Dị ứng xi măng: Nguyên nhân và cách trị (tại nhà + thuốc)
Nội dung bài viết
Do quá trình công nghiệp hóa ngày càng mạnh mẽ nhưng không tương xứng với an toàn lao động, cùng với chính sự chủ quan của người lao động, đã dẫn tới tỷ lệ bị dị ứng xi măng ngày càng cao.
Dị ứng xi măng là gì? Triệu chứng nhận biết?
Xi măng là một thuật ngữ chung được sử dụng để mô tả các vật liệu xây dựng giúp kết dính khi trộn với nước. Người làm việc với xi măng có nguy cơ cao phát triển các vấn đề về da, từ nhẹ và ngắn đến nặng và mãn tính.
Dị ứng xi măng thường gặp ở những người làm việc với xi măng ướt trong thời gian dài. Tình trạng này được đề cập sớm trên tờ The Hospital số tháng 5/1909.
Đây là thời điểm xây dựng tuyến tàu địa ngầm ở London (Anh) và Paris (Pháp). Nó ngày càng phổ biến cùng với quá trình hiện công nghiệp hóa, hiện đại và đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.
Về bản chất, đây là một dạng viêm da tiếp xúc do chất gây dị ứng, cụ thể là muối crom có trong xi măng.
Dị ứng xi măng thường xuất hiện ở những vùng da tiếp xúc nhiều với xi măng, như đầu ngón tay, bàn tay, mu bàn chân, bàn chân, lòng bàn chân, đầu gối… Các triệu chứng dị ứng xi măng có thể chia theo nhiều cấp độ:
- Cấp độ 1 – viêm cấp: Nổi sẩn trên da, xuất hiện mụn nước kèm theo ngứa liên tục trong vòng vài tuần hoặc vài tháng. Vùng da tiếp xúc với xi măng trở nên dày hơn.
- Cấp độ 2 – viêm bán cấp: Da đỏ, có vảy. Sau khi vảy bong sẽ tạo thành từng mảng nhỏ, làm lộ lớp da nhẵn. Sau đó, da tiếp tục được phủ một lớp mới màu nâu và tự bong ra sau vài ngày.
- Cấp độ 3 – viêm mãn tính bội nhiễm: Làn da trở nên khô, nổi vảy sần sùi. Da người bệnh dễ bong tróc, bị nứt nẻ, thậm chí chảy máu. Nếu bề mặt da lở loét kèm theo nước vàng hoặc mủ, thì đây chính là dấu hiệu bội nhiễm nguy hiểm.
Bên cạnh các phản ứng trên da, tiếp xúc trực tiếp với xi măng ướt thường xuyên trong thời gian dài mà không được bảo vệ đúng cách có thể làm tăng nguy cơ kích ứng niêm mạc mũi, họng.
Điều này gây khó thở, ngạt thở, tăng nguy cơ mắc hen suyễn và một số bệnh đường hô hấp.
Nguyên nhân bị dị ứng xi măng
Crom là kim loại được sử dụng rộng rãi trong một số ngành công nhiệp. Muối crom là một trong những chất gây dị ứng kim loại phổ biến nhất.
Muối crom dạng hóa trị 3 (III) và crom hóa trị 6 (VI) là “thủ phạm” thường gặp nhất gây viêm da dị ứng ở nồng độ thấp. Không giống như Cr (III), Cr (VI) có thể xâm nhập vào da và làm nó trở thành một chất nhạy cảm hơn.
Cơ chế dị ứng xi măng
Cơ chế gây dị ứng trong những trường hợp như vậy được phát triển thông qua sự kích hoạt ion kim loại của hệ thống miễn dịch.
Kháng nguyên kim loại được hình thành do sự tương tác giữa các sản phẩm ăn mòn kim loại và các hợp chất cơ thể khác nhau. Chúng lần lượt kích thích các tế bào T, dẫn đến kích hoạt phân tử CD4, CD8 và giải phóng cytokine.
Kết quả cuối cùng là một phản ứng quá mẫn chậm và gây ra các triệu chứng phản ứng tiêu cực, như mẩn ngứa, khô da, sừng hóa, thậm chí lở loét trên da.
Vì thế, dị ứng xi măng thường xảy ra ở những người có thời gian tiếp xúc với xi măng lâu dài.
Yếu tố nguy cơ
Thực tế, bất kỳ người nào có da tiếp xúc với xi măng ướt đều có khả năng phát triển các vấn đề về da liên quan đến xi măng. Bởi lẽ, xi măng là một thành phần không thể thiếu trong các vật liệu như bê tông hoặc vữa.
Trong một báo cáo đăng tải năm 2009 của Tiến sĩ người Ấn Độ Nilendu Sarma, những người bị dị ứng xi măng hầu hết đều là công nhân xây dựng. Đây cũng là nhóm ngành nghề tiếp xúc nhiều nhất với xi măng, đặc biệt là nam giới.
Tại Việt Nam, có tới gần 54% người hoạt động trong nhóm ngành xây dựng, trong đó, tỷ lệ người gặp các phản ứng dị ứng trên da lên tới hơn 21%.
Nhiều báo cáo cho thấy lượng lớn xi măng được sản xuất tại địa phương làm phát triển hiện tượng dị ứng gấp nhiều lần so với các loại xi măng được sản xuất bằng dây chuyền, công nghệ hiện đại.
Người lao động có thể phải đối mặt với sự nguy hiểm của các sản phẩm xi măng ướt khi làm thợ nề, thợ mộc, thợ xây, tài xế xe trộn xi măng, thợ hoàn thiện bê tông, thợ trát, thợ lát gạch, nhân viên vệ sinh công trình…
Theo Quỹ Bảo hiểm Tai nạn Quốc gia Thụy Sĩ (SNAIF – Swiss National Accident Insurance Fund), viêm da tiếp xúc dị ứng thường xảy ra vào giai đoạn đầu tiên khi bắt đầu lao động.
Bởi vậy, dị ứng xi măng chiếm tỷ lệ cao ở những lao động trẻ tuổi, độ tuổi từ 18 – 29 tuổi. Mặt khác, những người tiếp xúc với xi măng nhiều hơn 3 – 12 tháng cũng làm tăng nguy cơ mắc dị ứng xi măng.
Điều này có thể giải thích vì sao dị ứng xi măng cũng thường gặp ở người lao động độ tuổi 50 – 59 tuổi.
Dị ứng xi măng và cách chữa hiệu quả
Chẩn đoán dị ứng xi măng nói riêng và dị ứng crom nói chung thường dựa trên lịch sử lâm sàng, sau đó là các xét nghiệm dị ứng đặc biệt.
Người bệnh có thể được kiểm tra dị ứng áp da, sử dụng dung dịch kali dicromat 0,5% trong sáp dầu. Bởi dicromat có chứa Cr (VI). Thử nghiệm này có thể được thực hiện khi có hoặc không có natri lauryl sulfate.
Tiếp xúc với 5 ppmCr (VI) với 1% natri lauryl sulfate (SLS), hoặc 10 ppm Cr (VI), có thể tạo ra phản ứng viêm da dạng chàm ở bệnh nhân nhạy cảm với crom.
Sau khi chẩn đoán, điều trị dị ứng xi măng có thể bao gồm các biện pháp sau:
Thuốc chữa dị ứng xi măng
Bác sĩ có thể chỉ định người bị dị ứng xi măng dùng các thuốc:
Tiêm thuốc corticoid tổng hợp
Corticoid tổng hợp còn được gọi là “thuốc sữa”, phổ biến nhất là thương hiệu K-cort, Sivkort, Triamcinolon hoặc Kafencort.
- Tác dụng: Giảm ngứa, nhưng hiệu của thuốc sẽ giảm dần trong những lần sử dụng sau. Công dụng kéo dài khoảng 3 – 6 tuần, tùy cơ địa người bệnh.
- Cách dùng: Tiêm bắp.
- Chống chỉ định: Người bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, nhiễm virus (như Herpes), người bị bệnh gout, viêm loét dạ dày – tá tràng, viêm gan cấp do virus, rối loạn tâm thần, tiểu đường lệ thuộc insulin…
- Lưu ý: Phương pháp này có thể gây một số tác dụng không mong muốn, như rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới, tăng huyết áp, hạ kali máu, hội chứng Cushing, rối loạn nội tiết tố… Bởi vậy, chỉ được sử dụng thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ.
Thuốc kháng histamine
Thuốc kháng histamine, đặc biệt là Ketofhexal, là lựa chọn phổ biến cho các trường hợp bị dị ứng.
- Tác dụng: Giảm nhanh các phản ứng dị ứng trên cơ thể.
- Cách dùng: Người lớn có thể uống 2 viên mỗi ngày. Trường hợp nặng có thể uống tới 2 viên, 2 lần/ngày.
- Chống chỉ định: Những người quá mẫn với ketotifen.
- Lưu ý: Khi bắt đầu dùng thuốc, người bệnh có thể bị khô miệng, hoa mắt. Các triệu chứng này sẽ giảm dần trong quá trình điều trị. Sử dụng quá liều có thể gây buồn ngủ, lú lẫn, co giật, mất ý thức, giảm nhịp thở, suy hô hấp…
Điều quan trọng khi sử dụng thuốc Ketofhexal là tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý tăng liều khi không được bác sĩ cho phép. Nếu bạn đang dùng thuốc chống hen suyễn, không nên ngừng sử dụng thuốc này.
Thuốc Ketofhexal có thể tương tác với thuốc giảm đau, an thần, các loại thuốc chữa dị ứng khác và rượu. Bởi vậy, nên thận trọng khi kết hợp Ketofhexal với các loại thuốc này.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể sử dụng thuốc kháng histamine khác, như Chlorpheniramine, Cetirizine hay Loratadine.
Thuốc bôi da
Người bệnh có thể sử dụng thuốc uống một mình, hoặc kết hợp trong uống ngoài bôi với các loại thuốc dùng ngoài da, như thuốc Corticosteroid hoặc ức chế Calcineurin.
Thuốc bôi ngoài da được đánh giá là có hiệu quả cao và ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, chỉ được phép bôi thuốc khi đã vệ sinh da sạch sẽ.
Trong trường hợp da bị bội nhiễm, người bệnh có thể cần dùng thuốc kháng sinh theo đúng chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ.
Cách trị dị ứng xi măng tại nhà
Không tiếp xúc với xi măng là phương pháp tốt nhất nhằm tránh dị ứng bùng phát. Ngoài ra, bạn nên thực hiện những điều sau để thúc đẩy hồi phục cơ thể:
- Rửa sạch tay chân sau khi tiếp xúc với xi măng.
- Thay quần áo sạch, không để lẫn quần áo lao động với quần áo thường ngày.
- Uống nhiều nước.
- Ăn thực phẩm bổ dưỡng để tăng sức đề kháng, hệ miễn dịch.
- Tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng khác, như lông động vật, mạt bụi, phấn hoa, hóa chất…
Đông – Tây y kết hợp
Cao thuốc Đông y là sự kết hợp của phương pháp Đông và Tây y trong điều trị dị ứng xi măng.
Đây là hỗn hợp dịch kỵ không khí, bao gồm:
- Cao cô đặc vỏ cây núc nác (hoàng bá) đã qua sắc ký nhằm loạt bỏ chất màu đen.
- Mỡ corticoide.
- Chất khử kiềm chứa acetyl salisilic.
Thuốc có tác dụng nhanh chóng, hiệu quả xuất hiện ngay sau 1 – 2 lần thoa kem, hiếm khi có tác dụng phụ.
Cách phòng ngừa dị ứng xi măng
Cách tốt nhất để ngăn ngừa dị ứng xi măng nói riêng và các vấn đề về da liên quan đến xi măng nói chung chính là tránh để da tiếp xúc với xi măng ướt.
Tuân thủ các yêu cầu chung về an toàn lao động trong xây dựng, cung cấp thiết bị bảo hộ lao động, thiết bị rửa, truyền thông an toàn và huấn luyện an toàn, cùng với các biện pháp vệ sinh và thực hành làm việc tốt được liệt kê dưới đây… sẽ giúp bạn chống lại các nguy hiểm do xi măng mang lại.
Thực hành tốt khi lựa chọn và sử dụng găng tay
Những người tiếp xúc với xi măng ướt cần được cung cấp loại găng tay thích hợp. Găng tay butyl hoặc nitrile (chứ không phải găng tay làm từ cotton hoặc da) thường được khuyên dùng khi làm việc với các vật liệu ăn da như xi măng.
Bạn cần lưu ý:
- Chỉ sử dụng găng tay vừa vặn với bàn tay, vì găng tay quá rộng có thể tạo điều kiện cho xi măng rơi vào bên trong. Bạn có thể sử dụng găng tay vải ở bên trong găng tay bảo hộ.
- Luôn rửa tay trước khi đeo găng tay và rửa tay mỗi khi bạn tháo găng tay. Lau khô tay bằng khăn sạch hoặc giấy khô trước khi đeo găng tay.
- Bảo vệ cánh tay và bàn tay của chính mình bằng cách mặc áo dài tay, ống tay áo phải được đút vào trong găng tay để ngăn xi măng ướt rơi vào bên trong.
- Thực hiện theo các quy trình tháo găng tay đúng cách, cho dù bạn tái sử dụng hoặc xử lý chúng. Đầu tiên, rửa sạch bên ngoài găng tay trong khi vẫn đang đeo chúng. Nới lỏng găng tay trên cả hai tay, để cánh tay xuôi xuống dưới để ngăn nước chảy vào bên trong. Tháo từng chiếc một, cố gắng không để găng tay bị lộn ngược.
- Làm sạch găng tay tái sử dụng sau khi sử dụng. Trước khi tháo găng tay, hãy rửa sạch hoặc lau sạch xi măng ướt bám trên găng tay. Mỗi một loại găng tay bảo hộ đều có hướng dẫn vệ sinh găng tay của nhà sản xuất, bạn nên lưu tâm điều này. Sau đó, hãy đặt găng tay sạch và khô vào túi bảo quản, đề ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh xa các dụng cụ lao động khác.
- Vứt bỏ găng tay bị mòn, rách hoặc quá bẩn.
- Luôn giữ mặt trong găng tay sạch sẽ và khô ráo.
Đặc biệt, không nên quá tin tưởng vào các loại kem bôi được quảng cáo là “rào cản” hoặc “găng tay vô hình”. Những sản phẩm này không có hiệu quả trong việc bảo vệ da khỏi các mối nguy hại từ xi măng.
Thực hành tốt khi sử dụng ủng, quần áo và thiết bị bảo hộ khác
Mang ủng chống nước khi cần thiết để ngăn xi măng ướt tiếp xúc với da. Điều quan trọng là bảo vệ chân, mắt cá chân và bàn chân của bạn khỏi việc tiếp xúc trực tiếp với xi măng ướt như cách bảo vệ bàn tay.
Nên nhớ:
- Ủng cần đủ cao để ngăn xi măng ướt tràn vào bên trong. Nhét ống quần vào bên trong và thít chặt miệng ủng.
- Nên lựa chọn những đôi ủng chắc chắn, dày dặn để chống thủng và rách, đồng thời ngăn ngừa trơn trượt. Thay ủng mới nếu chúng đã quá cũ, mòn vẹt hoặc bị xi măng tràn vào bên trong nhiều lần.
- Thay mới các bộ quần áo lao động đã bị nhiễm xi măng ướt và giữ chúng tách biệt với quần áo thường ngày, đồ ngủ hay trang phục đi dạo phố.
- Nếu buộc phải quỳ trên xi măng ướt, hãy bọc đầu gối bằng dụng cụ bảo vệ không thấm nước.
- Nên đeo kính bảo vệ mắt đúng quy cách khi làm việc với xi măng.
Thực hành tốt việc chăm sóc da
Rửa sạch các vùng da tiếp xúc với xi măng ướt bằng nước sạch và mát. Sử dụng xà phòng có độ pH trung tính hoặc hơi axit một chút.
Cụ thể:
- Cân nhắc sử dụng dung dịch axit nhẹ, như giấm pha loãng hoặc dung dịch đệm (buffer solution) để trung hòa dư lượng xút của xi măng trên da.
- Không rửa tay bằng chất mài mòn hoặc chất tẩy rửa tay không cần nước, chẳng hạn như gel chứa cồn hoặc chất tẩy rửa có thành phần thực vật thuộc họ Cam Quýt (Citrus).
- Không sử dụng lanolin, sáp dầu (petroleum jelly) hoặc các sản phẩm làm mềm da khác. Những chất này có thể tích tụ cặn xi măng, tăng khả năng hấp thụ các chất gây ô nhiễm và kích ứng da. Bạn cũng không nên sử dụng các sản phẩm làm mềm da để điều trị dị ứng xi măng.
- Người lao động cũng nên tránh đeo đồng hồ và nhẫn tại khi làm việc với xi măng ướt, vì chúng có thể vô tình là nơi ẩn chứa xi măng.
Trong những thập kỷ gần đây, đã có nhiều nỗ lực để giảm nguy cơ phát triển các vấn đề về da liên quan đến xi măng bằng cách hạ thấp hàm lượng Cr (VI) trong xi măng.
Cr (VI) thường không được cố ý cho thêm vào xi măng và nó không phục vụ bất kỳ mục đích chức năng nào. Có nhiều cách khác nhau để giảm thiểu lượng Cr (VI) trong xi măng, bao gồm:
- Sử dụng xỉ luyện kim (không chứa Cr) để thay thế xi măng hoặc trộn với clinker (bán sản phẩm của quá trình sản xuất xi măng).
- Thêm sắt sunfat vào xi măng có thể làm giảm hàm lượng Cr (VI) của xi măng.
Giảm hàm lượng Cr (VI) trong xi măng có thể làm giảm khả năng dị ứng xi măng, nhưng không loại bỏ hoàn toàn nguy cơ mắc tình trạng này. Nó sẽ không loại bỏ các mối nguy hiểm khác về da do xi măng ướt. Tốt nhất, bạn vẫn nên thực hành đúng các quy tắc thực hành lao động nhằm tránh tiếp xúc với xi măng.
Có thể bạn cần biết:
XEM THÊM
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!