Dấu hiệu dị ứng sữa ở trẻ và cách xử lý như thế nào?
Nội dung bài viết
Dị ứng sữa là tình trạng hệ miễn dịch phản ứng khi cơ thể tiếp xúc với sữa. Đây là loại dị ứng thực phẩm thường gặp nhất và hay xảy ra ở trẻ em. Vậy trẻ bị dị ứng sữa là như thế nào, cách xử lý ra sao? Nắm được thông tin về dị ứng sữa sẽ giúp bậc phụ huynh chủ động hơn trong việc phát hiện và ứng biến kịp thời.
Dị ứng sữa là gì? Có nguy hiểm không?
Dị ứng sữa là hiện tượng hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng khi tiếp xúc với protein sữa. Lúc này, hệ miễn dịch sẽ hiểu nhầm protein sữa là một chất gây hại cho cơ thể, nên sẽ tạo ra các kháng thể để chống lại sự tác động của protein gây nên hiện tượng dị ứng.
Dị ứng sữa xảy ra nhiều ở trẻ nhỏ, đối tượng thường xuyên sử dụng sữa nhất và có hệ miễn dịch cũng như hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện.
Trẻ nhỏ có thể có xu hướng dị ứng với sữa động vật như sữa bò, sữa dê, sữa cừu… thậm chí có trẻ còn dị ứng với cả sữa mẹ. Ngoài ra, các loại sữa thực vật như sữa hạt, sữa đậu nành cũng có khả năng gây dị ứng.
Tình trạng này ở trẻ có thể xảy ra chỉ sau vài phút tiếp xúc với sữa hoặc sau vài giờ. Hiện tượng này có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể gây ra sốc phản vệ đe dọa tính mạng của trẻ nhỏ.
Vậy dị ứng sữa có nguy hiểm không? – Trẻ em bị dị ứng có thể sẽ gặp phải các biến chứng như tăng nguy cơ dị ứng với các loại thực phẩm khác như dị ứng lạc, dị ứng trứng, thậm chí còn có trường hợp dị ứng với thịt bò.
Ngoài ra, hiện tượng này có thể tăng nguy cơ dị ứng với lông động vật, dị ứng phấn hoa và dị ứng mùi hương. Đặc biệt, biến chứng nguy hiểm nhất có thể gặp phải là sốc phản vệ. Tình trạng này xảy ra đột ngột, nếu không can thiệp kịp thời có thể dẫn đến suy hô hấp cấp dẫn đến tử vong.
Triệu chứng, nguyên nhân dị ứng sữa
Dị ứng có thể xảy ra ngay sau khi uống sữa chỉ vài phút hoặc vài giờ. Tùy theo thể trạng và mức độ dị ứng có những triệu chứng khác nhau. Có dị ứng ngay tức thời và dị ứng muộn.
- Triệu chứng dị ứng ngay tức thời
Các triệu chứng này xuất hiện ngay khi uống sữa chỉ vài giây đến vài phút. Cơ thể sẽ xuất hiện các phản ứng như phát ban, nổi mề đay, có cảm giác ngứa ran, nóng người, đau bụng và nôn mửa.
Một số trường hợp có thể dẫn tới sốc phản vệ khi bệnh nhân xuất hiện suy hô hấp cấp tính. Sốc phản vệ xuất hiện ngay sau khi uống sữa với các biểu hiện: Khó thở, thở khò khè, co thắt ngực, huyết áp giảm đột ngột, họng sưng hoặc nổi cục. Trong tình huống đó nếu không được cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.
- Triệu chứng dị ứng muộn
Không xảy ra ngay lập tức sau khi sử dụng sữa như dị ứng tức thời, dị ứng muộn xuất hiện muộn hơn với các biểu hiện: Tiêu chảy, đi ngoài ra máu, xuất hiện những cơn co thắt bụng, đau bụng và nôn mửa.
Ngoài ra, một số trẻ có thể nổi mẩn ngứa, mề đay và ngứa ngáy rất khó chịu.
Dị ứng sữa ở trẻ xảy ra do hệ tiêu hóa phản ứng với protein có trong sữa. Khi đó, hệ tiêu hóa sẽ nhận nhầm protein trong sữa là chất gây hại, nên cơ thể sẽ giải phóng histamin và một số hóa chất khác gây các phản ứng dị ứng.
Sữa động vật có khả năng gây dị ứng nhiều hơn sữa thực vật bởi trong sữa động vật, nhất là sữa bò có chứa 2 loại protein dễ gây dị ứng là: Casein và Whey.
- Casein có nhiều trong phần rắn của sữa
- Whey chứa nhiều trong phần chất lỏng khi sữa đã lắng lại.
Cơ thể trẻ dễ gây phản ứng với 2 protein này. Vì vậy, nguy cơ dị ứng sữa bò, sữa dê… luôn cao hơn sữa đậu nành, sữa hạt.
Chẩn đoán, điều trị dị ứng
Khi có biểu hiện dị ứng nhất là ở trẻ em, cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để can thiệp điều trị. Trong trường hợp này, các bác sĩ sẽ đưa ra các chẩn đoán, phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán dị ứng, trước hết các bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử dị ứng của bệnh nhân, các thực phẩm vừa sử dụng và tiền sử bệnh của gia đình vì dị ứng có thể do yếu tố di truyền.
Lúc này, bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân cần khai báo trung thực để rút ngắn thời gian chẩn đoán, thuận tiện cho việc điều trị.
Sau bước sàng lọc chẩn đoán, các bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm để tiến hành chẩn đoán chính xác hơn như sau:
- Xét nghiệm chích da: Lấy một mẫu nhỏ da thử phản ứng với sữa. Nếu có xảy ra phản ứng như sưng tấy, đỏ và ngứa thì có thể xác định dị ứng.
- Xét nghiệm máu: Phương pháp này để đo lượng kháng thể trong máu hoặc xét nghiệm thành phần trong máu xác định nguy cơ dị ứng.
- Thử nghiệm thực phẩm: Đây là phương pháp cho bệnh nhân thử sử dụng trực tiếp các sản phẩm từ sữa để xác định nguy cơ dị ứng. Tuy nhiên phương pháp này chỉ được thực hiện ở các cơ sở y tế với điều kiện cấp cứu đầy đủ.
Điều trị
Để không bị dị ứng, cách tốt nhất là tránh tuyệt đối sử dụng sữa, các sản phẩm từ sữa. Tuy nhiên, vì sữa là thực phẩm rất phổ biến nên đôi khi không thể tránh khỏi việc phải sử dụng.
Vì vậy, nếu bị dị ứng ở thể nhẹ, có thể điều trị bằng cách uống nhiều nước và chườm khăn lạnh vào các vùng da nổi mề đay và ngứa để thải độc. Có thể sử dụng thuốc kháng histamin để làm dịu các triệu chứng.
Trong trường hợp bị dị ứng nặng hoặc có nguy cơ sốc phản vệ, cần tiêm epinephrine và đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để cấp cứu.
Lưu ý chăm sóc trẻ nhỏ khi bị dị ứng
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị dị ứng và có nguy cơ bị tổn thương cao hơn nên cần có những lưu ý đặc biệt khi chăm sóc.
Trước hết, khi xuất hiện các triệu chứng dị ứng, nên kiểm tra tất cả các thực phẩm đã sử dụng, ngừng sử dụng các sản phẩm từ sữa nếu có nghi ngờ là nguyên nhân gây ra dị ứng.
Nếu trẻ sơ sinh, nên cho trẻ bú nhiều sữa mẹ, người mẹ cũng đảm bảo nguồn thực phẩm không chứa các protein sữa có thể gây dị ứng cho con thông qua sữa mẹ.
Khi trẻ có dấu hiệu dị ứng, nên đưa con đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị, tuyệt đối không điều trị theo các mẹo dân gian hoặc truyền miệng hoặc những thông tin trên internet không được kiểm chứng.
Giám sát thực đơn của con và chủ động ngăn con sử dụng các sản phẩm từ sữa vì trẻ em chưa phân biệt được các thực phẩm nào có thể dị ứng, các thực phẩm nào không.
Cách phòng tránh dị ứng ở trẻ
Dị ứng protein trong sữa là hiện tượng thường gặp và không thể chữa khỏi hoàn toàn cũng như ngăn ngừa. Tuy nhiên, phụ huynh có thể phòng tránh cho bé như sau:
- Tuyệt đối không sử dụng sữa và các chế phẩm từ sữa như bơ, bánh kẹo, bánh ngọt, kem, phô mai.
- Thông báo với mọi người xung quanh, với những nơi con sinh hoạt nhiều như trường học để mọi người lưu ý trong thực đơn hàng ngày.
- Có thể sử dụng vòng đeo tay trên đó có ghi thông tin tình trạng dị ứng của con đề phòng trường hợp khẩn cấp.
- Khi đi cùng trẻ nhỏ, nên mang theo epinephrine đề phòng dị ứng khẩn cấp có thể dẫn tới sốc phản vệ.
- Đối với trẻ sơ sinh, nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Nếu con có dấu hiệu dị ứng, mẹ nên lưu ý không ăn các thực phẩm chứa protein sữa và tham vấn y kiến của bác sĩ về thực đơn cho mẹ và con.
Trên đây là tổng quan về dị ứng sữa mà mọi người, nhất là các bà mẹ đang nuôi con nhỏ cần biết để hiểu về các triệu chứng của tình trạng này từ đó có biện pháp can thiệp điều trị kịp thời. Sơ cứu đúng cách, đúng lúc, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu là cách giúp hạn chế biến chứng của dị ứng hiệu quả nhất.
Bài viết tham khảo:
Tin bài nên đọc
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!