Dị Ứng Thức Ăn Nổi Mề Đay Nguy Hiểm Không? Cần Làm Gì?

Dị ứng thức ăn gây nổi mề đay thường có mức độ nguy hiểm hơn so với các dạng mề đay thông thường. Ngoài triệu chứng nổi sẩn đỏ, phù nề và ngứa ngáy, tình trạng này còn gây ngứa cổ họng, buồn nôn, tiêu chảy, ho khan,… Trong một số ít trường hợp, dị ứng thức ăn có thể dẫn sốc phản vệ và tử vong.

Dị ứng thức ăn nổi mề đay
Dị ứng thức ăn nổi mề đay có nguy hiểm không?

Vì sao dị ứng thức ăn gây nổi mề đay?

Dị ứng thức ăn là phản ứng quá mức của hệ miễn dịch với các thành phần có trong thức ăn (thường là protein). Khi cơ thể dung nạp protein, hệ miễn dịch có thể xác định nhầm thành phần này là tác nhân có hại, dẫn đến tình trạng kích thích tế bào bạch cầu sản sinh kháng nguyên (IgE) và làm khởi phát phản ứng dị ứng.

Sau khi các chất dị ứng (histamine) được giải phóng vào da, niêm mạc hô hấp và tiêu hóa, bạn có thể gặp phải các triệu chứng như nổi mề đay, buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng, ngứa cổ họng,…

Hầu hết các trường hợp nổi mề đay do dị ứng thức ăn đều thuyên giảm chỉ sau vài giờ đến vài ngày và rất hiếm khi tiến triển sang giai đoạn mãn tính (kéo dài hơn 6 tuần). Tuy nhiên đối với những trường hợp dị ứng nặng, mề đay có thể lan tỏa toàn thân, gây sưng môi và phù nề mí mắt.

Dị ứng thức ăn nổi mề đay
Lúa mì, hạt hạnh nhân, đậu phộng, trứng, sữa, hải sản,… là các loại thực phẩm dễ gây dị ứng

Một số loại thực phẩm dễ gây dị ứng, bao gồm:

  • Sữa
  • Trứng
  • Hải sản – đặc biệt là các loại hải sản có vỏ
  • Hạt dẻ
  • Đậu phộng
  • Đậu nành
  • Lúa mì

Nhận biết mề đay do dị ứng thức ăn

Sau khi dung nạp thức ăn gây dị ứng khoảng vài phút, histamine sẽ được giải phóng vào da, niêm mạc đường hô hấp, tiêu hóa và làm phát sinh triệu chứng lâm sàng. Khác với các dạng mề đay do yếu tố ngoại giới, mề đay do dị ứng thường khởi phát ở vùng mặt, cổ, sau đó nhanh chóng lan ra toàn bộ vùng ngực, tay và lưng.

Dị ứng thức ăn nổi mề đay
Dị ứng thức ăn thường gây nổi sẩn đỏ, da viêm, phù nề, nóng rát và ngứa ngáy

Một số dấu hiệu giúp nhận biết nổi mề đay do dị ứng thức ăn:

  • Bề mặt da xuất hiện các đám phát ban hoặc tổn thương dạng sẩn có màu đỏ/ hồng
  • Đám tổn thương có bờ tròn, bề mặt nhẵn, cứng và tương đối rõ ràng với những vùng da xung quanh
  • Tổn thương da khởi phát đột ngột và lan tỏa nhanh
  • Mề đay do dị ứng thức ăn ít gây đau nhưng thường có hiện tượng phù nề, viêm đỏ và ngứa ngáy dữ dội
  • Ở các trường hợp dị ứng nặng, vùng da ở mặt có thể bị sưng to bất thường, môi phù nề và sưng mí mắt
  • Mề đay do dị ứng thức ăn thường đi kèm với một số biểu hiện khác như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, ngứa cổ họng, ho, khó thở, ngứa mũi,…

Thông thường, các triệu chứng này có thể thuyên giảm sau vài giờ đồng hồ đến vài ngày. Tuy nhiên ở một số trường hợp, dị ứng thức ăn có thể kích thích phản ứng dị ứng nghiêm trọng và dẫn đến sốc phản vệ.

Biểu hiện sốc phản vệ do dị ứng thức ăn:

  • Mề đay nổi liên tục và lan tỏa rộng
  • Mí mắt và môi bị phù nề
  • Cổ họng và lưỡi sưng phù
  • Nôn ói liên tục
  • Choáng đầu
  • Tiêu chảy
  • Hạ huyết áp
  • Ngất xỉu

Sốc phản vệ có thể gây co thắt phế quản, suy hô hấp và tử vong. Vì vậy nếu nhận thấy các triệu chứng nghiêm trọng, bạn nên gọi cấp cứu hoặc chủ động tìm gặp bác sĩ để được xử lý trong thời gian sớm nhất.

Dị ứng thức ăn nổi mề đay có nguy hiểm không?

Nổi mề đay đơn thuần hiếm khi ảnh hưởng đến sức khỏe mà hầu như chỉ gây tổn thương da, nóng rát, sưng viêm và ngứa ngáy. Thông thường, tình trạng này có thể tự thuyên giảm sau khoảng vài giờ đến vài ngày mà không cần can thiệp biện pháp y tế.

Tuy nhiên mề đay do các phản ứng dị ứng (dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc,…) thường có mức độ nghiêm trọng hơn. Ở những trường hợp nhẹ, triệu chứng có thể thuyên giảm chỉ sau vài ngày chăm sóc và điều trị tại nhà. Tuy nhiên nếu phản ứng dị ứng có mức độ nặng, mề đay thường lan tỏa rộng, gây phù nề, ngứa ngáy dữ dội và có thể đi kèm với các triệu chứng nặng nề.

Dị ứng thức ăn nổi mề đay
Nếu có các dấu hiệu cảnh báo sốc phản vệ, bạn nên nhanh chóng đến bệnh viện để được xử lý kịp thời

Trong trường hợp nghi ngờ bị sốc phản vệ, bạn nên nhanh chóng đến bệnh viện để được xử lý và điều trị trong thời gian sớm nhất. Nếu không xử lý kịp thời, phản ứng này có thể gây co thắt phế quản, khó thở, tụt huyết áp, sốc và tử vong.

Cần làm gì khi bị nổi mề đay do dị ứng thức ăn?

Như đã đề cập, nổi mề đay mẩn ngứa do dị ứng thức ăn thường có mức độ nghiêm trọng hơn so với mề đay do tiếp xúc với dị nguyên hoặc các yếu tố cơ học (ma sát, nhiệt độ, ánh sáng,…). Vì vậy khi gặp phải tình trạng này, bạn phải chủ động xử lý để kịp thời kiểm soát triệu chứng và dự phòng các tình huống rủi ro.

1. Biện pháp xử lý tạm thời

Ngay sau khi dung nạp thực phẩm gây dị ứng, da, cơ quan hô hấp và tiêu hóa có thể xuất hiện triệu chứng chỉ sau một thời gian ngắn. Lúc này, bạn có thể can thiệp các biện pháp xử lý tạm thời như:

Dị ứng thức ăn nổi mề đay
Kích thích nôn giúp loại bỏ dị nguyên và giảm nhẹ mức độ dị ứng
  • Nên kích thích gây nôn để loại bỏ thực phẩm được dung nạp. Biện pháp này giúp làm giảm mức độ dị ứng và phòng ngừa tình trạng sốc phản vệ.
  • Sau khi nôn, nên súc miệng với nước muối ấm để loại bỏ hoàn toàn dị nguyên bên trong khoang miệng. Ngoài ra, biện pháp này còn giúp làm dịu cổ họng, giảm ngứa ngáy và phù nề.
  • Sau đó, bạn nên uống 1 ly nước ấm để làm giảm cảm giác khó chịu ở dạ dày và khoang miệng.

Sau khi áp dụng các biện pháp xử lý tạm thời, nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị đúng cách.

2. Sử dụng thuốc điều trị

Sử dụng thuốc là biện pháp điều trị chính đối với nổi mề đay do dị ứng thức ăn. Bác sĩ sẽ xem xét mức độ dị ứng, độ tuổi và một số yếu tố đi kèm để chỉ định loại thuốc phù hợp.

Dị ứng thức ăn nổi mề đay
Dựa vào mức độ dị ứng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng histamine, thuốc Epinephrine,…

Các loại thuốc thường được dùng trong điều trị nổi mề đay do dị ứng thức ăn:

  • Thuốc Epinephrine: Thuốc Epinephrine được sử dụng ở dạng khí dung hoặc dạng thuốc tiêm cho các trường hợp dị ứng nghiêm trọng. Loại thuốc này được chỉ định ngay khi có các triệu chứng nặng nề như khó thở, nghẹn cổ họng, phù nề lưỡi,…
  • Thuốc kháng histamine: Histamine là một trong những thành phần trung gian gây dị ứng. Khi được phóng thích, histamine gây viêm, phù nề ở da, đường tiêu hóa, hô hấp và làm phát sinh các triệu chứng lâm sàng. Thuốc kháng histamine thường được sử dụng để cải thiện mề đay và các triệu chứng do dị ứng thức ăn gây ra.
  • Thuốc bôi làm dịu da, giảm ngứa: Nếu mề đay gây phù nề và ngứa ngáy, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc bôi chứa Zinc, Glycerin, Panthenol, Menthol,… để làm dịu, giữ ẩm và giảm ngứa ngáy.
  • Thuốc corticoid: Trong trường hợp dị ứng thức ăn nghiêm trọng gây phù nề cổ họng, mắt, môi và mặt, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định thuốc corticoid ở đường uống với liều thấp. Loại thuốc này hoạt động bằng cách ức chế miễn dịch, từ đó làm giảm phản ứng quá mức của cơ thể và cải thiện các triệu chứng do dị ứng gây ra.
  • Các loại thuốc khác: Ngoài ra ở từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định kèm theo các loại thuốc khác như thuốc kháng IgE, thuốc điều hòa nhu động ruột, dung dịch bù điện giải,…

3. Chăm sóc tại nhà

Bên cạnh sử dụng thuốc, bạn nên phối hợp với các biện pháp chăm sóc tại nhà để hỗ trợ làm giảm triệu chứng và rút ngắn thời gian điều trị.

Dị ứng thức ăn nổi mề đay
Trong thời gian bị dị ứng thức ăn, nên dùng món ăn có kết cấu mềm, ít gia vị và dễ tiêu hóa

Các biện pháp chăm sóc nổi mề đay do dị ứng thức ăn tại nhà:

  • Nên nghỉ ngơi tại nhà trong 1 – 3 ngày để giảm mệt mỏi và phục hồi thể trạng. Trong thời gian nghỉ ngơi, nên đảm bảo ngủ đủ giấc và ăn uống điều độ.
  • Bổ sung từ 2 – 2.5 lít nước/ ngày để bù dịch và cân bằng điện giải. Trong trường hợp tiêu chảy nhiều, bạn có thể sử dụng các dung dịch bù điện giải, tăng cường bổ sung nước ép từ rau xanh và trái cây.
  • Nếu thường xuyên buồn nôn, đầy bụng và ăn uống kém, có thể dùng trà gừng, trà chanh mật ong,… để giảm cảm giác khó chịu và kích thích hoạt động tiêu hóa.
  • Trong thời gian bị dị ứng, nên dùng các món ăn có kết cấu mềm, hàm lượng dinh dưỡng vừa phải, ít gia vị và dễ tiêu hóa như súp gà, cháo thịt, canh rau củ,…
  • Giữ vệ sinh cơ thể, tắm nước mát và mặc trang phục có chất liệu mềm, thấm hút,… để giảm ma sát và kích ứng lên vùng da tổn thương.
  • Tuyệt đối không chà xát lên vùng da bị nổi mẩn ngứa. Nếu bị ngứa ngáy nhiều, bạn có thể sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc chườm khăn mát lên da.

Phòng ngừa nổi mề đay do dị ứng thức ăn

Phản ứng quá mẫn với protein trong thức ăn có thể nghiêm trọng hơn ở các lần khởi phát tiếp theo. Do đó sau khi điều trị nổi mề đay do dị ứng thức ăn, bạn nên chủ động phòng ngừa với các biện pháp sau:

  • Không dung nạp các loại thực phẩm và đồ uống có tiền sử dị ứng. Bên cạnh đó, nên hạn chế các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như các loại hạt, sữa, trứng, thịt bò và hải sản.
  • Kiểm tra bảng thành phần của các sản phẩm đóng hộp để tránh tình trạng dị ứng.
  • Với những người có cơ địa nhạy cảm, nên mang theo thuốc Epinephrine dạng khí dung để sử dụng khi phát sinh phản ứng dị ứng.
  • Thông báo với nhân viên nhà hàng về tiền sử dị ứng thức ăn để được chú ý trong khâu chế biến. Trên thực tế, một số người có thể bị dị ứng ngay cả khi chỉ tiếp xúc với một lượng nhỏ thực phẩm.

Dị ứng thức ăn có thể gây nổi mề đay kèm theo các triệu chứng hô hấp và tiêu hóa. Khác với các dạng mề đay thông thường, mề đay do dị ứng thức ăn thường có mức độ nghiêm trọng. Do đó ngay khi triệu chứng phát sinh, bạn cần chủ động thăm khám và điều trị để dự phòng các tình huống đáng tiếc.

Tham khảo thêm: Ăn hải sản bị nổi mề đay có phải dị ứng?

5/5 - (6 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *