Viêm Da Cơ Địa Bội Nhiễm Là Gì? Cách Điều Trị Tốt Nhất

Viêm da cơ địa bội nhiễm là tình trạng vùng da tổn thương bị nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm hoặc virus (chủ yếu là tụ cầu khuẩn). Đối với tình trạng này, điều trị ưu tiên là kiểm soát nhiễm trùng, cải thiện triệu chứng và cách ly với dị nguyên.

Viêm da cơ địa bội nhiễm là gì
Viêm da cơ địa bội nhiễm là gì?

Viêm da cơ địa bội nhiễm là gì?

Viêm da cơ địa bội nhiễm là tình trạng vi khuẩn, nấm hoặc virus (chủ yếu là tụ cầu khuẩn) xâm nhập vào vùng da tổn thương và gây ra hiện tượng nhiễm trùng. Tình trạng này thường xảy ra trong giai đoạn cấp của bệnh viêm da cơ địa.

Thông thường, tổn thương do viêm da cơ địa chỉ gây nóng rát, đau nhẹ và ngứa ngáy. Tuy nhiên khi xuất hiện bội nhiễm, da có thể bị sưng viêm, phù nề, đau nhức, nóng rát nặng nề và đi kèm với một số triệu chứng toàn thân.

Đối với viêm da cơ địa bội nhiễm, nguyên tắc điều trị là kiểm soát nhiễm trùng, sau đó mới cải thiện triệu chứng và điều trị viêm da cơ địa. Nếu không kịp thời xử lý, vi khuẩn gây nhiễm trùng có thể xâm nhập vào tổ chức liên kết của da gây viêm mô tế bào hoặc thậm chí là nhiễm trùng huyết.

Nguyên nhân & yếu tố rủi ro

Nguyên nhân trực tiếp gây viêm da cơ địa bội nhiễm là do tụ cầu vàng Staphylococcus aureus và vi khuẩn Enterobacter asburiae. Ngoài ra, bội nhiễm cũng có thể xảy các loại vi khuẩn, nấm và virus khác.

điều trị viêm da cơ địa bội nhiễm
Gãi cào lên vùng da tổn thương có thể gây trợt loét, xây xước và tăng nguy cơ viêm nhiễm

Tuy nhiên virus, nấm và vi khuẩn chỉ có thể xâm nhập và gây nhiễm trùng ở vùng da tổn thương khi có các yếu tố sau:

  • Thường xuyên gãi, cào lên vùng da tổn thương khiến mụn nước vỡ, trợt loét và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Vệ sinh da kém
  • Tiếp xúc với người bị nhiễm trùng da
  • Tùy tiện sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc khiến da bị tổn thương nặng và viêm nhiễm
  • Lạm dụng thuốc bôi corticoid: Corticoid là hoạt chất chống viêm, giảm ngứa và chống dị ứng bằng cách ức chế miễn dịch tại vùng da được sử dụng. Thông thường, loại thuốc này chỉ được sử dụng trong tối đa 15 ngày để tránh các tác dụng phụ nghiêm trọng. Nếu lạm dụng trong thời gian dài, da có thể bị teo, mất khả năng miễn dịch và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Triệu chứng của viêm da cơ địa bội nhiễm

Viêm da cơ địa bội nhiễm thường xảy ra trong giai đoạn cấp tính và biểu hiện qua các dấu hiệu sau:

điều trị viêm da cơ địa bội nhiễm
Viêm da cơ địa bội nhiễm đặc trưng bởi tình trạng da nổi mụn mủ và có vảy tiết màu vàng
  • Đám tổn thương có xu hướng phù nề, viêm đỏ và sưng nóng hơn bình thường
  • Xuất hiện các mụn mủ nhỏ trên bề mặt vùng da thương tổn
  • Các mụn mủ rỉ dịch và để lại vảy tiết màu vàng
  • Tổn thương da không chỉ gây ngứa mà còn đi kèm với một số triệu chứng khác như nóng rát và sưng đau
  • Ngoài ra, viêm da cơ địa bội nhiễm còn gây ra các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ,…

Mức độ của các triệu chứng còn phụ thuộc vào cơ địa và thể trạng của từng trường hợp. Ở trẻ nhỏ và người có hệ miễn dịch suy giảm, triệu chứng thường có xu hướng nghiêm trọng hơn so với người có thể trạng khỏe mạnh.

Viêm da cơ địa bội nhiễm có nguy hiểm không?

Viêm da cơ địa là một dạng tổn thương da mãn tính, dai dẳng và tái phát nhiều lần. Mặc dù có tính chất cố thủ nhưng bệnh lý này hầu như không gây nguy hiểm đến sức khỏe.

Tuy nhiên khi xảy ra bội nhiễm, bệnh không chỉ gây tổn thương ngoài da mà còn làm phát sinh các triệu chứng toàn thân. Nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách, tình trạng bội nhiễm da sẽ được kiểm soát trong thời gian ngắn (khoảng 7 – 10 ngày).

Tuy nhiên trong một số ít trường hợp, viêm da cơ địa bội nhiễm cũng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:

  • Viêm mô tế bào: Viêm mô tế bào là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở tổ chức liên kết của da. Đây là một trong những dạng nhiễm trùng da nghiêm trọng và có thể phát sinh nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không kiểm soát kịp thời.
  • Nhiễm trùng huyết: Vi khuẩn gây nhiễm trùng có thể ăn sâu vào tổ chức liên kết của da, sau đó xâm nhập vào tuần hoàn máu và gây ra nhiễm trùng huyết. Nếu không xử lý kịp thời, biến chứng này có thể gây nhiễm độc toàn thân, sốc và tử vong.

Ngoài những biến chứng kể trên, viêm da cơ địa bội nhiễm còn ảnh hưởng đến ngoại hình, chất lượng giấc ngủ, đời sống sinh hoạt và hiệu suất học tâp – làm việc. Đối với các trường hợp tái đi tái lại nhiều lần, bệnh còn tác động không nhỏ đến yếu tố tâm lý.

Các biện pháp điều trị viêm da cơ địa bội nhiễm

Điều trị chính đối với viêm da cơ địa bội nhiễm là sử dụng kháng sinh và thuốc điều trị triệu chứng. Sau khi nhiễm trùng được kiểm soát, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ và giai đoạn phát triển của bệnh để chỉ định các loại thuốc điều trị tổn thương do viêm da cơ địa gây ra.

1. Nguyên tắc điều trị

Tương tự các dạng viêm da bội nhiễm khác, viêm da cơ địa bội nhiễm được điều trị theo nguyên tắc sau:

  • Kiểm soát nhiễm trùng trong thời gian sớm nhất nhằm ngăn ngừa biến chứng
  • Cải thiện triệu chứng
  • Can thiệp điều trị viêm da cơ địa
  • Kết hợp với chăm sóc tại nhà và cách ly với dị nguyên

2. Sử dụng thuốc

Các loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị viêm da cơ địa bội nhiễm, bao gồm:

bệnh viêm da cơ địa bội nhiễm
Kháng sinh là loại thuốc được chỉ định ưu tiên trong điều trị bệnh viêm da cơ địa bội nhiễm
  • Kháng sinh: Kháng sinh đường uống (nhóm macrolid và penicillin) được chỉ định trong liên tục 7 – 10 ngày để ức chế hoàn toàn vi khuẩn gây nhiễm trùng. Đối với các trường hợp nhiễm trùng nặng, bác sĩ có thể đề nghị điều trị nội trú và sử dụng kháng sinh đường tiêm.
  • Dung dịch sát trùng: Bên cạnh việc sử dụng kháng sinh, bác sĩ có thể chỉ định các loại dung dịch sát trùng để khử khuẩn và làm sạch vùng da tổn thương. Ngoài ra, các dung dịch này còn có tác dụng giúp tổn thương da thoáng và nhanh khô.
  • NSAID/ Paracetamol: Paracetamol và NSAID (thuốc chống viêm không steroid) thường được chỉ định phối hợp để hạ sốt, giảm đau nhức và phù nề ở vùng da tổn thương. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng NSAID và Paracetamol nếu có tiền sử nghiện rượu, loét dạ dày tá tràng hoặc đang sử dụng thuốc chống đông máu.
  • Thuốc kháng histamine H1: Độc tố từ tụ cầu vàng có vai trò quan trọng trong cơ chế khởi phát viêm da cơ địa. Do đó ở một số trường hợp bội nhiễm, tổn thương da có thể lan tỏa rộng và phát triển theo chiều hướng nghiêm trọng. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng histamine nhằm hạn chế quá trình phóng thích chất trung gian gây dị ứng và giảm nhẹ tổn thương da.

Sau khi nhiễm trùng được kiểm soát hoàn toàn và tổn thương da chuyển sang giai đoạn bán cấp, mãn tính, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc điều trị viêm da cơ địa như:

  • Thuốc bôi chứa corticoid: Corticoid dạng bôi có tác dụng chống ngứa, giảm viêm và kháng dị ứng. Mặc dù có hiệu quả rõ rệt trong điều trị viêm da cơ địa và các bệnh da liễu mãn tính nhưng loại thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Do đó, cần sử dụng thuốc với liều lượng, tần suất và thời gian được bác sĩ chỉ định.
  • Thuốc ức chế calcineurin: Thuốc ức chế calcineurin (Tacrolimus) có tác dụng tương tự corticoid nhưng hiếm khi gây mỏng da, teo da, dày sừng nang lông, mụn trứng cá hay giãn mao mạch. Loại thuốc này được sử dụng xen kẽ hoặc thay thế cho thuốc bôi chứa corticoid trong một số trường hợp.
  • Thuốc bôi chứa axit salicylic: Axit salicylic là một loại beta-hydroxy axit có tác dụng bạt sừng và sát trùng nhẹ. Thuốc bôi chứa thành phần này thường được dùng trong điều trị viêm da cơ địa mãn tính nhằm cải thiện tình trạng dày sừng và tăng mức độ thẩm thấu của các loại thuốc khác.
  • Biện pháp khác: Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc khác như thuốc chống thấp khớp, thuốc ức chế miễn dịch hoặc liệu pháp ánh sáng để làm giảm tổn thương và ngăn ngừa viêm da cơ địa tái phát.

3. Chăm sóc tại nhà

Bên cạnh biện pháp y tế, bạn có thể kết hợp với các mẹo chăm sóc tại nhà để hỗ trợ kiểm soát tổn thương da, tăng tốc độ phục hồi và rút ngắn thời gian điều trị.

bệnh viêm da cơ địa bội nhiễm
Trong thời gian điều trị, nên dành thời gian nghỉ ngơi và ăn uống điều độ

Các biện pháp chăm sóc đối với bệnh viêm da cơ địa bội nhiễm:

  • Không gãi cào và chà xát lên da. Thói quen này có thể khiến da tổn thương sâu và tăng nguy cơ phát sinh các biến chứng nghiêm trọng.
  • Cách ly với các yếu tố khiến bệnh bùng phát mạnh như quần áo có chất liệu len dạ, phấn hoa, côn trùng, hóa mỹ phẩm,…
  • Dành thời gian nghỉ ngơi và ăn uống điều độ để kiểm soát căng thẳng thần kinh và hạn chế suy giảm thể trạng.
  • Bổ sung nhiều nước, rau xanh, trái cây và các loại thực phẩm lành mạnh nhằm tăng cường sức khỏe tổng thể. Thể trạng và sức đề kháng khỏe mạnh có thể ức chế nhiễm trùng da và điều hòa các phản ứng quá mức của hệ miễn dịch.
  • Giữ vệ sinh cơ thể, mặc trang phục rộng rãi và có chất liệu vải mềm để tránh ma sát lên vùng da tổn thương.
  • Sau khi nhiễm trùng được kiểm soát, bạn có thể chườm khăn mát và thoa kem dưỡng ẩm lên da để giảm sưng viêm, nóng rát và ngứa ngáy.

Phòng ngừa tái phát viêm da cơ địa bội nhiễm

Viêm da cơ địa có xu hướng tái phát nhiều lần và tiến triển dai dẳng. Do đó, hiện tượng bội nhiễm có thể khởi phát trở lại nếu không có biện pháp chăm sóc và điều trị đúng cách.

bệnh viêm da cơ địa bội nhiễm
Điều trị viêm da cơ địa theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc và mẹo chữa dân gian

Các biện pháp phòng ngừa viêm da cơ địa bội nhiễm:

  • Khi viêm da cơ địa tái phát, cần can thiệp điều trị sớm để ngăn ngừa tổn thương da lan rộng, trợt loét và tăng nguy cơ viêm nhiễm.
  • Phải giữ vệ sinh cơ thể và vùng da bị tổn thương. Hạn chế ma sát và cào gãi lên vùng da này.
  • Không tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị không rõ nguồn gốc.
  • Chỉ dùng thuốc bôi corticoid khi có chỉ định từ bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý tăng liều lượng và kéo dài thời gian sử dụng.
  • Cách ly với các dị nguyên như thức ăn gây dị ứng, hóa mỹ phẩm, phấn hoa, bụi bẩn, đồ len dạ, mủ thực vật, côn trùng,…
  • Xây dựng lối sống khoa học nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện hệ miễn dịch, kiểm soát căng thẳng và phòng ngừa rối loạn nội tiết tố (các yếu tố này có thể kích thích viêm da cơ địa bùng phát mạnh).
  • Da khô ráp và bong tróc thường có mức độ ngứa ngáy dữ dội. Do đó, bạn nên dưỡng ẩm đều đặn cho da từ 2 – 3 lần/ ngày với các sản phẩm an toàn và dịu nhẹ như Eucerin, Bioderma, Avene, A-derma,…

Viêm da cơ địa bội nhiễm có thể được kiểm soát hoàn toàn sau khi chăm sóc và điều trị đúng cách. Tuy nhiên ở những trường hợp chủ quan và xử lý chậm trễ, da có thể bị tổn thương sâu, viêm nhiễm nặng và tiến triển nặng nề. Do đó ngay khi xuất hiện các biểu hiện bất thường, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và chỉ định các biện pháp điều trị phù hợp.

Tham khảo thêm: Viêm da cơ địa ở trẻ em – Cách nhận biết, điều trị

5/5 - (8 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *