời điểm thích hợp nhất để thoa kem dưỡng ẩm là sau khi tắm khoảng 3 – 5 phút.

– Sử dụng các loại thuốc bôi tại chỗ:

Ngoài dùng kem dưỡng ẩm thì bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc điều trị tại chỗ. Đây là giải pháp giúp kiểm soát mức độ tổn thương và ngăn ngừa bệnh diễn tiến xấu.

Các thuốc được dùng có thể là:

  • Gentrizone
  • Fucicort
  • Nhóm thuốc Nizoral
  • Dẫn xuất Imidazol
  • Thuốc kháng sinh

Thuốc điều trị tại chỗ thường cho tác dụng nhanh nhưng có thể gây ra các tác dụng ngoại ý. Vì vậy cần chú ý sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ, tuân thủ liều lượng và tần suất dùng thuốc. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về dùng hay tăng/ giảm liều khi chưa có chỉ định.

thuốc chữa á sừng ở chân
Đa số các trường hợp bị á sừng ở chân đều đáp ứng tốt với các thuốc điều trị tại chỗ

Trong quá trình điều trị, nếu phát hiện thấy da có dấu hiệu rò rỉ dịch mủ hay bong tróc từng mảng lớn, bệnh có chuyển biến xấu thì cần chú ý tìm gặp bác sĩ ngay để có sự điều chỉnh phác đồ cho phù hợp. Điều này giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng phát sinh.

2. Chữa á sừng ở chân bằng mẹo tự nhiên

Đây là giải pháp lành tính, an toàn và có thể thực hiện ngay tại nhà. Đặc biệt là ít tốn kém chi phí và phù hợp với nhiều đối tượng người bệnh.

Tuy nhiên tác dụng của các bài thuốc tự nhiên thường chậm và chỉ đáp ứng tốt với các trường hợp bệnh còn nhẹ. Tuyệt đối không lạm dụng hay dùng thay thế hoàn toàn cho phác đồ bác sĩ đã chỉ định.

Dưới đây là một số mẹo chữa á sừng ở chân đến nay vẫn còn được nhiều người sử dụng:

– Sử dụng tỏi:

Tỏi là nguyên liệu quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày. Nhờ có chứa hoạt chất allicin và nhiều chất chống oxy hóa khác mà tỏi được dùng phổ biến trong khắc phục các vấn đề về da. Trong đó dùng tỏi chữa á sừng ở chân là giải pháp được nhiều người tin dùng.

Chuẩn bị khoảng 3 – 4 tép tỏi tươi. Đem lột sạch vỏ rồi cho vào cối giã nhuyễn và chắt lấy nước cốt. Vệ sinh vùng da chân bị á sừng rồi lau khô. Thấm tăm bông trong nước cốt tỏi rồi thoa lên vùng da cần điều trị. Cuối cùng giữ nguyên 30 phút rồi dùng nước sạch rửa lại cho sạch.

– Dùng lá trầu không:

Trong tinh dầu lá trầu không có chứa nhiều thành phần hoạt chất có dược tính cao. Chúng giúp làm giảm ngứa ngáy, bong tróc da. Hơn nữa còn thúc đẩy tốc độ chữa lành tổn thương trên da.

Chỉ cần chuẩn bị 1 nắm lá trầu đem rửa sạch. Sau đó vò nhàu rồi cho vào nồi đun sôi cùng 1.5 lít nước. Đổ nước sắc lá trầu ra thau, thêm vào 1 ít nước lã cho ấm. Dùng nước này để ngâm rửa chân khoảng 15 phút.

– Dùng lá chè xanh:

Lá chè là thảo dược có chứa hàm lượng cao các chất chống oxy hóa cùng với nhiều vitamin và khoáng chất. Nhờ đó mà có khả năng sát khuẩn và kích thích tái tạo các tế bào da mới rất hiệu quả.

chữa á sừng ở chân bằng mẹo
Dùng lá chè xanh nấu nước ngâm chân sẽ làm giảm các triệu chứng bệnh á sừng

Tương tự như lá trầu không, bạn chuẩn bị 1 nắm lá chè xanh đem rửa sạch. Cho vào nồi đun sôi cùng 1.5 lít nước rồi cho ra thau. Pha thêm nước lá cho ấm rồi dùng ngâm rửa chân. Ngoài ra, bạn có thể hãm nước chè xanh để uống hằng ngày nhằm hỗ trợ thanh lọc và giải độc cho cơ thể.

3. Sử dụng thuốc Đông y

Theo quan điểm của Đông y, bệnh á sừng ở chân xảy ra là do mất cân bằng khí huyết kết hợp với sự suy giảm chức năng thải độc và điều hòa của can thận. Để điều trị bệnh lý này cần loại bỏ căn nguyên, kết hợp với các bài thuốc bôi và thuốc ngâm rửa.

Dưới đây là một số bài thuốc Đông y chữa bệnh á sừng ở chân được dùng phổ biến:

– Bài thuốc uống:

  • Bài thuốc 1: Chuẩn bị ké đầu ngựa, sinh địa, hà thủ ô, huyền sâm, hỏa ma nhân mỗi vị 12g. Cho các vị thuốc vào ấm, đổ 3 bát nước. Đun trên lửa nhỏ đến khi còn 1 bát, chia làm 2 lần uống/ ngày.
  • Bài thuốc 2: Chuẩn bị rau má, ké đầu ngựa, bồ công anh, trinh nữ, thổ phục linh, kinh giới, bạc sau, xích hồng, vỏ gạo, hạ khô thảo, đơn đỏ, kim ngân và xác ve sầu mỗi vị 10g. Cho vào ấm sắc uống tương tự bài thuốc 1.

– Bài thuốc ngâm rửa:

  • Bài thuốc 1: Chuẩn bị dã cúc hoa, khô phàn, phác tiêu, hỏa tiêu mỗi vị 1 nắm nhỏ. Đem cho vào nồi đun với 1 thăng nước. Đổ ra thau thêm nước lã vào pha ấm. Trường hợp bệnh nhẹ thì ngâm rửa chân 1 lần/ ngày, còn bệnh nặng cần áp dụng 2 lần/ ngày.
  • Bài thuốc 2: Chuẩn bị 120g khô phàn, 120g xuyên tiêu, 240g cúc hoa dại và 500g mang tiêu. Thực hiện tương tự như bài thuốc ngâm rửa số 1.

– Bài thuốc bôi ngoài:

  • Bài thuốc 1: Chuẩn bị 120g xuyên tiêu, 120g khô phàn, 500g mang tiêu và 240g cúc hoa dại. Các vị thuốc này đem rửa sạch nấu với nước đến khi cô thành cao. Vệ sinh vùng da chân bị á sừng rồi thoa thuốc lên.
  • Bài thuốc 2: Chuẩn bị hỏa tiêu, dã cúc hoa, phác tiêu, khô phàn mỗi thứ 1 nắm. Cách thực hiện tương tự như bài thuốc bôi ngoài số 1.

Thuốc Đông y sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên nên thường có kết quả chậm. Việc điều trị cần kiên trì kéo dài mới có kết quả. Tuy nhiên đây là giải pháp lành tính, ít phát sinh các tác dụng phụ nếu thực hiện đúng cách theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

4. Chăm sóc và dự phòng

Như đã phân tích, á sừng ở chân là bệnh lý ngoài da không thể điều trị dứt điểm. Hơn nữa bệnh còn có nguy cơ tái phát nhiều lần theo chu kỳ. Vì vậy bên cạnh các giải pháp điều trị thì bạn cần chú ý chăm sóc tốt. Điều này vừa hỗ trợ khắc phục triệu chứng lại có thể giúp dự phòng nguy cơ tái phát của bệnh.

chăm sóc khi bị á sừng ở chân
Tuyệt đối không dùng vật cứng chà xát chân khi đang bị á sừng

Chú ý đến một số vấn đề sau đây:

  • Tuân thủ phác đồ điều trị mà bác sĩ chỉ dẫn. Đồng thời hạn chế đi lại quá nhiều khi đang trong quá trình điều trị bệnh á sừng ở chân.
  • Tuyệt đối không cào gãi hay dùng các vật cứng để chà xát lên vùng da chân đang bị tổn thương. Các phản ứng này mặc dù giải tỏa được cơn ngứa tạm thời nhưng lại gây ra các vết thương hở và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Sử dụng tất chân hay các loại giày dép vừa kích cỡ và có chất liệu thông thoáng. Thường xuyên thay và vệ sinh tất chân sạch sẽ.
  • Tuyệt đối tránh tiếp xúc với các loại hóa chất. Nhất là chất tẩy rửa mạnh, xà phòng, xăng dầu hay đồ vật mạ kim loại.
  • Trường hợp bắt buộc phải đi lại trong khu vực đất, nước bẩn hay có nhiều hóa chất thì bạn nên đi ủng latex.
  • Thường xuyên vệ sinh chân và thân thể sạch sẽ. Đồng thời không quên sử dụng kem dưỡng ẩm.
  • Tuyệt đối không ngâm chân trong dung dịch nước muối tự pha. Bởi nếu dung dịch nước muối ưu trương có thể khiến cho da chân trở nên khô ráp và dễ bị nứt nẻ hơn.
  • Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý. Bổ sung đủ nước cho cơ thể, tăng cường rau củ quả tươi. Đồng thời tránh xa các thực phẩm dễ gây dị ứng và các thức uống có chứa chất kích thích.
  • Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc. Đồng thời luôn giữ cho tinh thần được vui vẻ, lạc quan, tránh xa căng thẳng, stress.

Tùy thuộc vào mức độ bệnh và các vấn đề liên quan khác mà có thể chữa á sừng ở chân theo nhiều cách khác nhau. Tốt nhất người bệnh nên chủ động thăm khám để được bác sĩ hướng dẫn điều trị và chăm sóc phù hợp. Tuyệt đối không được chủ quan để bệnh dai dẳng kéo dài.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *